Nhiều ý kiến trái chiều về dị nhân “hô mưa gọi gió” ở Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi tòa soạn đăng tải thông tin về anh Lê Minh Hoàng – người tuyên bố có khả năng “hô mưa”, có thể làm giảm mực nước biển, hạn chế băng tan… 

Chỉ là dự báo thời tiết 

Trước hiện tượng lạ về anh Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967 ở thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) tuyên bố có khả năng “hô mưa” cùng nhiều khả năng kỳ lạ khác, không ít độc giả cho rằng lời tuyên bố của anh Lê Minh Hoàng chỉ là “chém gió” hòng biến mình thành người nổi tiếng. Có bạn đọc còn gay gắt cho rằng, anh Lê Minh Hoàng bị hoang tưởng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tán tụng về khả năng kỳ lạ ấy. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm gặp các chuyên gia hàng đầu Việt Nam để có những ý kiến xác đáng nhất về vấn đề này.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cho biết: “Con người ta chỉ có thể tính được ngày mưa, vùng đất có mưa chứ không thể làm được chuyện “hô mưa” như anh Lê Minh Hoàng đã tuyên bố. Tôi phải khẳng định là trên thế giới từ trước tới nay chưa ai có khả năng kỳ diệu ấy, nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ là trong truyền thuyết, thần thoại hư cấu. Trường hợp Khổng Minh Gia Cát Lượng bên Trung Quốc với kiến thức uyên thâm “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” mà nhiều người còn không tin là Khổng Minh có khả năng “hô phong hoán vũ”.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cho biết thêm: “Thực tế không phải Khổng Minh có tài “hô phong hoán vũ” mà ông ấy tính được ngày mưa, việc tính được ngày có mưa thì rất nhiều người làm được, bản thân tôi cũng tính được. Còn những người tiên đoán, dự báo được vấn đề thì lại thuộc một phạm trù khác. Việt Nam chúng ta có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể dự đoán chính xác được nhiều việc là do lĩnh hội được “Thái Ất thần kinh”. Cuốn sách này tôi đã đọc nhưng bao nhiêu năm nay cũng không hiểu. Khi con người đã không hiểu về Thái Ất thì làm sao có thể “hô mưa” như anh Lê Minh Hoàng tuyên bố”. 

Tuy nhiên, Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cũng khẳng định: “Việc đuổi mưa thì khoa học đã có rồi và làm được nhưng vô cùng tốn kém. Như đất nước Nga đã từng thực hiện bắn đại bác lên bầu trời để xua mây tích tụ mưa trước ngày lễ duyệt binh. Đấy là dùng khoa học tác động đến thời tiết chứ con người dùng ý nghĩ để gọi mưa thì chưa có”.

Anh Hoàng khẳng định đã nhiều lần “mời mưa” thành công. 

Ý nghĩ tác động đến môi trường

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương cho rằng: Riêng về vấn đề “có hay không sự tương tác của ý thức với môi trường” là một câu hỏi đang được khoa học khám phá. Nhưng ngay cả những tri thức mang tính minh triết về ý thức thì đều thừa nhận sự tác động của ý thức với vật chất dù theo quan điểm nào cũng chỉ mang tính lý thuyết trên cơ sở nhận thức thực tế khách quan.

Một ví dụ cụ thể nhất là hành vi thôi miên đang hiện hữu trên thực tế, có thể coi như là một ví dụ về sự tác động của ý thức với môi trường. Hoặc một ví dụ khác: Chính ý thức của chúng ta đang điều khiển hành vi của chúng ta. Tất cả những điều đó là thực tại khách quan đang hiện hữu. Vấn đề còn lại là cơ chế tương tác đó như thế nào và những tri thức khoa học trong tương lai có thể lý thuyết hóa và mô hình hóa cơ chế tương tác đó hay không? Từ đó chúng ta có thể suy ra rằng: Việc dùng ý thức tác động lên môi trường làm ảnh hưởng đến thời tiết không phải hoàn toàn không có cơ sở thực tế khách quan. 

“Trường hợp anh Lê Minh Hoàng, tôi không phản bác nhưng cũng chưa thể công nhận. Vì đây là một trường hợp về một khả năng cá nhân cụ thể cần thẩm định. Bởi vì, không loại trừ anh Hoàng đúng là có khả năng này. Trong trường hợp, nếu như cấu trúc cơ thể của anh ta - trong quá trình phát triển có hiện tượng đột biến tương thích với một cơ chế tương tác nào đó, tạo ra khả năng tương tác giữa ý thức của anh ta với môi trường thiên nhiên, cụ thể là hiện tượng mưa nắng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thẳng thắn.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cũng đồng ý về sức mạnh của ý nghĩ đến vật chất. Như trong cuốn “Tâm thần học” của các tác giả Nga nghiên cứu và được Nhà Xuất bản MIR – Mát-xcơ-va ấn hành cũng khẳng định sức mạnh của ý nghĩ tác động tới vật chất. Tuy nhiên, Thiếu tướng, TS Chu Phác nhận định: “Vấn đề này tuy đúng nhưng không phải ai cũng làm được và lúc nào cũng làm được”.

Thực tế, sau khi anh Hoàng tuyên bố có khả năng “hô mưa”, người thân trong chính gia đình cho rằng anh bị tâm thần. Họ đưa anh đi bệnh viện nhưng các bác sĩ đều khẳng định là anh bình thường.

Lời xác nhận của người dân về sự tiên đoán của anh Hoàng. 

Biểu hiện của hoang tưởng tự cao

Tuy nhiên, khi biết về trường hợp anh Lê Minh Hoàng tuyên bố có thể “hô mưa”, làm giảm mực nước biển, hạn chế băng tan... BS Trịnh Bích Huyền, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã khẳng định: Trường hợp người tuyên bố có khả năng “hô mưa” chắc chắn là bị hoang tưởng tự cao. Trường hợp này bệnh nhân hưng cảm có loạn thần, cho mình là giỏi, làm được nhiều việc vĩ đại như điều khiển được vũ trụ. Bệnh nhân không nhận ra là mình bị hoang tưởng. 

Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác lại cho rằng: “Rất có thể anh Lê Minh Hoàng mắc bệnh hoang tưởng lãnh tụ hoặc hoang tưởng dự báo. Họ lúc nào cũng thể hiện mình là người vĩ đại, làm được những việc phi thường. Thậm chí có thể tiên đoán tương lai cách xa hàng nghìn năm. Tuy nhiên, nếu anh Lê Minh Hoàng có bị hoang tưởng thật thì chúng ta cũng không nên miệt thị hay khinh thường. Bởi đơn giản rằng, người hoang tưởng không bao giờ biết và tin rằng mình có bệnh. Họ chỉ nhiệt tình thể hiện những gì mà họ cho là đúng”.

“Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp kỳ lạ và trực tiếp nghiên cứu để có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, ngay cả việc đo năng lượng của những người được coi là “dị nhân” cũng không dễ, khoa học của chúng ta chưa theo kịp những hiện tượng bí ẩn. Để giải thích được, chúng ta cần kiến thức mới và những hiểu biết sâu sắc để đánh giá”.
GS.VS Đào Vọng Đức (nguyên Viện trưởng Vật lý, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người)

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Thái Hòa

Bình luận(0)