Chuyện chưa kể về con đường xuyên dãy Trường Sơn

Google News

Cái nắng, cái gió của Trường Sơn khắc nghiệt lắm, vậy mà anh em vẫn treo mình trên vách đá mà đục phá vách núi, khoan nổ mìn để cho con đường xuyên Việt.

Những ngày tháng được tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh, tuyến đường xuyên Việt thứ hai để lại trong tôi biết bao kỷ niệm về lòng dũng cảm, ý chí và tinh thần lao động của những người thợ giao thông trên công trình lịch sử.
Chuyen chua ke ve con duong xuyen day Truong Son
Những ngày đầu bắt tay thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh vô cùng gian nan, vất vả - Ảnh: Ban QLDA đường HCM
Biết phía trước là gian khổ vẫn tận lực cống hiến
Ngày 5/4/2000, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính thức phát lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa. Để xây dựng đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT phải huy động 16 tổng công ty xây dựng công trình giao thông mạnh nhất thời điểm đó. Cùng đó là 65 công ty, đơn vị liên danh xây dựng, hàng trăm kỹ sư tư vấn giám sát của Cuba cùng hàng vạn công nhân lao động kỹ thuật, TNXP của các Bộ: GTVT, Xây dựng, Quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các đơn vị của các Sở GTVT địa phương nơi con đường đi qua cũng được huy động vào dự án.
Đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, nối dài từ Pắc Bó - Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau, đã và đang phát huy hiệu quả, thế mạnh, giúp miền núi, vùng sâu, vùng xa phát triển, tiến kịp miền xuôi. Nhớ lại những năm tháng ấy, tôi không khỏi hãnh diện, tự hào vì đã đóng góp được một phần nhỏ bé, tham gia cùng toàn ngành GTVT xây dựng con đường ngay từ ngày Chính phủ phát lệnh khởi công.
Không chỉ Bộ GTVT mà các bộ, ngành cũng phát động phong trào thi đua 4 nhất trong CBCNV các đơn vị tham gia xây dựng với 4 mục tiêu: Chất lượng tốt nhất; Tiến độ nhanh nhất; An toàn lao động nhất và Chăm lo đời sống người lao động tốt nhất. Ban chỉ đạo thực hiện phong trào trực tiếp do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Chiến là Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quang Tuyến là Phó Trưởng ban thường trực; Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Vũ Minh Tâm là Phó ban; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn) và một số đồng chí khác đại diện cho các bộ, ngành T.Ư, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh… cùng tham gia.
Không khí thi đua ngày ấy rất sôi động, từ người cán bộ đến anh em công nhân, ai cũng muốn cống hiến công sức của mình với công trình lịch sử của đất nước. Tôi được biết, nhiều gia đình anh em công nhân đang sống ở khu tập thể đã về quê đón bố hoặc mẹ lên trông con giúp để vào công trường toàn tâm, toàn ý làm việc. Anh chị em tâm sự: Khi cả nước đánh Mỹ, mình còn nhỏ tuổi, chỉ biết “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa” qua trang sách nhà trường, nay có dịp bước chân trên dãy Trường Sơn, thật là hãnh diện. Vì vậy, vẫn biết phía trước là gian khổ nhưng xác định đây là cơ hội vàng nên anh em sẵn sàng lao động, cống hiến.
Với vai trò là thường trực phong trào thi đua 4 nhất, Công đoàn GTVT VN khi ấy đã tham mưu cho Ban chỉ đạo chọn gói thầu của Tổng công ty XDCT Giao thông 1 ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm địa điểm tổ chức lễ xuất quân, chính thức vào cuộc xây dựng công trình.
Khua tay là vốc được muỗi
Với chiều dài toàn tuyến đường hơn 3.260 km từ Pắc Bó (Cao Bằng ) tới Đất mũi Cà Mau, đường Hồ Chí Minh chạy trên sườn đồi núi, có đoạn xuyên qua lòng núi như đỉnh A Roàng (Quảng Nam) sát nước bạn Lào; có đoạn qua đồng bằng, lại có đoạn qua Tây Nguyên… với địa hình khác nhau, địa chất, thời tiết đa dạng, phức tạp. “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa, Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”, quả đúng như vậy. Điều kiện thời tiết, địa hình khó khăn và những thiếu thốn, vất vả ở những công trường nơi con đường đi qua là thử thách cao nhất lòng dũng cảm, ý chí và tinh thần lao động của những người thợ xây dựng giao thông.
Trên công trường, có nhiều điểm được ví “thung lũng muỗi” như đèo Đá Đẽo. Khi mưa dầm, chỉ cần khua tay là vốc được muỗi. Vì thế, để chăm lo và bảo vệ sức khỏe người lao động, Công đoàn GTVT VN phối hợp với Sở Y tế giao thông đem thuốc phòng sốt rét cấp phát cho anh em công nhân. Nhiều chuyến đi, đích thân bác sỹ Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Sở vào tận nơi công nhân làm việc để tuyên truyền, giải thích về bệnh sốt rét và hướng dẫn các biện pháp phòng chống. Rồi đoạn qua miền Trung và Tây Nguyên cũng khắc nghiệt không kém: Nhiều đoạn trên sườn đồi còn sót lại bom nổ chậm; Máy ủi gạt đất lộ ra vài thùng chất diệt cỏ do Mỹ thả xuống thời chiến tranh…
Gian khổ là vậy nhưng các công trường luôn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo Nhà nước và các ban, ngành T.Ư. nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu, các Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quang Tuyến, Ngô Thịnh Đức, Trần Doãn Thọ… nhiều lần trực tiếp đến chỉ đạo công trường và thăm hỏi, tặng quà động viên CNLĐ trên công trình đường Hồ Chí Minh mặc dù đường đến công trường rất khó khăn. Tôi nhớ, đường Hồ Chí Minh mới mở, hầu như ô tô đi trên nền đất mới, vào mùa khô bụi đỏ bám kín cây ven đường, còn mùa mưa đường đất đỏ trơn lầy, nhiều đoạn xe cứ xoay ngang, bò ra…, cả đoàn phải xuống xe đi bộ hàng ki lô mét. Thậm chí, có đoạn Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải điều máy ủi tới gạt bùn đất xe mới đi tiếp được. Có lần 21h, đoàn công tác của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quang Tuyến và chúng tôi vẫn còn trên đỉnh U Bò, Đá Đẽo thăm hỏi, tặng quà công nhân CIENCO 4 đang đổ bê tông mặt đường trong điều kiện mưa dầm giá rét.
Mưa lũ, tắc đường không lo “đứt bữa”
Công việc tại công trường vô cùng vất vả nên đời sống của công nhân càng được các đơn vị quan tâm, dẫu còn thiếu thốn. Tuy vậy, tại mỗi lán nghỉ đều có tivi để giải trí hay ngoài giờ lao động, anh em vẫn thường xuyên rèn luyện thể thao với các môn bóng chuyền, cờ tướng… Bữa ăn cũng được quan tâm, cải thiện. Khi mưa lũ tắc đường cũng không lo “đứt bữa” vì luôn có đủ thực phẩm dự trữ. Ban Tuyên giáo Công đoàn GTVT VN cùng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hàng năm tổ chức vài đợt đưa đoàn văn công Nhà hát Quân đội vào tận công trường biểu diễn, rồi phát Báo GTVT, Bạn đường, báo Tết, quà Tết đến tận nơi phục vụ CNLĐ.
Cuộc sống ở Trường Sơn khó khăn gian khổ là vậy nhưng vẫn không làm giảm tinh thần lao động hăng say của người lao động. Tại các trọng điểm, anh em làm việc 2 ca, 3 ca. Cái nắng, cái gió của Trường Sơn khắc nghiệt lắm, nắng như đổ lửa 39-40 độ C, vậy mà anh em vẫn treo mình trên vách đá mà đục phá vách núi, khoan nổ mìn để cho con đường sớm hoàn thành. Từng ngày qua, con đường xuyên Việt thứ hai đã dần hiện ra trong niềm reo vui của người lao động và nhân dân có tuyến đường đi qua.
Theo Giao Thông

Bình luận(0)