Khi cảm thấy không hài lòng với công việc cũng như môi trường công ty hoặc có rắc rối xảy ra, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy việc xin nghỉ là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, trước khi nói 3 từ định mệnh “xin nghỉ việc” thì hãy chắc chắn rằng lí do của bạn không phải là 7 điều chia sẻ sau đây từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng
Careerlink.vn, một trong những địa chỉ uy tín trong lĩnh vực hỗ trợ nhân sự và tìm kiếm việc làm tại Việt Nam.
Cảm thấy chán nản
Sẽ có những bạn có cảm thấy nhàm chán với công việc của mình nhưng nếu mọi việc vẫn vận hành tốt thì đây là lí do nghỉ việc không có sức thuyết phục mạnh mẽ. Không dễ dàng để có một công việc phù hợp và được hưởng mức lương xứng đáng, vì vậy nếu chỉ cảm thấy nhàm chán với các nhiệm vụ quen thuộc thì bạn có thể thực hiện nhiều cách khác khiến công việc thú vị hơn.
Chẳng hạn, tham gia một khóa học kỹ năng sau giờ làm hoặc tham gia tình nguyện vào các dự án khác của công ty. Biết đâu các kỹ năng mới và sự nhiệt tình sẽ giúp mở rộng con đường thăng tiến của bạn trong tương lai.
Không “ưa”đồng nghiệp
Thông thường, nếu cảm thấy không hòa hợp được với một ai đó, bạn sẽ tìm mọi cách để tránh mặt hoặc gạt họ ra khỏi cuộc sống của bạn. Nếu chỉ vì một đồng nghiệp nào đó khiến bạn khó chịu mà từ bỏ công việc và môi trường làm việc như mơ, còn cả những đồng nghiệp tuyệt vời khác, thì chẳng phải bạn đang tự khiến mình gánh chịu nhiều thiệt thòi hay sao? Thay vì nghỉ việc, bạn có thể thay đổi vị trí bàn làm việc, hoặc xin thuyên chuyển sang một dự án khác để tránh sự tương tác quá nhiều với người đó.
Cãi nhau với... sếp
Nếu cảm thấy khó chịu với sếp, đặc biệt là về các vấn đề rất nhỏ và có thể được giải quyết một cách dễ dàng, thì chớ vội lao ngay vào tìm kiếm một công việc mới. Thay vào đó, khi có bất đồng xảy ra điều quan trọng là bạn cần phải cải thiện kỹ năng giải quyết mâu thuẫn với người quản lý nếu không muốn nhảy việc thường xuyên.
Hãy khéo léo giải quyết sự khác biệt của hai bên, thể hiện sự tôn trọng và luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, bạn sẽ tránh được các cuộc cãi vả và tạo được mối quan hệ tốt hơn với sếp trong công việc.
Bạn không hoàn toàn yêu công việc của mình
Bạn sẽ không thể yêu công việc của mình mọi lúc mọi nơi. Thế nên, hãy dành thời gian liệt kê xem bạn phải làm những việc không hứng thú nào và cố gắng giảm tỉ lệ này xuống càng thấp càng tốt. Hãy nói chuyện với người quản lý về việc phân chia lại công việc và dành nhiều thời gian hơn cho các nhiệm vụ mà bạn yêu thích.
Bạn không được đánh giá cao
Rất có thể đồng nghiệp khác xứng đáng được đề bạt hơn bạn nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên ngậm ngùi, chán nản và xin nghỉ việc. Hãy xem đó là động lực để bản thân phấn đấu nhiều hơn nữa, tìm cách để cải thiện công việc và làm việc chăm chỉ hơn trước đây. Cấp trên sẽ thấy được sự tiến bộ của bạn và thậm chí họ có thể đề bạt bạn trong những kỳ thăng chức tiếp theo.
Bạn không đủ kỹ năng cho công việc
Nếu chỉ vì thiếu một chứng chỉ hay kỹ năng cần có cho công việc mà “rút lui” thì bạn đang mắc một sai lầm nghiêm trọng. Bởi đây là lí do để bạn tìm tòi và học hỏi thêm, thậm chí có thể đề xuất công ty hỗ trợ tham gia các lớp học cần thiết, chứ không phải ra đi trong lặng lẽ mà kỹ năng vẫn không được cải thiện.
Đồng nghiệp thân thiết đã nghỉ việc
Có thể bạn đã rất “hợp rơ” với một đồng nghiệp đã xin nghỉ kể cả trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, việc họ rời khỏi công ty không có nghĩa bạn cũng nên làm như vậy. Hãy nhớ rằng những gì hợp với đồng nghiệp nhưng chưa chắc hợp với bạn và có thể bạn sẽ nuối tiếc khi chuyển sang một công ty mới. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật cẩn thận, nhất là khi bạn cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại. Sự mạo hiểm mang lại nhiều thú vị cho cuộc sống, nhưng cũng đừng quên đưa ra các quyết định thông minh nhé.
Có rất nhiều lí do để xin nghỉ việc nhưng những điều trên đây cho thấy rằng vấn đề không phải ở công việc mà là ở suy nghĩ của bạn. Vì vậy, hãy bình tĩnh tìm cách cải thiện kỹ năng, kiểm soát tốt cảm xúc, bạn sẽ tìm thấy niềm vui và gắn bó với công việc của mình hơn.