Chợ Viềng phiêu lưu ký

Google News

(Kiến Thức) -  Con đường dẫn vào chợ, dòng người nườm nượp như nêm cối. Các mặt hàng từ thịt bê, cây cảnh tới đồ cổ... đều được bày bán.

Thực chất có mấy chợ Viềng?

Đến tận bây giờ, nhiều người không còn nhớ chợ Viềng có từ khi nào. Theo sổ sách ghi lại và trí nhớ của các cụ cao niên, chợ Viềng đã tồn tại hàng trăm năm nay. Năm nào cũng vậy, chợ Viềng chủ yếu được tổ chức tại 4 điểm chính, Viềng chùa ở xã Nam Giang, Viềng Phủ ở xã Trung Thành, Viềng ở khu Đền Trần và Viềng ở xã Kim Thái, trong đó Viềng Phủ là đông đúc hơn cả.

Trải qua thời gian với nhiều sự thay đổi, chợ Viềng luôn giữ được những nét độc đáo mà không phải phiên chợ nào cũng có được - đó là chợ mỗi năm chỉ họp một lần và họp cả vào ban đêm. Người ta đi chợ không tính lãi lời mà đến chợ mua bán để cầu may. Vì vậy, khi bánh chưng đã bớt xanh, khi cánh hoa đào đã rực nở, du khách trong và ngoài nước lại tấp nập đến phiên chợ độc đáo này. Và chợ Viềng đã trở thành niềm tự hào của người Thành Nam.

 Thịt bê đặc sản chợ Viềng.

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 21, PV đến Viềng Chùa (xã Nam Giang) khi màn đêm đã buông xuống. Theo quan niệm của người Việt Nam, chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3, vậy mà mùng 7 này, dưới cái lạnh đầu xuân, hàng nghìn du khách không quản giá rét đến chợ để cầu may. Con đường dẫn vào chợ, dòng người nườm nượp như nêm cối. Không chỉ vậy, trên các ngả đường từ Thành phố Phủ Lý, từ tỉnh Thái Bình, hàng ngàn du khách vẫn hối hả đổ về chợ Viềng. Dọc hai ven đường dẫn vào chợ, đâu đâu cũng là cây cảnh, thịt bò và đồ cổ. 

 Năm 2012, chợ Viềng thu hút đến 30.000 lượt khách.

Để chuẩn bị cho chợ Viềng, ông Nguyễn Văn Sao (ở Nam Xá, Nam Định) đã mất gần một năm để trồng uốn cây cảnh. Vừa bán cây cảnh cho khách, ông vừa kể cho chúng tôi nghe lịch sử của chợ Viềng ở Nam Giang.

Theo trí nhớ của ông, Chợ Viềng Nam Giang gắn liền với tên tuổi của Triệu Việt Vương  người lập nên triều đại Vạn Xuân (548-572). Ngôi đền được dựng lên vào năm 572, tại làng Giáp Ba, Nam Giang, nơi Triệu Việt Vương  từng dừng lại để chiêu mộ quân lương. Người dân thành Nam tưởng nhớ ông qua hai câu: Bách Việt hà san, trường tồn vạn cổ. Chợ Viềng ở Nam Giang còn gắn với di tích chùa Đại Bi, chùa thờ đại pháp thiền sư Từ Đạo Hạnh, một danh tăng thời nhà Lý và một ngôi đền khác thờ hai vị công thần trung quân ái quốc thời Hậu Lê (1791), hai ông là người của làng Giáp Ba ngày xưa.

Ông Bắc cũng cho biết, trước đây người Nam Định không gọi là chợ Viềng mà gọi là chợ Chiềng - tên gọi đó gắn với một truyền thuyết mà đến giờ ông không còn nhớ nổi, mà chỉ biết, trải qua thời gian, người dân không gọi là chợ Chiềng nữa mà gọi lái thành chợ Viềng. 

Bán không nói thách, mua không mặc cả

Theo quan niệm của người dân, Chợ Viềng không phải là phiên chợ tỉnh lỗ lời. Người ta đến chợ Viềng bán mua mà không bao giờ mặc cả hơn thua. Họ coi đó là sự may mắn. Vì thế, khách đến chợ Viềng đa số là thương buôn, doanh nghiệp. Họ chủ yếu từ Hà Nội, Hải phòng, Hải Dương nhưng cũng có cả du khách ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng lặn lội đến chợ Viềng để mua may.

Ở Viềng Chùa, mặt hàng đồ cổ được nhiều đại gia tìm đến, nên rất dễ bắt gặp những chiếc đèn Hoa Kỳ từ những năm 20, những chiếc lư, đỉnh đồng, điếu bát, ấm chén thời nhà hậu Lê, nhà Nguyễn, những đồng hồ báo thức, vung nồi, lưỡi cày, đồng hồi giữa thế kỷ 20...

 Đến chợ Viềng mua không mặc cả, bán không nói thách

Nếu Viềng Chùa là nơi mua bán thì ở Viềng Phủ (Phủ Dầy) người ta lại tấp nập hương khói cầu may. Vào ngày chính hội nên những con đường dẫn nên Phủ Dầy tắc nghẽn. Theo truyền thuyết được truyền lại trong dân gian, đến giờ Tý (12 giờ đêm), Chúa Liễu Hạnh sẽ hiển linh. Vì vậy, vào 12 giờ đêm, hàng nghìn du khách với khói hương nghi ngút cố gắng thắp nén nhang thơm để cầu điều tốt lành trong năm mới.

Bà Nguyễn Hạnh Hoa, du khách đến từ Hải Phòng, đã có mặt ở Viềng Phủ từ rất sớm cho biết, năm nào cũng vậy, tôi đều đến Viềng Phủ vào giờ Tý để cầu cho gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh. Năm nay, tôi đến rất sớm nhưng phải rất khó khăn mới vào thắp nhang được bởi lượng người đổ về quá đông. 


 Cốt ở tấm lòng người thành kính mong muốn mua may, bán đắt cả năm

Trong khi đó, ở Viềng Phủ, thịt bò là món ẩm thực được bày bán nhiều hơn. Theo dân gian, thịt bê, bò là món ăn may mắn đầu xuân. Trước đây, thịt bò ít được bày bán ở chợ Viềng bò trâu là sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, bây giờ cơ giới hoá thịt bò được bày bán nhiều hơn.

Ngoài ra , vào những ngày này, Viềng ở xã Kim Thái và Viềng ở khu Đền Trần cũng thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan. Nnơi đây cũng bày bán đủ các sản vật, đồ cổ...

Đồ cổ...thật giả lẫn lộn

Chợ Viềng nay khác chợ Viềng xưa rất nhiều, một phần cũng do quá trình thương mại hoá. Ngày trước, chợ Viềng thường bày bán chủ yếu là nông cụ và đồ cổ có chất lượng cao nhưng giờ đây, tất tật hàng hoá như đồ cổ, đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc đều sẵn có.

Tại các gian đồ cổ, hàng nhiều nhưng bát nháo, thật giả lẫn lộn. Nhiều chiếc đĩa cổ có giá 3 triệu đồng. Nhưng phải tinh ý mới chọn được những sản phẩm đúng giá trị. Không khó để nhận biết đồ cổ nhái. Nhiều chiếc bát sứt mẻ, chiếc ấm mất vòi được xem là đồ cổ nhưng là đồ cổ giả, có giá hàng triệu đồng. 

“Mặc dù có nhiều gian hàng bày bán đồ cổ, nhưng để mua được đồ có giá trị thì rất khó; phải tinh ý và am hiểu mới mua được, còn không thì rất dễ mua phải đồ giả cổ với giá… cắt cổ”, anh Nguyễn Hữu Thành ( Hàng Bài, Hà Nội) nhận định.


Đồ cổ khó nhận biết, thật giả lẫn lộn.

Không chỉ vậy, theo quan sát của PV tại một số khu vực như trung tâm chợ, các đền phủ, hiện tượng đánh bạc, người hành khất chèo kéo khách vẫn diễn ra. Đặc biệt, hiện tượng tranh giành khách giữ xe liên tục xảy ra gây không ít phiền hà cho du khách. Thêm nữa, “đệ tử của cái bang” vẫn xuất hiện dù ít hơn mọi năm. 

 Vẫn còn cảnh hành khất

 

Cờ bạc vẫn lộng hành.



Ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban Chỉ đạo hội chợ Viềng năm 2013 cho biết, năm 2012 có 30.000 người về dự chợ Viềng. Năm nay, dự kiến số khách đến chợ Viềng sẽ đông hơn khoảng 40.000 người. Ban tổ chức đã phải huy động đến 500 người để bảo vệ an ninh trật tự, tránh xảy ra tình trạng trộm cắp móc túi…

Hải Ninh

Bình luận(0)