Trung Quốc siết tiểu ngạch: Việt Nam thiệt trước, lợi sau

Google News

(Kiến Thức) - Nếu TQ hạn chế giao thương tiểu ngạch, bà con nông dân sẽ ít gặp rủi ro hơn… nhưng VN sẽ tìm ra thị trường mới, giảm mạnh lệ thuộc.

Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng hoạt động một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định.
Liên quan tới thông tin này, ngày 29/6, Chánh văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn - ông Phùng Quang Hội cũng cho biết, tình hình giao thương buôn bán giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường ở các khu vực có cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, giao thương không chính ngạch qua đường mòn biên giới đã bị hạn chế.
Thông tin trên đang khiến dư luận có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người băn khoăn việc giao thương tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc hạn chế có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam? Chúng ta cần có những giải pháp gì để đối mặt và xoay chuyển tình hình?
Trung quoc han chet nhap khau Viet Nam thiet truoc - loi sau
 Hiện thương mại tiểu ngạch chiếm một tỉ trọng đáng kể trong thương mại Việt Nam với Trung Quốc.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, việc hạn chế giao thương tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực.
Hiện chủ yếu nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đều theo đường tiểu ngạch. Nếu một số cửa khẩu Trung Quốc dừng hoạt động, giao thương tiểu ngạch hạn chế, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng sẽ không xuất được, tồn ứ lại. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần phải tái cơ cấu thị trường, tìm thêm những thị trường mới để đưa mặt hàng nông sản Việt Nam ra ngoài trước nguy cơ không ổn định từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này không đơn giản và phải mất một thời gian khá lâu để chúng ta đầu tư, cải thiện chất lượng hàng hóa, công tác chế biến, bảo quản, quy trình sản xuất, đóng gói… vì thị trường châu Âu, Mỹ hay một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…, yêu cầu về chất lượng hàng hóa, chế biến, bảo quản rất nghiêm ngặt, đặc biệt là hàng nông sản.
Hiện thương mại tiểu ngạch chiếm một tỉ trọng đáng kể trong thương mại Việt Nam với Trung Quốc, không chỉ tác động đến nguồn thuế thu, gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng hàng nhập khẩu mà còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu khắc phục được những khó khăn trên thì việc Trung Quốc tạm thời đóng cửa một số cửa khẩu lại gây ảnh hưởng tích cực lâu dài tới nền kinh tế Việt Nam.
Có rất nhiều chuyện “dở khóc dở cười” khi hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Khá nhiều sản phẩm sơ chế là do thương nhân Trung Quốc thu mua tận gốc với giá rẻ. Đã có không biết bao nhiêu trường hợp nông dân Việt Nam bán ngọn chặt gốc và sau đó là phá sản vì bị thương lái Trung Quốc “xù” hợp đồng.
Cho tới nay, nếu theo con đường xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc. Điều này cũng trực tiếp làm suy giảm lợi ích từ hoạt động thương mại của Việt Nam.
Như vậy, việc hạn chế giao thương tiểu ngạch sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp có sự điều chỉnh linh hoạt, tìm các hướng đi, tìm cách để xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và tìm thêm các thị trường tiềm năng khác.
Thực ra, vấn đề nào cũng có tác động 2 mặt. Thời gian qua, từ khi Trung Quốc ngang ngược mang giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, căng thẳng Biển Đông ngày một leo thang, chúng ta đã nói nhiều đến khái niệm “thoát Trung”. Tôi nghĩ trong một thế giới phẳng thì việc chúng ta dùng cụm từ “thoát Trung” là không chính xác lắm, mà đúng ra chúng ta nên dùng cụm từ “không lệ thuộc vào Trung Quốc”. Chẳng hạn chúng ta giảm bớt và dần chấm dứt nhập khẩu những mặt hàng chất lượng thấp kém từ Trung Quốc, bớt lệ thuộc vào tư duy cũ trong đó có nhiều cái ảnh hưởng từ Trung Quốc… Việc hạn chế giao thương tiểu ngạch là cơ hội để các doanh nghiệp, người sản xuất trong nước nhận rõ những rủi ro khi quan hệ thương mại với Trung Quốc, từ đó, nhanh chóng tìm cách chuyển đổi, tìm kiếm thị trường mới ổn định hơn".
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nói “thoát Trung” là không cần thiết, mà chúng ta cần tìm cách để chơi với Trung Quốc sao cho ta có lợi nhất.
Tất nhiên việc Trung Quốc hạn chế giao thương tiểu ngạch, đóng cửa tạm thời một số cửa khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới GDP của Việt Nam, nhưng lại tác động không nhỏ đến bà con nông dân Việt Nam, nên sẽ tạo ra một áp lực nhất định lên nền kinh tế và xã hội.
"Trước mắt, chúng ta cần xem Trung Quốc sẽ đóng cửa các cửa khẩu nào thì mới biết tác động cụ thể ra sao. Nếu họ đóng các cửa khẩu mà Việt Nam chủ yếu xuất hàng nông, thủy sản thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông, ngư dân ngay. Cái đó chúng ta cũng phải tính toán sớm.
Nếu chúng ta tìm các thị trường xuất khẩu khác, đặc biệt là cho mặt hàng nông sản, thì cũng cần phải lưu ý làm thế nào để cạnh tranh được với các nước như Philippines, Thái Lan… Hàng nông sản của họ cũng gần giống Việt Nam, có thể họ đã đi trước, đã xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật… trước mình rồi, quy trình của họ cũng tốt rồi, nên để cạnh tranh được mình cũng sẽ có những khó khăn nhất định trong giai đoạn đầu. Thế nên cái cần thiết là chúng ta phải tính trong dài hạn, làm sao dần dần bớt phụ thuộc vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro", TS Doanh nói. 
Đông Nhiên

Bình luận(0)