32 tai nạn vũ khí hạt nhân của Mỹ trong TK 20

Google News

(Kiến Thức) - Theo một số tài liệu, trong khoảng thời gian từ năm 1950 - 1980, nước Mỹ đã phải hứng chịu 32 tai nạn liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Những tai nạn lớn liên quan đến vũ khí hạt nhân của Mỹ trong giai đoạn từ năm 1950 - 1980 đó là: Vào tháng 2/1950, Mỹ gặp phải trường hợp thất lạc vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử. Khi đó, máy bay ném bom chiến lược Convair B-36B của không quân Mỹ gặp nạn trong lúc tham gia diễn tập tấn công. Theo đó, máy bay cất cánh từ căn cứ tại Alaska đã mang theo một quả bom nguyên tử Mark IV. Tuy nhiên, do động cơ hỏng vì bị đóng băng nên phi hành đoàn buộc phải thả rơi vũ khí trên rồi kích nổ bom trên không. Tuy chứa uranium và thuốc nổ thông thường nhưng do không có lõi plutonium nên quả bom chỉ gây ra một vụ nổ phi hạt nhân lớn gần British Columbia, Canada.
Đến tháng 11/1950, động cơ của máy bay B-50 gặp trục trặc nên phi hành đoàn Mỹ đã thả một quả bom Mark 4 xuống sông St. Lawrence, gần Riviere-du-Loup, cách Montreal (Canada) khoảng 480 km về hướng đông bắc. Quả bom nổ tung trong lúc va chạm và giải phóng gần 45 kg uranium chứa trong vũ khí nguy hiểm này.
Năm 1956, máy bay B-47 của quân đội Mỹ đột nhiên biến mất khi mang theo 2 quả bom nguyên tử có hành trình cất cánh từ căn cứ không quân MacDill, bang Florida đến một căn cứ ở nước ngoài. Cho đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa tìm ra tung tích của máy bay và số vũ khí nguy hiểm trên. 
Cũng trong năm 1956, Mỹ lại gặp nạn với vũ khí hạt nhân khi máy bay B-47 đâm vào cơ sở chứa vũ khí hạt nhân ở căn cứ không quân Lakenheath chứa 3 bom Mark 6 tại Suffolk (Anh) trong thời gian diễn tập. Rất may là 3 quả bom trên không phát nổ nếu không hậu quả sẽ rất khó tưởng tượng.
 Tên lửa Titan II mang theo đầu đạn W-53 có sức công phá mạnh gấp 560 lần so với bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Năm 1961, máy bay B-52 của Mỹ gặp sự cố khiến bom Hydro Mark 39 rơi xuống gần khu vực thành phố Goldsboro, bang Bắc Carolina. Mặc dù cơ chế kích nổ đã khởi động nhưng một chốt an toàn của vũ khí không hoạt động nên nước Mỹ đã thoát khỏi thảm họa hạt nhân.
Tháng 12/1965. Theo Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ, máy bay tấn công A-4E Skyhawk mang theo bom hạt nhân B43 lăn xuống biển khi đang đậu trên tàu sân bay USS Ticonderoga tại vùng biển Thái Bình Dương. Hậu quả là phi công, máy bay lẫn vũ khí hủy diệt đều không bao giờ được tìm thấy.
Tháng 1/1966, quân đội Mỹ lại gặp sự cố kinh hoàng khác khi máy bay B-52 chở 4 quả bom nhiệt hạch xảy ra va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 trên không và rơi gần Palomares, Tây Ban Nha. Vụ tại nạn thảm khốc trên đã cướp đi sinh mạng của 7 phi công trên 2 bay trên. Khi đó, hai quả bom không có lõi plutonium phát nổ. Sau đó, chính quyền Mỹ đã phải nỗ lực huy động các nguồn lực để thu hồi quả bom thứ 3 và thứ 4.
Tháng 9/1980, một kỹ thuật viên đã làm thủng thùng nhiên liệu của tên lửa trong khi bảo trì thường xuyên tên lửa sẵn sàng chiến đấu Titan II ở trong một hầm ngầm dưới lòng đất tại căn cứ không quân Mỹ ở Damascus, bang Arkansas. Mặc dù các nhân viên tại đây đã cố gắng sửa chữa, khắc phục tình hình nhưng không thành công. 8 giờ sau khi xảy ra sự cố, thùng nhiên liệu phát nổ khiến cánh cửa nặng 740 tấn của hầm ngầm văng xa 200m và gây ra nhiều vụ nổ kinh hoàng.
Tâm Anh (theo MJ)

Bình luận(0)