“Săn” linh vật huyền bí nhất Tây Bắc

Google News

Mảnh đất Tây Bắc có một sức hút đầy ma lực khiến cho mỗi chuyến đi của tôi là một sự khám phá đầy thú vị.

- Mảnh đất Tây Bắc có một sức hút đầy ma lực khiến cho mỗi chuyến đi của tôi là một sự khám phá đầy thú vị. Một trong những điều thú vị mà tôi đã khám phá ra là câu chuyện về linh vật khuây đán và hi đán hay còn gọi là chim đá, bướm đá. Đây là câu chuyện huyền bí nhất, cuốn hút nhất, ít người biết đến nhất mà tôi đã may mắn được biết.

Linh vật huyền thoại của người Thái đen

Linh vật chim đá, bướm đá có tên gọi phổ thông là sinh thực khí hoặc linga và yoni. Còn tên gọi theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là khuây đán và hi đán. Những người sở hữu linh vật khuây đán và hi đán bằng đá cho biết: "Ở Tây Bắc chỉ có 4 người sở hữu linh vật này. Trong đó 3 người sở hữu trọn bộ cả khuây đán, hi đán và một người chỉ có một chiếc".

Từ tờ mờ sáng đám thanh niên bản ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã dắt díu nhau ra chợ huyện, họ quây quần bên nhau uống rượu, cười nói. Bất chợt, tôi nghe được trong câu chuyện của họ có kể về một linh vật huyền bí mà đám thanh niên gọi là "chim đá, bướm đá".

Tò mò về câu chuyện vừa nghe lỏm được, tôi dừng lại nhập mâm với đám thanh niên bản, rồi nghe họ tưng bừng bàn tán về "chim đá", trong khi tất cả họ chưa ai tận mắt trông thấy linh vật huyền thoại này.

Theo anh Lô Văn Thiệu, một thanh niên dân tộc Thái thì những người sở hữu linh vật hi đán, khuây đán chủ yếu tập trung ở huyện Mường La, Sơn La, còn những địa phương khác không thấy ai biết đến linh vật huyền bí này, mặc dù đi đến đâu anh cũng ra sức tìm kiếm, hỏi thăm.

Theo sự chỉ dẫn của Thiệu, chúng tôi tìm đến xã Ngọc Chiến, huyện Mường La để tìm hiểu thông tin. Đến đầu xã chúng tôi hỏi một cụ cao tuổi về linh vật huyền bí hi đán, khuây đán, cụ già chỉ lắc đầu nguầy nguậy rồi bảo: "Chuyện về hi đán, khuây đán thì tao nghe kể nhiều lắm, ngay cả đám thanh niên choai choai bây giờ cũng biết nhiều về những câu chuyện liên quan tới nó. Nhưng gần 80 năm sống trên đời này tao chưa được nhìn thấy nó, ở cái đất Sơn La này may ra thì có một, hai nhà có được vật linh thiêng đó. Trong tỉnh Sơn La, tao dám chắc chỉ có ở đất Pí Tòng, Ngọc Chiến là có người sở hữu vật này".

Theo lời chỉ dẫn của cụ già ở xã Ngọc Chiến, chúng tôi men theo con đường núi gập ghềnh đến xã Pí Tòng, tại đây, người sở hữu cặp hi đán, khuây đán cho biết là đã cho một người bạn dân tộc H’Mông mượn đi tán gái, muốn xem được linh vật này thì phải đợi tầm một tháng nữa thì người dân tộc Mèo kia mới trả.

Ông Quàng Văn Úa sở hữu bộ linh vật hiếm nhất Tây Bắc.
Ông Quàng Văn Úa sở hữu bộ linh vật hiếm nhất Tây Bắc.

Mục kích hi đán

Sau nhiều ngày tìm kiếm thông tin về hi đán, khuây đán, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một thanh niên tên Diễm ở xã Ngọc Chiến mách cho nghe về tung tích của bộ hi đán. Điều đặc biệt là bộ hi đán này là của ông nội anh, từ bé đến lớn anh chưa nhìn thấy nó, ông nội cũng chưa bao giờ cho người lạ xem bộ linh vật này.

Sau một hồi thuyết phục, Diễm miễn cưỡng đưa chúng tôi tới nhà ông Quàng Văn Úa - ông nội của Diễm. Khi chúng tôi hỏi về vật thiêng, ông Úa không giấu được sự bất ngờ, ông thẫn thờ hồi lâu rồi lượn đi lượn lại quanh bàn uống nước, hút đến bốn mồi thuốc lào mà miệng vẫn không nói câu nào. Khoảng 40 phút sau ông mím môi, chẹp miệng bảo: "Thôi được! Phải nhiệt tình lắm thì chúng mày mới lặn lội từ Hà Nội đến đây để xem khuây đán, hi đán. Chờ tao một chút".

Nói rồi ông Úa lọc tọc leo lên nhà sàn lục lọi lấy ra một cái túi vải đã cũ mèm, ông cẩn thận mở dây buộc túi lấy ra một bộ hi đán, khuây đán. Chiếc khuây đán có màu vàng, dài khoảng 5cm to hơn ngón chân cái, còn chiếc hi đán có màu đen kích cỡ gần bằng bao thuốc lá. Điều kỳ lạ là bộ linh vật này hoàn toàn bằng đá tự nhiên, không hề đẽo gọt nhưng lại khá sinh động.

Theo ông Úa thì chỉ có những người may mắn mới gặp được linh vật này, nếu không hợp với người thì hi đán, khuây đán sẽ "chết" hoặc đi tìm chủ nhân mới. Riêng gia đình ông đã giữ gìn khuây đán, hi đán qua sáu đời nay, rất may là đời nào cũng có người hợp với hi đán, khuây đán. Chính vì thế mà qua hàng trăm năm hi đán, khuây đán vẫn "sống" và nhìn bóng bẩy, tươi mới.

Người dân địa phương quan niệm hi đán và khuây đán cũng có linh hồn.
Người dân địa phương quan niệm hi đán và khuây đán cũng có linh hồn.

Phải nuôi linh vật trong hũ gạo

Khi chúng tôi đề nghị được xem linh vật hi đán, khuây đán, ông Quàng Văn Úa đã yêu cầu chúng tôi đi rửa tay thật sạch bằng nước lã. Rửa tay xong rồi ông mới lên gác lấy hi đán cho xem và bảo, chỉ những ai rửa tay rồi thì mới được đụng vào hi đán, khuây đán.

Ông Úa cho biết: "Hi đán, khuây đán  là vật linh thiêng và quý giá, vật này có thể trường tồn mãi mãi nếu được nuôi tử tế, nếu không thì vật này sẽ tự phân hủy mà chết, vì thế ai sở hữu chúng đều phải nuôi trong một hũ gạo, đồng thời thả vào hũ gạo vài đồng bạc nguyên chất.

Các cụ trước đây dặn dò là phải làm như vậy để hi đán, khuây đán ăn gạo, còn thả đồng bạc vào để cho hi đán, khuây đán lúc nào cũng bóng bẩy, giống như là một người đàn bà thì phải được trang điểm, làm đẹp. Mỗi năm phải tắm cho hi đán, khuây đán một lần vào chiều 30 hoặc mồng 1 Tết âm lịch. Những ngày bình thường nếu ai đó muốn xem hi đán, khuây đán thì phải rửa tay trước khi xem chúng, nếu không hi đán, khuây đán sẽ mất thiêng".
 
"Gần 80 năm nay, nhà báo là người lạ mặt thứ hai được chúng tôi cho xem bộ hi đán, khuây đán. Trước đây, có một cặp vợ chồng dưới xuôi lên đi chơi, họ biết được tin này nên đã đến đây xin xem, ban đầu tôi không đồng ý, nhưng họ cứ đến xin được xem vật thiêng mấy ngày liên tiếp, vì cảm kích tấm lòng của họ nên tôi mới cho xem. Đời ông, cha chúng tôi truyền lại là không nên cho vật này tiếp xúc với người lạ mặt nhiều, trường hợp cho xem thì phải có lễ cúng còn vì sao lại phải làm thế thì các cụ không giải thích, chúng tôi chỉ biết làm theo lời dặn dò của các cụ".
Ông Quàng Văn Úa
(còn tiếp)
Quách Dương
[links()]

Bình luận(0)