Bí mật ít biết về vùng đất thiêng Tây Tạng

Google News

Đến tận hôm nay, trong lòng Tây Tạng vẫn còn ẩn chưa rất nhiều điều bí ẩn mà con người chưa thể khám phá.

Với nhiều người xưa, vùng đất Tây Tạng (Trung Quốc) - mái nhà của thế giới là một mảnh đất huyền bí, thu hút bước chân của biết bao người. Đến tận hôm nay, trong lòng Tây Tạng vẫn còn ẩn chưa rất nhiều điều bí ẩn mà con người chưa thể khám phá.
Từ năm 1784, Trung Quốc đã bắt đầu có những ghi chép về "dã nhân" - sinh vật nửa người nửa thú. Những năm gần đây liên tiếp có những báo cáo về việc gặp "dã nhân" tại khu vực dãy núi Himalaya và câu chuyện về "dã nhân" Tây Tạng đã trở thành 1 trong 4 sự kiện bí ẩn của thế giới. Mặt khác, trên độ cao 5.000m trở lên ở Himalaya thường xuất hiện những đốm đỏ như máu, nhìn xa tuyết có màu đỏ. Những đốm đỏ này do các loại tảo như tảo tuyết y, tảo lục cầu, tảo sợi tuyết sinh kết hợp thành nhưng vẫn khiến nhiều người tò mò về loại tuyết lạ kỳ này.
 Người dân tộc Tạng cho rằng, vạn vật trên thế gian đều phải nghe theo sự sai khiến của thần linh.
Tại vùng đất này cũng lưu truyền một sự kiện kỳ lạ về "Người cầu vồng" xảy ra vào năm 1998 tại Kham, khu vực hẻo lánh phía đông Tây Tạng. Đó là sự biến mất của vị Lạt ma Khenpo A-chos. Ông là một trong các vị Lạt ma có uy tín nhất trong vùng, thường xuyên thuyết giảng về Đạo Phật. Vào tuổi 80, vị Lạt ma vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Một hôm, Lạt ma Khenpo A-chos lên nằm trên giường của mình, miệng lẩm bẩm câu thần chú Tây Tạng "Om mani padme hum" và qua đời. Ngay sau đó, cầu vồng xuất hiện trên căn phòng nhỏ của ông suốt cả ngày.
Những người học trò của Khenpo A-chos tổ chức lễ cầu kinh để linh hồn người thầy siêu thoát. Nhưng hiện tượng lạ thường đã xảy ra: da thịt của vị Lạt ma bắt đầu hồng hào trở lại. Một tuần sau, khi mở tấm áo bọc thi thể vị Lạt ma, người ta chỉ thấy vài sợi tóc còn sót lại trên gối, thi thể của Khenpo A-chos đã hoàn toàn biến mất. Từ đó người Tây Tạng gọi ông là "Người cầu vồng". Câu chuyện thần bí lan ra khắp nơi khiến cha Francis Tiso - một cha đạo dòng Thánh Benedict tại Mỹ khi nghe được cũng phải thốt lên: "Đây là sự giao hòa giữa cái có thể và không thể, giữa một con người hiện hữu và con người siêu phàm. Một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm được cơ sở để chứng minh rằng nó có thật".
Dưới sự chi phối của quan niệm tôn giáo nguyên thủy, người dân tộc Tạng cho rằng, vạn vật trên thế gian đều phải nghe theo sự sai khiến của thần linh. Vì vậy, theo họ, phù thủy, người chủ trì lễ tế của người Tạng nguyên thủy rất thần thông, có thể nói chuyện với quỷ thần, truyền đạt ý dân và chỉ thị của thần thánh, có thể dự đoán cát, hung, họa, phúc, trừ bỏ tai ương, bệnh tật … Họ là cầu nối giữa người và thần, có uy lực cao siêu.
Tuy nhiên, điều khắc nghiệt nhất về mảnh đất này là tại một đỉnh núi cao nguyên Thanh Tạng, nơi diễn ra nghi thức Thiên táng. Theo tín ngưỡng người Tạng, kền kền là chim thần. Thiên táng chính là một cách bố thí cao cả nhất của những Phật tử dành cho loài chim thần này. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã cấm những tập tục này, nhưng về cơ bản, người Tạng tin rằng, mảnh đất của họ là mảnh đất thiêng. Nơi đây, họ khắc kinh lên đá, đọc kinh phật hàng ngày, sống theo đạo tự nhiên của trời đất, quỳ lạy những ngọn núi thiêng hùng vĩ tượng trưng cho những vị thần... Sự văn minh chỉ xâm nhập ở mức độ gia dụng, không thể thay đổi thói quen tín ngưỡng và lối sống hàng ngàn năm của họ.
Theo Thế giới & Việt Nam

Bình luận(0)