Giải bùa yểm ở Đền Hùng thì giải cái gì?

Google News

(Kiến Thức) - Sau cuộc tọa đàm "Hòn đá lạ ở đền Hùng dưới góc nhìn khoa học" nhà nghiên cứu Phạm Thức đã tiếp tục lý giải kỹ hơn về vấn đề này.

Vì sao gọi là "Hòn đá lạ"? 

Việc dùng cụm từ Hòn đá lạ ở Đền Hùng là rất thỏa đáng. Hòn đá ở Đền Hùng sở dĩ nó lạ vì nó có hai cái "lạ": Cái lạ thứ nhất là nó được đặc cách đặt vào Đền Hùng, bất chấp Luật Di sản. Cái lạ thứ hai là hòn đá đó không ăn nhập gì với các đồ thờ tự ở Đền Hùng. 

Những hình vẽ, những ký hiệu, những chữ Hán, chữ Phạn... trên hòn đá đều là những lai căng giữa Phật giáo và đạo giáo, giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ, nó như nồi lẩu thập cẩm tạp pí lù khác xa với văn hóa thuần Việt của chúng ta. Vậy hòn đá đó không lạ mới là lạ. Nhưng không có nghĩa giải bùa là giải hòn đá lạ mà không giải các hình vẽ và mật ngữ bí ẩn của lá bùa trên hòn đá đó.

Qua cuộc tọa đàm tôi thấy, có các trường phái khác nhau, cùng một vấn đề nhưng mục tiêu và cách tiếp cận khác nhau. Nhưng phải chọn mục tiêu chính và phương pháp tiếp cận phù hợp. Mục tiêu ở đây là hòn đá hay lá bùa? Cách tiếp cận ở đây là lá bùa là sản phẩm thuần túy của Văn hóa Phương Đông, ta nên dùng Đông Phương học hay dùng Tây học để tiếp cận và giải lá bùa là sản phẩm thuần túy của văn hóa phương Đông? Các khái niệm trường khí tâm linh thuộc thế giới vi tế, tồn tại song song với thế giới vật chất. Ta không thể dùng các đơn vị đo lường như kilô, lít, kw, hz, MHz... để đo lường nó. Không đo được, không hiểu được nó không có nghĩa là nó không có, không có nghĩa là nó không tồn tại. Ở đây cần phải làm rõ hai khái niệm, hai cách tiếp cận mục tiêu của việc giải bùa trên hòn đá lạ ở Đền Hùng.

Ông Phạm Thức phân tích tác hại của lá bùa. 

Đối tượng để giải bùa là gì?  

Trước hết, bùa chú là gì? Bùa chú hay còn gọi là Phù chú, là danh từ ghép. Phù là tượng trưng cho sự hiện diện uy quyền của Linh giới (Trời, Phật, Thánh Thần - tốt hoặc Yêu ma,  quỉ quái - xấu). Phù gồm có hình vẽ, các biểu tượng được vẽ trên các giá thể như: giấy, lụa, gỗ, gốm sứ, đá, sắt thép, tường nhà... để vẽ các hình đồ, họa tiết hay các chữ Hán thư pháp... Chú là những chỉ lệnh, những mật ngữ vô cùng uyên thâm linh diệu rất khó lý giải của Linh giới hoặc của Ác quỷ. Những văn tự chữ Hán, chữ Phạn hay các văn tự khác để thể hiện các câu chú, các mật ngữ... chuyển tải những thâm ý của các đấng Thần linh hay Ma quỷ theo ngụ ý của người đặt bùa chú. 

Giải bùa chú là giải cả bùa lẫn chú. Tức là giải những bí mật ẩn chứa trong các hình vẽ bí hiểm (tức là bùa) và giải các mật ngữ rất uyên thâm khó hiểu viết bằng chữ Hán, chữ Phạn (tức là chú)... Nếu không giải các bí mật đó thì không thể gọi là giải bùa. Các giá thể để vẽ lá bùa lên trên đó, như đá, gỗ, giấy, lụa... nó hầu như không có quan hệ gì, thậm chí vô can với nội dung lá bùa. Ví dụ như ta bắt được kẻ tàng trữ và mua bán chất ma túy, dù nó ở  trong khách sạn, ngoài công viên hay ở đầu phố, gốc cây... thì những địa điểm ấy hầu như vô can với tội phạm. Nếu bỏ qua lá bùa mà chỉ truy xét hòn đá thì chẳng khác nào phóng thích kẻ phạm tội mà chỉ truy xét công viên, đầu phố, gốc cây thì phỏng có ích gì?

Thứ hai là đối tượng giải bùa là gì? Cụ thể ở đây là giải các hình vẽ, chữ Hán, chữ Phạn bí ẩn hay giải hòn đá, tờ giấy, miếng vải, gỗ gạch, gốm sứ... thậm chí vẽ trên da của người như bôi vôi, bôi nhọ khi đi ra đường theo tập quán của một số dân tộc để ma quỷ không nhận ra hại người... là những giá thể của lá bùa? Một lá bùa có các hình vẽ và mật ngữ như nhau, thì dù nó được vẽ trên các chất liệu (giá thể) khác nhau, thì sức mạnh tâm linh của bùa chú  không khác nhau bao nhiêu. Vì sức mạnh tâm linh của nó tàng chứa trong các hình vẽ và các mật ngữ bí ẩn đó, chứ không chứa trong các giá thể đó. 

Còn hòn đá tuy nó là giá thể của lá bùa, nó có trường khí năng lượng và bức xạ tốt xấu khác nhau, cho dù hòn đá đó dùng để vẽ bùa đặt ở đền chùa hay đặt ở công viên thì trường khí năng lượng và bức xạ của nó vẫn như nhau. Nếu cứ sa đà vào hòn đá ấy có quý hay không, cấu tạo thế nào, năng lượng của nó bao nhiêu... mà quên mất giải các hình vẽ, các mật ngữ của lá bùa đó nó nói gì, tốt hay xấu, cho nó là không quan trọng thì không gọi là giải bùa, mà là "giải đá". 

Bản chất về năng lượng của đá, nếu nó đồng chất thì dù hòn đá đó đặt ở Đền Hùng hay nó được tạc tượng đặt ở công viên thì cũng giống nhau. Nếu không xét đến nội dung của lá bùa thì cứ ra công viên tìm đá mà đo, cần gì. Do đó giải bùa, theo sách Bùa chú và Phép thuật của Đạo gia toàn tập: Giải bùa chú chúng ta nên tập trung chú ý giải các hình vẽ khó hiểu (bùa) và giải các mật ngữ bí ẩn (chú), còn các giá thể, các vật trang trí xung quanh chỉ là phù trợ, chỉ xem xét bổ sung mà thôi.

Ngày 6/6 vừa qua tại Hà Nội, cuộc toạ đàm về Hòn đá lạ ở Đền Hùng đã được tổ chức. Chủ trì cuộc tọa đàm là Tổng Biên tập Báo KH&ĐS và Báo điện tử Kiến Thức. Tới dự có nhiều nhà nghiên cứu các lĩnh vực Văn hóa Phương Đông, Hán Nôm, triết học Phương Đông, chức sắc Phật giáo và Phật học, các nhà nghiên cứu về Đá học và Cảm xạ học... là những  học giả thành danh trên các lĩnh vực. 

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Phạm Thức

Bình luận(0)