Kẻ sát nhân trong những ngày miền Trung biến động (1)

Google News

Miền Trung Việt Nam trong giai đoạn từ đầu năm 1966 đến trước thời điểm ngày 30/4/1975 là những năm tháng vô cùng biến động.

Thời gian này, dân chúng từ Đà Nẵng đến Huế rầm rộ xuống đường biểu tình để chống lại sự xâm lược của Mỹ và chế độ độc tài quân sự của VNCH.
Sau khi trung tướng Nguyễn Chánh Thi trở thành thủ lĩnh của quân ly khai chống lại chính quyền Sài Gòn. Đầu tháng 4/1966, Nguyễn Cao Kỳ cử trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra miền Trung để điều đình với phe ly khai và đại diện các lực lượng đấu tranh đô thị nhưng ngay lập tức vị sứ giả này bị bắt giữ để làm con tin.
Giữa tháng 5/1966, thừa lệnh Thiệu - Kỳ, đại tá Nguyễn Ngọc Loan cùng với 5 tiểu đoàn nhảy dù, 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 1 biệt đoàn cảnh sát dã chiến bằng đường không vận của Mỹ đã có mặt ở miền Trung với sứ mệnh "dẹp loạn ly khai và phong trào đấu tranh đô thị".
Tại Huế, để đối phó với phong trào đấu tranh đòi hòa bình và tự quyết dân tộc của phật tử và sinh viên học sinh… Nguyễn Ngọc Loan đã chiêu dụ về cộng tác với mình khá nhiều những cộng sự mất hết lương tri, sẵn sàng đàn áp thẳng tay và nhả đạn vào đồng bào vô tội, sẵn sàng đạp đổ bàn thờ, dùng dùi cui, lựu đạn và còng số 8 để "trả nghĩa" cho mảnh đất đã sinh thành, nuôi dưỡng họ… Nổi bật trong số những kẻ vô luân đó là viên thiếu tá Liên Thành - Trưởng ty Cảnh sát Thừa Thiên.
BÀI I: LAI LỊCH CỦA MỘT KẺ SÁT NHÂN
Liên Thành có tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Liên Thành, sinh năm 1942, là cháu nội của Kỳ ngoại hầu Cường Để. Liên Thành sinh ra và lớn lên ở Huế, thi không đậu tú tài 1, nên thay vì ông ta được theo học Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức thì phải đi theo ngành sĩ quan bảo an. Từng là phụ tá quận trưởng ở Chi khu Nam Hòa, Đại đội trưởng Đại đội nghĩa quân Nam Hòa, Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân, Chi khu phó Chi khu Nam Hòa.
 Liên Thành lúc mới nhậm chức Phó ty Cảnh sát đặc biệt Huế.
Năm 1966, cha của Liên Thành là ông Nguyễn Phúc Tráng Cử, một đảng viên có vị thế của đảng Đại Việt tại Huế tổ chức một cuộc họp bàn để đưa người của mình vào nắm chính quyền. Lúc này Ty Cảnh sát Thừa Thiên (bao gồm cả công an lẫn cảnh sát, công an gọi là cảnh sát đặc biệt, tức mật vụ), ghế trưởng ty đã có ông Đoàn Công Lập (đảng Đại Việt) nắm giữ, phó ty là ông Hà Nguyên Chi (đảng Đại Việt) phụ trách cảnh sát. Cuộc họp bàn nhằm tìm một người có thể cáng đáng chức phó ty Cảnh sát đặc biệt.
Liên Thành lúc này đang mang lon thiếu úy, vì vậy với áp lực đảng phái của mình cùng với sự ưng thuận của đại tá Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Cảnh sát quốc gia, đang làm nhiệm vụ tại Huế. Chẳng mấy lâu sau, Liên Thành đã được bổ nhiệm làm Phó ty Cảnh sát đặc biệt tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế mà không hề trải qua bất cứ một khóa huấn luyện nào về kỹ thuật tình báo cũng như tư pháp.
Từ đây, Liên Thành bắt đầu những ngày tháng tác oai, tác quái của mình, bắt đầu những ngày tháng ông ta bước qua mọi rào cản của tình cảm, mọi lề lối của luân thường đạo lý, để từng ngày trở thành một kẻ côn đồ, vô hạnh và bất giáo nhằm khẳng định với thượng cấp của mình rằng: Liên Thành là một tay chống Cộng triệt để, luôn đặt lợi ích của đảng phái và thể chế VNCH lên trên.
 Phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường tranh đấu.
Người dân ở Huế ai cũng biết, Liên Thành xuất thân trong một gia đình phật tử vì có người anh ruột của bà nội là Đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết - Đệ nhất tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Liên Thành còn có người anh tên là Nguyễn Phúc Liên Phú, sau vụ đảo chính Diệm - Nhu ngày 1/11/1963 đã xuất gia đi tu ở chùa Tường Vân, sau này trở thành Thượng tọa Thích Chơn Kim. Thế nhưng, khi đã leo lên vị trí chỉ huy lực lượng Cảnh sát đặc biệt ở Huế, Liên Thành cùng với thuộc hạ của mình đã ngày đêm lùng sục để bắt bớ và đàn áp bất cứ những ai có tư tưởng cấp tiến đấu tranh giành lấy hòa bình và quyền tự quyết dân tộc.
Một việc làm hèn hạ thể hiện bản chất vô đạo của Liên Thành mà đến nay nhiều người dân ở Huế vẫn còn nhớ là việc ông ta cùng với mấy chục viên cảnh sát thuộc cấp của mình vây ráp chùa Trà Am nằm gần dưới chân núi Ngự Bình để vu oan giá họa và bắt giữ Thượng tọa Thích Như Ý đem về trung tâm thẩm vấn để tra khảo hành hạ với lý do “chùa của thầy nuôi giấu Cộng sản”.
Việc làm tai quái này của Liên Thành đã tạo nên một cơn bão phẫn nộ trong giới phật tử và trí thức Huế lúc bấy giờ. Kết quả là chính quyền Sài Gòn phải cử một đoàn thanh tra đặc biệt do tướng Trần Thanh Phong - Tư lệnh Cảnh sát quốc gia dẫn đầu khẩn cấp bay ra Huế để điều nghiên và bắt buộc ông ta phải giải trình. Sau đó, Thượng tọa Thích Như Ý mới được trả tự do để trở lại với đời sống tu tập của mình.
Nói về những hành vi tàn độc, giết thầy, giết bạn không chùn tay của Liên Thành trong thời kỳ ông ta là chỉ huy Cảnh sát đặc biệt ở Huế thì nhiều không kể xiết. Bởi vậy, trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ xin thuật lại một vài câu chuyện đã được rất nhiều người ở Huế chứng kiến một cách tường tận và sau này đã được nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nguyễn Đắc Xuân - một chứng nhân sát thực với giai đoạn lịch sử này ở Huế (hiện đang sống và nghiên cứu tại Huế) xác tín như sau:
Liên Thành nguyên là học trò của nhà thơ - nhà giáo Ngô Kha - một hạt nhân của phong trào đấu tranh đô thị ở Huế. Ông Ngô Kha sinh ngày 2/3/1935, ở làng Thế Lại Thượng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 - Đại học Sư phạm Huế (1958 - 1959), cử nhân Luật khoa (1962), dạy văn và công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo (Huế) từ năm 1960. Ngô Kha đã dấn thân vào phong trào đấu tranh đô thị từ những ngày tham gia nhóm "Quán Bạn" với Trần Quang Long, "Tuyệt Tình Cốc" với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan.
Năm 1966, sau khi bị động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức của quân đội Sài Gòn và đóng quân một thời gian ở Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An, Ngô Kha trở về Huế. Ông tham gia đấu tranh và là một trong những thành viên nòng cốt lãnh đạo đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai (sau đơn vị này lấy tên là chiến đoàn Nguyễn Đại Thức). Cuộc đấu tranh thất bại, Ngô Kha bị bắt lần đầu tiên vào năm đó và bị đày đi Phú Quốc một thời gian. Năm 1970, Ngô Kha chủ trương nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San. Ông là người sáng lập và là Chủ tịch Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung, năm 1972 do Thành ủy Huế chỉ đạo.
Năm 1973, để lập công chống Cộng và đẩy lùi phong trào đấu tranh của trí thức với thượng cấp của mình, Liên Thành đã nhẫn tâm ra lệnh cho các mật vụ thuộc cấp theo dõi, để rồi bắt giữ và thủ tiêu Ngô Kha. Việc làm vô đạo này của Liên Thành sau này đã được một sĩ quan an ninh của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế kể lại thông qua bản khai cung của can phạm như sau: Khoảng đầu năm 1973, hai mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp đi giám thị bằng xe Honda 67 thì gặp nhà thơ Ngô Kha mặc áo măng-tô trắng, đầu đội mũ phớt đi qua cầu Gia Hội. Liên và Cáp đón đầu Ngô Kha và yêu cầu Kha lên xe. Ngô Kha không chút ngạc nhiên bèn hỏi: "Lên xe nào?". Liên đáp: "Xe 67 này." Kha trèo lên xe.
Chiếc xe 67 chở ba người vụt chạy về gặp thiếu úy tổ trưởng tổ mật vụ đặc biệt Dương Văn Sỏ tại nhà riêng ở đường Nguyễn Thị Giang (bên cạnh quán Bar Why not, 21 Võ Thị Sáu, Huế ngày nay). Sỏ nói: "Để tau ăn cơm xong rồi sẽ đi báo cấp trên". Ăn xong Sỏ đi báo với Trương Công Ân và Ân báo với Liên Thành. Kết quả các nhân viên mật vụ vừa bắt Ngô Kha nhận được chỉ thị của Liên Thành là "1.000 năm mây bay".
Đến 4 giờ chiều Ngô Kha vẫn còn ở Ty thẩm vấn. Ân đến hỏi bọn Sỏ: "Sao chưa hành động?". Chúng nói trời chưa tối. Đến tối mấy tên Sỏ, Nghệ, Liên, Cáp chở Ngô Kha về hướng cửa biển Thuận An, lấy búa đánh Ngô Kha chết ngay tại Mỹ An rồi trùm bao bố thả xuống một con hói gần đó. Bọn chúng báo cáo với Liên Thành: "1.000 năm mây bay" đã xong và đã giải quyết ở Mỹ An. Liên Thành chửi: "Chúng bây quá ngu, như rứa dân chúng biết răng? Đi vớt lên, kiếm chỗ chôn cho thật kín đáo ngay".
Về cái chết của nhà yêu nước Ngô Kha, sau này được các ông bác trong họ Ngô, cùng tuổi với Ngô Kha và ở gần nhà Ngô Kha tại 30 Lê Đình Chinh - Huế ngày nay đã bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể hơn.
Hai tên mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp phát hiện Ngô Kha qua cầu Gia Hội và vào nhà 42 Bạch Đằng - nhà của bà quả phụ Ngô Du, chị dâu của Ngô Kha. Chúng sục vào nhà bắt Ngô Kha, nhưng vì bà Ngô Du là công chức rất rành về luật lệ nên chặn lại hỏi "Các ông bắt người thì phải có lệnh của cấp có trách nhiệm chớ?". Hai tên mật vụ ú ớ một lúc rồi để một tên ngồi lại canh chừng Ngô Kha còn một tên chạy về lấy lệnh bắt Ngô Kha do Liên Thành ký.
Trong lúc chờ đợi, bà Ngô Du bảo với Ngô Kha rằng "Chú trèo tường phía sau nhà trốn đi, để chị đối phó với mấy người kia". Nhưng Ngô Kha đã trả lời với chị dâu của mình rằng: "Em làm việc quang minh chính đại thì việc chi phải trốn, cứ để cho chúng bắt". Quả nhiên, khi quay trở lại nhà bà Ngô Du với tờ lệnh bắt của Liên Thành, những tên mật vụ này đã đưa Ngô Kha đi và ông mất tích luôn từ đó.
Những người họ hàng của Ngô Kha còn cho biết thêm: Theo lệnh của Liên Thành, xác của Ngô Kha được vớt lên khỏi bờ hói ở Mỹ An, rồi đem về bỏ nằm chết trần truồng trong phòng thẩm vấn. Không rõ từ nguồn tin nào, ông Phạm Bá Nhạc, Phó chi cảnh sát quận Hương Thủy, biết chuyện ấy rất đau đớn. Ngô Kha có một người chị là mẹ kế của Phạm Bá Nhạc. Dù sao trên danh nghĩa Ngô Kha cũng là cậu của Nhạc. Nhạc liền lên Huế xin Liên Thành một ân huệ là cho phép Nhạc mua cho Ngô Kha một cái quan tài. Liên Thành đồng ý với điều kiện phải giữ tuyệt đối bí mật. Nếu để lộ, Nhạc sẽ bị giết ngay. Nhạc cam kết sẽ giữ bí mật tuyệt đối. Ngô Kha được táng ở cồn mồ phía nam Huế. Để giữ mạng sống của mình, Nhạc không dám hé môi ngay với bà Cao Thị Uẩn, thân mẫu của Ngô Kha.
Sau năm 1975, Phạm Bá Nhạc đi học tập cải tạo. Nhiều năm sau này, trước khi đi định cư tại Mỹ theo diện HO, Nhạc có tiết lộ cho gia đình biết Ngô Kha đã chết vào ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Tý (nhằm ngày 30/1/1973) chứ không phải ngày 25 tháng Chạp như gia đình và bạn bè của Ngô Kha thường tổ chức kị trong mấy chục năm qua. Còn xác Ngô Kha được táng cụ thể chỗ nào thì vẫn còn trong vòng bí mật.
Gần đây, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã khoanh vùng được nơi táng nhà thơ Ngô Kha ở cồn mồ làng An Cựu. Sau năm 1975, cồn mồ đó đã bị giải tỏa san lấp để xây dựng Xí nghiệp Gỗ Hương Giang, nay là khu kho ngoại quan phía sau trạm xăng dầu gần Bến xe phía Nam thành phố Huế. Xác của giáo sư, nhà thơ Ngô Kha được vùi lấp cụ thể vào tọa độ nào, hay còn nằm dưới đất vùng kho ngoại quan, hay đã được dời đi đâu v.v… là những câu hỏi ám ảnh ông Xuân và những người bạn, những người học trò và gia đình Ngô Kha trong mấy chục năm qua.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có lời khẩn thiết gửi đến những người từng làm việc dưới trướng Liên Thành trước đây biết rõ đầu đuôi cái chết của Ngô Kha như Lê Văn Thiện, Dương Văn Sỏ (có tin đã qua đời), Trương Công Ân, Phạm Bá Đạt, Lê Đình Liên, Nguyễn Đình Cáp, Hồ Đình Chi v.v… đang ở Mỹ hãy chỉ giúp cho gia đình Ngô Kha, họ Ngô ở làng Thế Lại và những người bạn của Ngô Kha biết ông đã được chôn lấp nơi đâu. Biết nơi ông Ngô Kha gửi nắm xương tàn, mọi người sẽ dựng cho Ngô Kha một tấm bia và hằng năm đến ngày 27 Tết, đến thắp cho hương hồn Ngô Kha một nén hương tưởng tiếc…
Theo An ninh thế giới

Bình luận(0)