Đào tạo liên thông không cấm mà như cấm?

Google News

(Kiến Thức) - Bộ GD - ĐT giải thích quy định mới không có nghĩa đóng cửa liên thông nhưng sẽ khép hẹp lại nhưng nhiều sinh viên cho rằng, "khép như vậy không khác gì đóng hẳn". 

“Cánh cửa liên thông không đóng nhưng hẹp hơn”

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD – ĐT khẳng định, thông tư mới về đào tạo liên thông là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người học, đảm bảo chất lượng đào tạo, uy tín cho nhà trường. Bộ không đóng cửa liên thông nhưng cánh cửa liên thông sẽ hẹp hơn, nó chỉ dành cho những ai có nghị lực, năng lực thực sự.
“Liên thông là hình thức đào tạo bảo lưu kết quả của giai đoạn trước để học ở giai đoạn sau, rút ngắn thời gian học tập, giảm được kinh phí đào tạo. Thế nhưng, sau một thời gian thực hiện, Bộ GD – ĐT đi khảo sát các đơn vị và nhận thấy hình thức này đã bị biến tướng nên phải có những thay đổi để ngăn chặn và tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ”, ông Tuấn lý giải lý do Bộ siết chặt quy định đào tạo liên thông. 

 Quy định mới về đào tạo liên thông khiến nhiều sinh viên chán nản. Ảnh: Internet

Theo ông Tuấn, các trường xây dựng chương trình đào tạo riêng cho liên thông như từ xa, liên kết, vừa học vừa làm, rút ngắn thời gian đào tạo để cấp bằng chính quy là sai bản chất của văn bản đầu tiên quy định về liên thông. Thậm chí, có trường không đủ điều kiện để thực hiện, chưa được Bộ cho phép nhưng vẫn đào tạo chui.

Ông Tuấn cũng cho rằng, từ trước đến nay, cả người học và một số cơ sở đào tạo đã hiểu sai bản chất của liên thông khi cho rằng liên thông chỉ là giai đoạn 1 của đại học. Thế nhưng, thực tế, tấm bằng liên thông thời gian qua đã bị xã hội đánh giá thấp, nhiều doanh nghiệp đơn vị từ chối. Việc chấn chỉnh, siết chặt mô hình đào tạo này là để tấm bằng liên thông thực sự có giá trị, được xã hội tôn trọng.

Hơn nữa, theo ông Tuấn, thông tư mới là trả lại đúng sứ mệnh của mỗi trường học, mỗi hệ đào tạo, tránh tình trạng người học coi việc học trung cấp, cao đẳng chỉ là cái cớ để vào ĐH khi không trúng tuyển hệ chính quy.

Trung cấp, cao đẳng ra trường cần phải đi làm việc chứ không phải để đi học tiếp đại học. Những hệ đào tạo này cũng có mục tiêu, chuẩn đầu ra riêng để cung cấp nhân lực lao động cho thị trường. Nếu học sinh cứ đi học nghề để vào CĐ, ĐH thì sự tồn tại của các trường trung cấp nghề là vô nghĩa với xã hội”, ông Tuấn nói. 

Về việc thông tư mới quy định, sau 36 tháng tốt nghiệp các hệ học trung cấp, cao đẳng mới được thi liên thông. Điều kiện này là để mở cơ hội học tập cho mọi người như nhau, không phân biệt bằng cấp và tránh xảy ra tình trạng gian lận.

“Đóng hờ, không khác gì cấm”

Mặc Bộ GD - ĐT đã lý giải rõ ràng về thông tư mới nhưng nhiều sinh viên có dự định học liên thông vẫn cho rằng những quy định này dù không nói là cấm nhưng không khác gì cấm.

Nguyễn Thị Trang, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Hà Nội năm 2012 và có dự định học liên thông năm học tới cho rằng, mặc dù Bộ GD – ĐT không nói đóng cửa đào tạo liên thông nhưng việc đưa ra quy định: sau 36 tháng đi làm mới được dự thi và thi các môn đầu vào giống kỳ tuyển sinh ĐH chính quy thì không khác gì cấm thi cả. 

“Trong số những sinh viên học trung cấp, cao đẳng cũng có những người xác định ra trường là đi làm nhưng cũng có người muốn đi học tiếp luôn. Như quy định mới của Bộ chẳng ai làm được vì sau 3 năm đi làm sẽ rất ít người có điều kiện quay lại học, nhất là những người đã lập gia đình, công việc bận bịu hoặc đã ổn định. Còn nếu có bằng CĐ rồi lại thi đầu vào liên thông các môn văn hóa giống như thi chính quy thì mất ba năm học để làm gì. Khi học cao đẳng, chúng em phải tập trung vào các môn chuyên ngành, làm gì có thời gian ôn tập các môn văn hóa, vậy thì có thi cũng làm sao đỗ được”, Trang chia sẻ. 

Chung ý kiến, Nguyễn Văn Tùng, sinh viên hệ cao đẳng ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng cho rằng, những quy định mới giống như chặn đường người học chỉ khi vừa có ý định

Việc Bộ siết chặt đầu vào là đúng nhưng không nên làm kiểu chặn đường như vậy mà chỉ nên chắn rào để ai đủ sức bước qua thì vào. Có thể, Bộ hạn chế chỉ tiêu các trường, đề thi tuyển khó lên và kiểm soát chặt chẽ khâu cấp bằng ở các hệ học. 

“Nhiều người học phổ thông giỏi nhưng sau này học các môn chuyên ngành chưa chắc đã giỏi và ngược lại. Vì vậy, có nhiều bạn học cùng em cao đẳng rất “đỉnh” dù hồi thi đầu vào là đỗ vớt (cộng cả điểm ưu tiên mới đỗ - PV). Như vậy, những bạn này mà thi liên thông như quy định cũ thì không khó khăn gì nhưng với quy định hiện nay thì chắc chắn trượt. Nếu áp dụng quy định mới, chắc chắn chả mấy người học được liên thông”, Tùng nói.

Một số giảng viên, lãnh đạo các trường ĐH cũng cho rằng, tuyển liên thông trong thời gian vừa qua quá ào ạt, dễ dãi, việc siết chặt là cần thiết. Tuy nhiên, những quy định mới cho thấy Bộ đang có ý khép lại dần cánh cửa liên thông.

“Một vài năm đầu, có thể sẽ có thí sinh thi nhưng sẽ ít dần và mất hẳn khi các em thấy chẳng có mấy người qua nổi cửa ải đó, sẽ nản và bỏ”, một giảng viên phán đoán.

Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH sẽ có hiệu lực. Quy định mới của Bộ GD-ĐT yêu cầu người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm.

Với đối tượng dự thi liên thông CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.

Khánh Tường

Bình luận(0)