Người thu nhập trung bình chơi đâu dịp Tết Dương?

Google News

(Kiến Thức) - Hầu hết những chương trình vui chơi Tết Dương Lịch chủ yếu được tổ chức ở nơi tập trung nhiều khách nước ngoài như khách sạn, nhà hàng...

Đi đâu?

Dịp Tết Dương Lịch 2013 được nghỉ đến 4 ngày nên nhu cầu vui chơi của người dân khá cao sau một năm bộn bề với công việc. Tuy nhiên, một số người dân Hà Nội băn khoăn không biết nên đi đâu, bởi Hà Nội hiện quá ít điểm vui chơi tổ chức những chương trình giải trí thực sự mới lạ, hấp dẫn.

Đường phố trang hoàng đón Tết Dương Lịch 2013

“Nghỉ đến 4 ngày, gia đình tôi định dành toàn bộ thời gian để đi chơi. Kinh tế khó khăn nên không thể đi xa. Mà ở Hà Nội, điểm đi điểm lại cũng chỉ có vài điểm du lịch dành cho người thu nhập trung bình như công viên Thủ Lệ, hay công viên nước Hồ Tây... Ở Thủ Lệ thì đã quá quen thuộc với những trò giải trí theo kiểu… “bổn cũ soạn lại”, còn ở công viên nước Hồ Tây cũng chỉ có vài chương trình về ảo thuật hài, hề bơm bóng, nhảy hoạt hình, tâng bóng nghệ thuật…” anh Nguyễn Văn Thuận, công tác tại công ty xây dựng ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.

Trên thực tế, tết Dương Lịch, Hà Nội có rất nhiều điểm vui chơi ăn uống sẵn sàng đón khách. Nhưng điều đáng ngẫm là đa số các điểm này chủ yếu phục vụ khách Tây, hay người thuộc tầng lớp trung, thượng lưu. 

“Một số khách sạn lớn như: Daewoo, Hilton, Metropole, Melia... có nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ, tiệc buffet, trang trí lộng lẫy nhưng tầng lớp người dân có mức thu nhập trung bình như mình không dám vào đó để giải trí. Hay vui chơi tại các Trung tâm mua sắm cũng không có ý nghĩa gì khi mình không có nhu cầu mua sắm. Bởi thu nhập ít nên không thể vào nơi có mức phí quá cao”, chị Nguyễn Thị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

“Ngày lễ Tết ở Hà Nội có nhiều rạp chiếu phim mở cửa, tuy nhiên thời đại truyền hình số ở nhà xem cũng được, cần gì phải ra ngoài trong tiết trời lạnh lẽo chỉ để xem phim. Ngay cảnh giải trí của lâu đài ước mơ, tháp pha lê, con đường tình yêu... trong Show & Light Festival tại khuôn viên của tòa nhà Kangnam (Phạm Hùng, Cầu Giấy), có cả bắn tuyết, nhưng bắn tuyết thì chỉ có thời lượng ít, trong khi đó vé cũng khá cao”, chị Nga cho biết thêm.

Thiếu chương trình vui chơi ngoài trời

Năm 2012, một năm với sự biến động của kinh tế trong nước. Sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp khiến nhiều công nhân, viên chức không có thưởng Tết, thu nhập thấp. Vì thế, nhiều người dân mong muốn có các chương trình tổ chức ngoài trời để bớt chi phí khi đi chơi tết Dương Lịch. Điều khiến nhiều người dân Hà Nội buồn khi nghĩ đến vui chơi đêm giao thừa Dương Lịch là thiếu các chương trình vui chơi hoạt động ngoài trời.

 Lễ hội Đếm ngược của Heneiken hứa hẹn hút khách tại Tết Dương Lịch 2013

“Cứ nghĩ tết Dương Lịch năm nay sẽ được đưa người thân đi ngắm pháo hoa ngoài trời, ước nguyện nhiều điều trong năm mới. Tuy nhiên, năm nay Hà Nội lại không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp tết Dương Lịch. Như vậy, trong đêm giao thừa, chỉ đưa gia đình đi ngắm bờ Hồ, rồi vào quán ăn uống. Đi chơi Tết như thế thì rất chán”, anh Trần Đại Huy (Hàng Bài, Hà Nội) cho biết.

“Nhìn đi nhìn lại, nếu đi chơi đêm giao thừa cũng chỉ có đến Quảng trường Nhà hát lớn để xem chương trình đếm ngược của Heineken kỷ niệm 140 năm. Được hòa vào dòng người và gặp nhiều gương mặt nổi tiếng trong làng giải trí Việt Nam tham gia vào điệu nhảy có nhiều người tham gia nhất từ trước đến nay tại Việt Nam cũng là điều thú vị. Hơn nữa, được dự nghi thức đếm ngược đến thời khắc giao thời năm cũ và năm mới, diễn ra đồng loạt ở cả 2 thành phố là TP .HCM và Hà Nội  cũng là điều phấn khởi”, anh Huy tỏ chút phấn khởi.

“Tại sao ở Hà Nội, ngay trong Tết Dương Lịch chúng ta không tổ chức những chương trình hoạt động văn hóa, hay quảng bá về đất nước con người Việt để người dân có nơi để hòa mình vui chơi với nhiều hoạt động mang nhiều ý nghĩa, tạo tình đoàn kết hơn nữa”, anh Huy đưa ra ý kiến.

Người Việt chuộng Tết âm hơn Tết dương

Trong dịp tết Dương Lịch, các điểm vui chơi ở Hà Nội ít và các chương trình giải trí vui chơi cũng không nhiều, theo lý giải của GS Ngô Đức Thịnh, là do người Việt Nam vẫn chuộng Tết Nguyên Đán, Tết Tây chủ yếu là của người nước ngoài.

GS Ngô Đức Thịnh cho biết: "Theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán vẫn là Tết truyền thống được mọi người mong đợi. Ở Tết Nguyên Đán, các lễ hội vui chơi giải trí cũng nhiều hơn, các chương trình giải trí phục vụ nhân dân cũng khá phong phú, đa dạng tại các điểm vui chơi du lịch giải trí. Bởi người Việt ta luôn quan niệm "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết", nên việc ăn chơi cũng tập trung nhiều vào này ngày".

 GS Ngô Đức Thịnh

"Tết Dương Lịch ít chương trình giải trí vui chơi hơn. Bởi dù lịch dương là lịch làm việc của các cơ quan, doanh nghiệp nhưng Tết Dương Lịch mới được coi trọng vài năm gần đây ở nước ta. Nên đa số những chương trình vui chơi giải trí tổ chức ở ta trong dịp tết Dương Lịch chủ yếu dành cho người nước ngoài. Một số chương trình lễ hội như "Đếm ngược của Heineken" cũng chỉ là những chương trình quảng bá thương hiệu Heineken ở tất cả các nước liên quan đến sản phẩm của họ. Còn những chương trình Tết Dương Lịch ở Việt Nam cũng chỉ tổ chức theo hình thức cho có vì chúng ta tổ chức nhiều hơn vào Tết Nguyên Đán", GS Ngô Đức Thịnh lý giải.

"Các đơn vị tổ chức chương trình vui chơi giải trí, văn hóa chắc chắn sẽ tập trung vào Tết Nguyên Đán nhiều hơn. Bởi khi đó, lượng khách Việt đi chơi Tết sẽ rất lớn, nên mới phát huy hiệu quả nhiều hơn", GS Ngô Đức Thịnh nhận định.

 
Lễ hội Heineken 140 năm Chào đón năm mới 2013 sẽ diễn ra liên tục trong 2 ngày 30 & 31/12 tại Đại lộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) và ngày 31/12 tại Quảng trường Nhà hát lớn (Hà Nội) với chương trình biểu diễn âm nhạc sôi động của các DJ quốc tế  như DJ Richard durand , Angie Vu Ha và nhiều ca sĩ nổi tiếng trên nền nhạc nước hoành tráng và ánh sáng laser, kết hợp cùng các tiết mục độc đáo của nhiều nghệ sĩ xiếc tài năng. Lễ hội đếm ngược sẽ được bắt đầu từ 15 phút trước khi đến giao thừa tết Dương Lịch 2013.




Hải Ninh

Bình luận(0)