Thạc sĩ đầu tiên trên Si Ma Cai là “Trọc phú chữ”

Google News

(Kiến Thức) - Giàng Seo Châu là người dân đầu tiên của huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đỗ đại học và có trình độ Thạc sĩ... Vì thế mà nhiều người gọi anh là "trọc phú chữ".

Hiện, lão "trọc phú" đó đang là Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai. Câu chuyện của tôi với Châu bắt đầu toàn những thứ đầu tiên, nào là lần đầu nhìn thấy tàu hỏa, lần đầu thấy Hà Nội, lần đầu vật lộn mưu sinh vừa học vừa làm nơi đất khách quê người... rồi tất cả những thứ đầu tiên ngây ngô đáng yêu ấy lại trở thành động lực mãnh liệt giúp Châu vượt qua khó khăn đến với hoài bão, ước mơ đem lại cuộc sống no ấm, giầu sang cho bà con dân tộc H'Mông nơi cao nguyên trắng.

"Lần đầu thấy tàu hỏa"

Nhiều người trong huyện nói về Châu bằng sự khâm phục ý chí, quyết tâm của chàng thanh niên người H'Mông trong cuộc chiến với con chữ, với đói nghèo. Một cán bộ Phòng Văn hóa huyện cho biết: "Ngoài Châu ra trong huyện có 2 lãnh đạo có trình độ thạc sĩ, nhưng các anh ấy đều là người dưới xuôi lên đây công tác hoặc là người ở nơi khác chứ không phải sinh ra lớn lên ở Si Ma Cai. Chính vì thế mà khi Giàng Seo Châu đỗ đại học, không chỉ gia đình, thầy cô mừng rơi nước mắt mà phía huyện cũng rất vui mừng".

Gặp chúng tôi, Châu tủm tỉm cười khi kể về một thời ngây ngô nhưng đầy tự hào: "Mình học ở trường THPT số 2 Si Ma Cai. Ở trường mình phải học buổi sáng, còn buổi chiều thì một mình leo lên ngọn núi cao nhất huyện Si Ma Cai để chặt củi về nấu cơm, buổi tối thì học bài. Lúc đi thi đại học, các thầy cô giáo bảo đi cho biết Hà Nội chứ mình ở vùng cao thế này làm sao mà so sánh được với học sinh dưới xuôi. 

Nghe các thầy cô giáo nói vậy mình cũng thấy hoang mang, nhưng điều đó càng khiến mình quyết tâm học tập để đạt được ước mơ vào đại học. Mình biết là ở Si Ma Cai điều kiện học tập không bằng các bạn ở dưới xuôi vì thế mình phải đẩy mạnh thời gian học có khi cả ngày, cả đêm... Năm 2007 mình bắt đầu thi đại học, đó là lần đầu tiên mình đi ra khỏi huyện, lần đầu tiên nhìn thấy cái tàu hỏa dài đến mấy trăm mét, lần đầu thấy thành phố hoa lệ... và mình đã thầm mơ ước là đỗ đại học và khẳng định bản lĩnh từ nơi phồn hoa, khắc nghiệt ấy".

Giàng Seo Châu thường đến từng hộ dân để vận động bà con thay đổi
tập quán canh tác và những phong tục lạc hậu. 

Tự thưởng một cái đùi gà

Đó là cảm giác hạnh phúc mà Châu từng trải qua khi nhận hai giấy báo đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Nông nghiệp - Khoa Kinh tế & Phát triển Nông thôn và trường Đại học Sư phạm II. Anh đã cảm nhận được sự chiến thắng khi hoàn thành tốt các môn thi.

Giàng Seo Châu kể lại: "Lúc mới đi thi, thầy cô giáo còn dọa là dưới xuôi có nhiều người xấu, làm bài thi xong phải giữ lấy giấy thi kẻo không bọn xấu giật mất bài thi xé đi thì uổng công. Nghe thầy cô giáo căn dặn mình cũng bán tín bán nghi. Lúc thi mình run lắm vì sợ không làm được bài, nhưng khi bắt đầu phát đề thi mình thấy xung quanh rất nhiều người không làm được bài mà mình thì làm được hết. Kết thúc giờ thi các bạn khác còn tụ tập đến hỏi cách giải... Điều này khiến mình rất hạnh phúc và cảm nhận được chiến thắng đã nằm trong tầm tay. 

Thi xong mình về phòng trọ, các bạn xung quanh được người nhà đưa đi thi, được mua cơm cơm ngon đem về nhà cho ăn, nhưng mà họ không làm được bài, còn mình, sau khi làm tốt các bài thi, mình đã tự thưởng cho mình bằng cách mua một cái đùi gà nướng rõ to về liên hoan".

Tháng 9/2007, Châu nhận được giấy báo đỗ đại học của hai trường đại học mà Châu đã thi, niềm vui như vỡ òa, các thầy cô giáo, lãnh đạo UBND huyện Si Ma Cai đến chúc mừng Châu. Riêng huyện Si Ma Cai còn trích quỹ khuyến học ra 6 triệu đồng để ủng hộ Châu đi học đại học.

Niềm vui đỗ đại học vừa mới tới thì Châu lại phải cân nhắc xem nên đi học hay ở nhà giúp bố mẹ, lên nương phát rẫy, lấy vợ sinh con rồi quẩn quanh bên xóm núi như bao kiếp người H'Mông nơi Châu sinh ra. Bởi nếu đi học Châu phải tự lo toàn bộ chi phí ăn học. 

Bố Châu còn cấm anh đi học, bảo: "Tao chỉ thấy người ta dắt trâu, lai thóc xuống chợ bán mới có tiền chứ chưa thấy ai bảo đi học đẻ ra tiền mà còn mất thêm tiền". Thế nhưng, mẹ Châu cùng với anh chị em trong nhà lại ủng hộ Châu đi học. Sau nhiều đêm thức trắng, Châu cùng với anh chị em trong gia đình đã vận động được bố đồng ý cho Châu xuống Hà Nội đi học và Châu phải lo toàn bộ chi phí ăn học của mình bởi ở nhà không có tiền, việc làm nương, rẫy chỉ đủ ăn thì nói gì tới việc học hành. Vậy là Châu lặn lội xuống Hà Nội đi học và tiếp tục vật lộn với con chữ.

Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu đang hướng dẫn
bà con dân bản trồng cây thuốc lá. 

"Mẹ thằng dân tộc"

Nói về quãng thời gian vất vả vật lộn với cuộc sống ở thị thành, Châu tự hào vì ông trời đã ban cho anh có sức khoẻ gấp đôi người thường. Khi mới xuống Hà Nội, Châu tìm ngay một công việc làm thêm, đó là rửa bát thuê cho một quán ăn nằm cạnh trường Đại học Nông nghiệp với lương tháng 400.000đ. Số tiền này đủ để trang trải tiền ăn hằng tháng, riêng tiền học phí và tiền ở ký túc xá Châu không phải đóng vì được ưu tiên là đối tượng dân tộc vùng cao.

Châu đi rửa bát được gần một năm, sau đó anh chuyển sang nghề bốc vác thuê cho một công ty tư nhân ở Hà Nội. Lịch làm việc của Châu luôn bận rộn suốt ngày đêm, buổi sáng anh lên giảng đường đi học, chiều đi bốc vác, tối về học bài. Riêng thứ 7 và chủ nhật Châu đi bốc vác từ sáng sớm cho đến tận 12 giờ đêm mới được nghỉ.

Anh kể lại: "Một lần ông chủ đưa cho mình cái xe bảo chở hàng từ Gia Lâm vào trung tâm thành phố, lúc đi đến đường Quốc lộ 5 thì bị tai nạn, chiếc xe máy bị vỡ yếm, mình về báo với ông chủ và xin trừ lương để trả tiền sửa xe, thế nhưng ông chủ vẫn không hả giận, ông gầm lên chửi "mẹ thằng dân tộc". Lúc đó mình uất ức lắm, nhưng mà những người kém hiểu biết, thiển cận thường miệt thị và nói ra câu đó nên mình không chấp, mình thầm nghĩ sau khi ra trường mình phải làm được một việc gì đó có ích cho bản thân và xã hội để không phải khổ như thế nữa".

"Mình cùng một nhóm của trường Đại học Nông nghiệp đã nghiên cứu luận văn Thạc sĩ với đề tài "Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng các Dân tộc thiểu số trong các hoạt động giảm nghèo, trường hợp nghiên cứu tại một số huyện miền núi phía Bắc". Đây là đề tài trọng điểm cấp bộ, việc này sẽ mở ra hướng thoát nghèo hiệu quả cho bà con các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, trong đó có quê hương Si Ma Cai của mình", Giàng Seo Châu cho biết.

Quách Dương

Bình luận(0)