Mổ xẻ nguyên nhân khan hiếm giáo viên chuẩn

Google News

(Kiến Thức) - Có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng giáo viên hiện còn thấp, trong đó có lý do đầu vào không cao, chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, động cơ học tập lệch lạc…

Đó là ý kiến của lãnh đạo nhiều trường tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ GD - ĐT tổ chức ngày hôm qua.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, chiến lược phát triển giáo dục và kế hoạch đã rõ ràng, vấn đề là hành động. Muốn vậy, phải quan tâm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thu hút sinh viên giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo.

Về những tồn tại hiện nay, ông Minh cho rằng, việc đào tạo giáo viên chưa gắn với thực tiễn, địa phương còn nặng về lý thuyết. Nhiều trường phổ thông chưa tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, nhất là những trường tốt rất khó gửi sinh viên đến thực tập.

 Nhiều trường lo ngại chất lượng giáo viên thấp vì đầu vào của các trường
 sư phạm không phải là những thí sinh điểm cao. Ảnh minh họa

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng thì cho rằng, một trong những lạc hậu nhất của giáo dục Việt Nam là cách dạy và cách học. Bên cạnh đó, động lực học, mục tiêu học của sinh viên ngày nay “có vấn đề”. Hiện tượng quay cóp, gian lận phổ biến trong thi cử cho thấy, nhiều người không cần kiến thức, mà chỉ cần cái bằng. Do vậy, cùng với thay đổi phương pháp dạy và học, ngành giáo dục cần phải làm mạnh công tác tuyên truyền để người học xác định rõ động cơ đi học là để có kiến thức, để lập nghiệp. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, việc các sinh viên được vay tiền ngân hàng để học khiến sự ưu ái miễn giảm học phí của ngành sư phạm không còn sức hút như trước. Đầu vào của sư phạm hiện không cao, học sinh có điểm trung bình cũng có thể vào được. Vì thế, sau 4 năm đào tạo cũng không thể biến những học sinh trung bình những giáo viên giỏi.

“Phải “có bột mới gột nên hồ”, có thầy giỏi mới có trò giỏi, không có thầy giỏi thì chất lượng giáo dục không thể chuyển biến.. Vì vậy việc thu hút học sinh giỏi vào sư phạm là cần thiết. Nhà nước phải có chính sách để khuyến khích các em giỏi vào các trường sư phạm để có một đội ngũ giáo viên giỏi sau khi ra trường”, ông Tuấn ý kiến.

Bộ truởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, đội ngũ giáo viên hiện nay chưa được tốt, thậm chí trong số giáo viên đã đạt chuẩn đào tạo vẫn có người chưa thật sự đạt chuẩn. Đây là bài toán phải giải quyết từng bước. Hiện, Bộ đã có chủ trương liên quan đến 2 trường ĐH trọng điểm và hệ thống trường sư phạm.

Bộ trưởng Luận cũng kêu gọi hiệu trưởng các trường tôn trọng thương hiệu, uy tín của trường, coi trọng chất lượng thật chứ không coi trọng bằng cấp. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chất lượng nhân lực hiện nay chưa làm chúng ta hài lòng là do tư duy giáo dục chậm đổi mới. Nhiều người chưa nhận thức được rằng quy hoạch nhân lực phải đi kèm với quy hoạch kinh tế,  không phải chỉ tiền đâu, đất đâu mà cần con người. Giáo dục hiện còn nặng về hành chính, chưa tạo được sự chủ động, đòi hỏi từ bên trong, đó chính là sức ì lớn của ngành. 

Từ đó, Phó Thủ tướng đưa ra 4 giải pháp cần thiết để cải thiện chất lượng đào tạo hiện nay. 

“Thứ nhất là làm sao nhận thức được rằng nhà trường nào làm không tốt thì xã hội cũng sẽ nhận biết được nên nhà trường muốn tồn tại thì phải vươn lên. 

Thứ hai là phải tạo nội lực từ bên trong, tức những người trong nhà trường phải đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, các trường phải thường xuyên đổi mới, đánh giá: giáo viên đánh giá hiệu trưởng, sinh viên đánh giá giáo viên…

Thứ ba là chính sách đối với cán bộ trong trường sẽ không tính bình quân. Làm sao thu nhập với giáo viên phù hợp với đóng góp chứ không phải thâm niên hay vị trí làm việc. Tức là, sẽ trả lương theo hiệu quả công việc. 

Thứ tư, phương châm dân chủ hóa phải được tăng cường trong các nhà trường. Theo đó, bên cạnh học sinh đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá cán bộ quản lý thì các quản lý cấp dưới cũng được tham gia đánh giá cấp trên”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Khánh Tường

Bình luận(0)