Tướng lĩnh Mỹ ảo tưởng... rồi “sập bẫy” ở Khe Sanh

Google News

(Kiến Thức) - Sự tính toán của viên tư lệnh quân Mỹ ở Khe Sanh hoàn toàn logic và chính xác. Tuy nhiên, trong ván cờ với tướng Giáp, họ không thể hiểu hết đối thủ, để rồi "sập" bẫy của chính mình.

Khe Sanh – Điện Biên Phủ của người Mỹ

Trận chiến Khe Sanh giữa quân đội Mỹ - Chính quyền Sài Gòn với QĐND Việt Nam chính thức bắt đầu vào ngày 20/1/1968 và kéo dài cho đến tháng 4/1968 theo quan điểm Mỹ hoặc đến 10/7/1968 theo quan điểm Việt Nam.

Theo cách nhìn của Mỹ, trận Khe Sanh kết thúc vào tháng 4/1968 khi lực lượng của họ tại đây thoát khỏi cảnh bị vây hãm. Theo cách nhìn của Việt Nam, chiến dịch này kết thúc vào ngày 10/7/1968 khi tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Khe Sanh.

 Quân đội ta pháo kích vào hầm chứa đạn tại căn cứ Mỹ, Khe Sanh năm 1968. Ảnh: Pháp luật TP.HCM.

Đương thời, người ta so sánh Khe Sanh như một Điện Biên mới. Mặc dù quân Mỹ không bị bắt sống toàn bộ tại Khe Sanh, song điều này không quá vì giữa 2 chiến trường này có nhiều điểm tương đồng.

Điểm đầu tiên là nó được dựng lên để ngăn chặn bước tiến đối phương. Pháp dùng Điện Biên để ngăn Việt Minh tiến qua Thượng Lào, còn Mỹ lập Khe Sanh để cản trở bộ đội Việt Nam di chuyển trên đường Trường Sơn.

Cũng như Điện Biên, việc còn mất của Khe Sanh có ý nghĩa quân sự quan trọng đối với cả đôi bên. Khe Sanh cách biên giới Việt - Lào 20 km về phía Đông. Do vậy, nó nằm rất gần đường vận tải Trường Sơn. Giữ được Khe Sanh, quân Mỹ có một căn cứ tiền phương tốt để thực hiện các cuộc hành quân tiến vào đánh phá đường Trường Sơn. Ngược lại, quân ta cần triệt phá Khe Sanh để tạo hành lang an toàn cho đường vận tải chiến lược.

Thêm vào đó, Khe Sanh còn là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử McNamara. Hệ thống này được xây dựng trên ý tưởng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara nhằm mục đích phát hiện sự di chuyển quân đội Việt Nam trên đường Trường Sơn. Nó dài khoảng 100 km, chạy song song với sông Bến Hải từ biển Đông đến Sê Pôn (Lào). Trên hành lang này, cứ khoảng 2 km có 1 tháp canh, khoảng 4 km có 1 căn cứ cỡ đại đội hoặc tiểu đoàn.

Được gọi là hàng rào điện tử vì người Mỹ bố trí ở đây những loại phương tiện điện tử hiện đại nhất như cây nhiệt đới, máy phát hiện hơi người, máy thu phát tiếng động. Tất cả nhằm phát hiện những sự di chuyển của người và xe cộ trên đường Trường Sơn để chỉ thị mục tiêu cho máy bay ném bom ngăn chặn.

Căn cứ Khe Sanh, với vị trí địa lý của nó, được xác định là trung tâm của hàng rào điện tử này. Do đó, nó được xây dựng thành một tập đoàn phòng ngự mạnh gồm các cứ điểm: Làng vây, chi khu Hướng Hóa, sân bay Tà Cơn.

Đồn trú trong khu vực Khe Sanh là khoảng 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ gồm 1 tiểu đoàn pháo binh và 4 tiểu đoàn bộ binh. Ngoài hỏa lực nội tại, Khe Sanh còn được sự yểm hộ mạnh mẽ của lực lượng không quân hùng hậu và pháo binh từ rất nhiều căn cứ khác. Theo Wikipedia, trong thời gian diễn ra trận chiến Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng khoảng 2.000 máy bay cùng 3.300 trực thăng để ném vào khu vực này hơn 114.000 tấn bom. Cùng với đó, pháo binh bắn chi viện 159.000 viên đạn pháo các cỡ (gấp 16 lần số viên đạn pháo của đối phương bắn ra).

Mặc dù Khe Sanh mạnh như thế, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn quyết định tấn công. Trên thực tế, quân ta đã đánh được hết các căn cứ phụ như Làng Vây, Tà Mây… và đào hào vây hãm căn cứ chính Tà Cơn suốt 50 ngày khiến quân Mỹ lâm vào cảnh khốn cùng đến mức nước uống và nước rửa phải dùng máy bay tiếp tế. Người Mỹ thực tế đã bị một trận Điện Biên mặc dù quân của họ không bị bắt sống như Pháp.

Đâu là sự thực?

Nói đến Khe Sanh, thường ta hay nói đến khía cạnh ta chủ động lập kế hoạch tấn công mà ít nhắc đến sự khao khát của Westmoreland về trận chiến này. Xây dựng hàng rào điện tử và lấy Khe Sanh làm trung tâm phòng tuyến để uy hiếp hành lang đường vận tải chiến lược Trường Sơn, Westmoreland sớm đã tính trước đối phương sẽ buộc phải tấn công giải tỏa cái gai này, nếu muốn bảo đảm an toàn cho đường di chuyển của mình.

Sự tính toán của viên tư lệnh quân Mỹ hoàn toàn logic và chính xác. Tuy nhiên, trong ván cờ với tướng Giáp, các tư lệnh Mỹ vẫn chưa thể hiểu hết đối thủ.

Rõ ràng Westmoreland đã thu hút được 4 sư đoàn quân Giải phóng cùng nhiều đơn vị độc lập khác với quân số lên đến khoảng 40.000 người vào Khe Sanh. Nhưng thực chất chính ông ta cũng đang phải điều hết lực lượng dự bị của mình ra để chống đỡ. Và vì thế mà tạo sơ hở ở các chiến trường khác cho quân Giải phóng miền Nam khai thác trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân.

Khi quân đội Việt Nam bắt đầu tới bao vây Khe Sanh, Westmoreland hết sức vui mừng nói với thuộc cấp: “Khe Sanh sẽ đứng vững trong lịch sử như một tấm gương cổ điển về thách thức đánh bại một lực lượng bao vây đông hơn nhiều lần bằng việc sử dụng hoả lực có phối hợp”.

Chiến sự này cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của Nhà Trắng. Johnson yêu cầu lập sa bàn Khe Sanh và lập một tiểu ban do tướng Taylor phụ trách để theo dõi và báo cáo tình hình Khe Sanh cho ông ta.

Trong khi đó, về phía Việt Nam, cuộc chiến ở Khe Sanh lại không hoàn toàn giống như một trận thử sức kiểu chiến tranh cổ điển. Theo Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước tập 6, kế hoạch tấn công Khe Sanh, ngoài ý nghĩa giải tỏa mối nguy hiểm đe dọa đường Trường Sơn thì mục đích chính là để thu hút lực lượng của Mỹ và quân đội Sài Gòn ra phía Bắc, tạo điều kiện cho kế hoạch tổng tiến công Tết Mậu Thân. Nội dung kế hoạch có đoạn: “Đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch”.

Đặt trong mục tiêu chiến lược thì tiến công Khe Sanh là gây áp lực ở mặt Bắc khiến tướng lĩnh Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải lưu tâm về việc quân Việt Nam sẽ tấn công Trị Thiên Huế. Do vậy, họ sẽ phải điều lực lượng dự bị ra để tăng cường phòng thủ. Như thế thì ở các nơi khác lực lượng mỏng đi, thuận lợi cho kế hoạch Tết Mậu Thân.

Bên cạnh đó, quân ta vẫn quyết tâm tiêu diệt Khe Sanh để giải tỏa cho đường Trường Sơn và làm phá sản hàng rào McNamara chứ không chỉ quấy rối như các hình thức nghi binh thông thường. Chính chỗ uyển chuyển hư hư thực thực đó đã khiến Westmoreland bối rối về mục tiêu thật sự trong hành động tiến công Khe Sanh của ta.

Sự bối rối trong phán đoán dẫn tới sai lầm trong hành động của Westmoreland được chứng thực trong cuốn Giải phẫu một cuộc chiến tranh: “Nhưng sự kiện ở Khe Sanh cũng làm cho Oét-mo-len tin rằng một cuộc tiến công sẽ được thực hiện ở các tỉnh phía bắc. Vào cuối tháng 2, với một nửa các tiểu đoàn cơ động tập trung vào vùng chiến thuật, Westmoreland đã rơi vào một chiếc bẫy rõ rệt”.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)