Quá nhiều lỗi sai nghiêm trọng trong sách học sinh

Google News

(Kiến Thức) - Liên tiếp phát hiện các ấn phẩm sách, báo dành cho học sinh mắc lỗi nghiêm trọng từ sai chính tả đến sai kiến thức. Trách nhiệm của người làm sách ở đâu?


Từ sai chính tả đến sai kiến thức

Những "hạt sạn" trong sách tham khảo, sách giáo khoa cho học sinh không phải là phát hiện mới nhưng những lỗi sai nghiêm trọng được phát hiện mấy ngày gần đây khiến nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng sách hiện nay. Với các nhà giáo dục, đây là câu chuyện buồn, là bài học xương máu mà các nhà làm sách cần phải rút kinh nghiệm.

Ngày 5/3, một số trang báo đăng tải thông tin phản ánh của độc giả về cuốn sách cho trẻ mầm non in lá cờ Trung Quốc. Đó là cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1" của Nhà xuất bản (NXB) Dân Trí.

Trang 16 của cuốn sách này là trang dành cho bé tập kể chuyện với câu hỏi: "Trong tranh đã xảy ra chuyện gì nhỉ? Bé quan sát kỹ tranh, sau đó căn cứ vào nội dung trong tranh kể cho mọi người nghe một câu chuyện nhé". Phía dưới là bức tranh vẽ một em bé và một người phụ nữ đang đứng trước ngôi trường học. Ðiều khiến dư luận bất bình là trên cổng trường lại cắm cờ Trung Quốc. 
 

 3 cuốn sách dành cho trẻ mầm non in cờ Trung Quốc

Ngày 7/3, thêm hai ấn phẩm dành cho trẻ học mầm non in gặp lỗi tương tự. Đó là cuốn tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” của NXB Mỹ Thuật và cuốn “Bé làm quen với chữ cái" (NXB Sư Phạm).

Cụ thể, tại trang 8, tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” với bài học dành cho trẻ mang tựa đề “Yêu Tổ quốc” có nội dung: “Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng. Bé hãy tô màu đúng cho lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta nhé”. Ở phía dưới là hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam chưa tô màu, trong khi đó, hình bên cạnh về phía tay phải là hình ảnh một em nhỏ đang cầm... lá cờ Trung Quốc.

Cuốn "Bé làm quen với chữ cái" (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại Học Sư Phạm, được nộp lưu chiểu tháng 1/2012. Ở bài 14 (học chữ C) có in những con vật, đồ vật có chữ cái là “C”, trong đó có lá cờ của… Trung Quốc.

Ngày 10/3, Kiến Thức nhận được từ một độc giả cuốn “Cầu vồng”, số Tết Quý Tỵ (Kỳ 9, tháng 2/2013) dành cho trẻ mẫu giáo của nhà xuất bản Dân Trí có in hình 12 con giáp của Trung Quốc. Nội dung này nằm ở trang 24 của cuốn sách. Đây là một trang hướng dẫn trẻ tô các con giáp theo các màu định sẵn để gửi đi dự thi với địa chỉ là Trung tâm giáo dục và đào tạo Apollo Việt Nam, 67 Lê Văn Hưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy không phải là trang sách nhưng phụ huynh học sinh cho rằng, trang tạp chí này cũng mang tính cung cấp kiến thức nên không được phép xảy ra sai sót.

Ngày 11/3, phản ánh của một phụ huynh có con học lớp 3 tại một trường tiểu học quận Tân Bình (TP HCM) về lỗi sai nghiêm trọng kiến thức lịch sử trong cuốn Vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2 được đăng tải trên một số báo. Đó là cuốn vở in chữ sẵn cho học sinh nhìn để luyện chính tả theo của NXB Hà Nội.

 Bìa tập vở có nội dung lịch sử sai.

Trang 5 của cuốn vở có đoạn viết: “Quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông sang đánh nước ta. Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên che lấp các cọc nhọn. Lý Thường Kiệt cho thuyền nhẹ bơi ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui nhử cho giặc vào nơi quân ta mai phục. Vừa lúc ấy, thủy triều xuống, quân mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh rất mạnh. Giặc hốt hoảng quay thuyền chạy thì bị va vào cọc, thuyền bị thủng đâm hàng loạt. Cuộc xâm lược của địch hoàn toàn thất bại. Mùa xuân năm 939, Lý Thường Kiệt lên ngôi vua….”.

Sau khi dư luận phản ứng, lãnh đạo NXB Hà Nội đã thừa nhận “Đây là một lỗi hết sức ngớ ngẩn”, bởi vì ai cũng biết năm 938 Ngô Quyền đánh quân Nam Hán chứ không phải là Lý Thường Kiệt. Lý do đưa ra để bao biện cho việc sai sót là bởi “đây cuốn vở luyện từ và câu, nên khi biên tập các biên tập viên chú trọng nhiều vào các lỗi về từ và ngữ pháp. Vì vậy, nội dung cuốn sách đã không được biên tập chính xác và dẫn đến có lỗi”.

 Tên cuốn truyện in sai ngay ở trang bìa. Ảnh: Webtretho

Ngày 11/3, một thành viên trên trang webtretho đăng tải tấm ảnh chụp bìa một cuốn truyện cổ tích bị sai chính tả “Cuộc phưu lưu kỳ thú”. Đáng lẽ ra tên cuốn truyện phải là “Cuộc phiêu lưu kỳ thú” nhưng có lẽ người đánh máy chữ đã đánh thiếu ký tự “i”??? “Sách truyện cho trẻ em sai chính tả ngay từ cái tựa đề”, người đăng tải tấm ảnh bìa truyện sai chính tả chú thích. 

Cứ thu hồi là xong?

Giải pháp của các nhà xuất bản thường đưa ra để khắc phục hậu quả là thu hồi sau đó chỉnh sửa hoặc tiêu hủy những cuốn sách in sai và “bồi thường” khách hàng trót mua bằng cách hoàn tiền. Tuy nhiên, theo các nhà giáo dục, nghiên cứu giáo dục, thu hồi sách là cần thiết nhưng quan trọng hơn, qua vụ việc này, các nhà làm sách cần phải ý thức lại trách nhiệm xã hội của mình. 

Theo GS Phạm Minh Hạc-nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, những sai sót trong các cuốn sách trên là sai sót về nguyên tắc và không thể có. Do đó, càng phải đòi hỏi việc xử lý nghiêm, răn đe cho những người kế tục.

“Thu hồi toàn bộ số sách để chỉnh sửa chưa phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề. Những người có liên quan không thể trả lời chống chế là "sơ ý", "in thử", "chẳng có gì"... Phải nói rõ, xảy ra sự việc này là trách nhiệm các bên gồm: tác giả và biên tập, nhà xuất bản và đối tác liên kết, Cục Xuất bản. Lúc này đây, ngành giáo dục đang đi vào thời đại mới, còn nhiều ngổn ngang cần giải quyết, mà nay lại xảy ra chuyện buồn như thế này…”, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ trên Dân Trí.

Ông Lê Như Tiến, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng cho rằng cần phải thu hồi tất cả các cuốn sách có in cờ Trung Quốc và coi đây là bài học đau xót, xương máu về công tác biên soạn sách. 

Thuần Lương

Bình luận(0)