Ngân hàng Đại Tín thành Xây dựng: Có đơn thuần đổi tên?

Google News

(Kiến Thức) - Việc đổi tên Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) thành Ngân hàng xây dựng Việt Nam chưa chính thức diễn ra nhưng đã làm gợn lên những băn khoăn mới.

TrustBank sau tái cơ cấu sẽ đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam?

Sự kiện đổi tên thành Ngân hàng xây dựng Việt Nam chưa chính thức diễn ra nhưng tại buổi họp báo về Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thông tin này đã được thông báo tới cơ quan báo chí.

Theo kế hoạch, trong các ngày 23, 24 và 25/5, VNREA sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “VNREA - Thành tựu 10 năm”. Thông cáo báo chí từ hiệp hội này cho biết hôm đó ngân hàng này sẽ công bố tên mới từ Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) sang Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và ký kết hợp tác với bốn ngân hàng là BIDV, Agribank, MBbank, Sacombank.

Tại ĐHCĐ mới đây của Ngân hàng TrustBank, ông Phan Thành Mai, tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được bầu làm phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị.

 TrustBank có đơn thuần chỉ là đổi tên?


Thực tế, Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) hiện là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN và đã tiến hành tái cơ cấu thông qua việc bán hơn 84% cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hồi đầu năm nay.    

Trước đó, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị này bị NHNN lẫn giới chuyên gia bác bỏ và cho rằng Việt Nam không cần thêm một ngân hàng chuyên về xây dựng. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 3/2012, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định: "Với tư cách là Thống đốc NHNN tôi không đồng ý". Thống đốc đưa ra lý lẽ: "Không có ngân hàng nào trên thế giới nói rằng chỉ chuyên cho vay để mua nhà. Trên thực tế hiện nay ở Việt Nam có tới 37 TCTD trong nước, ngân hàng nào cũng hoạt động phần này cả. Do vậy, có cần thiết thành lập một ngân hàng chỉ để làm cái việc đó không thì nhu cầu thực tế là không".

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký VNREA, mục tiêu lớn nhất của chương trình kỷ niệm 10 năm VNREA là nhằm tổng kết chặng đường 10 năm hình thành, phát triển của VNREA và các doanh nghiệp thành viên, đồng thời giới thiệu các định hướng chiến lược của VNREA thời gian qua và những năm tới. Ngoài ra, tại sự kiện này, các lãnh đạo của Chính phủ, Bộ xây dựng, NHNN Việt Nam, các bộ ngành liên quan, các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp sẽ cùng nhau thảo luận, đối thoại về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, mà điểm nhấn là chủ trương Nghị quyết 02/NQ- CP (NQ 02), nhằm hỗ trợ sản xuất ngành xây dựng, giảm nợ xấu ngành ngân hàng với các công cụ thực tiễn.

Điểm đáng chú ý hơn trong chuỗi sự kiện này là sự ra mắt của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và chương trình ký kết hợp tác của các ngân hàng.

Ông Mai cho rằng, để đảm bảo tính thời sự, thông tin cụ thể liên quan đến việc thành lập ngân hàng này sẽ được chính thức công bố tại buổi họp báo.

Ra đời lúc này có phù hợp?


Liên quan đến việc thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, trước đó, VNREA đã có đề xuất lên Bộ Xây dựng thành lập mô hình này. Và theo ý kiến Bộ Xây dựng, đề xuất của VNREA về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay, phù hợp với xu hướng phát triển về lĩnh vực ngân hàng xây dựng của các nước trên thế giới. Việc thành lập Ngân hàng Xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp tại đô thị...), các chương trình sản xuất vật liệu xây dựng và các chương trình khác của ngành. Đồng thời, đây sẽ là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho thị trường bất động sản, góp phần vào việc quản lý và phát triển thị trường bất động sản minh bạch và bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đề xuất của Hiệp hội về việc thành lập một Ngân hàng Xây dựng cùng với các giải pháp của Chính phủ nhằm “rã băng” thị trường này sẽ góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục. Tuy nhiên, điều mà nhiều người băn khoăn là liệu có đơn thuần chỉ là đổi tên một NHTM sau khi tiến hành tái cơ cấu hay sẽ ra đời một ngân hàng chuyên cho vay mua nhà, tập trung hỗ trợ vốn cho thị trường bất động sản?

Có thể thấy, gần đây Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở, như Thông tư 11 của NHNN về hướng dẫn cho vay hỗ trợ nhà ở theo NQ 02 của Chính phủ, với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đưa lại nhiều hy vọng cho người dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chuyên gia này cho rằng, thời điểm này việc ra đời Ngân hàng Xây dựng này là khá thích hợp. Việc rốt ráo xử lý hàng tồn kho bất động sản do nợ xấu nằm ở lĩnh vực này chiếm tỷ lệ lớn đã và đang được Chính phủ chú ý. Vì có xử lý được nợ xấu thì mới giúp khơi thông dòng tiền.

Chuyên gia này cũng lưu ý, nếu có đề xuất thành lập,cơ quan quản lý cần xem xét kỹ nội dung cũng như phạm vi hoạt động cho vay của Ngân hàng Xây dựng này. Bài học về cho vay dưới chuẩn và rót vốn ồ ạt vào thị trường bất động sản tại Mỹ dẫn đến khủng hoảng tài chính trầm trọng những năm trước còn nguyên giá trị với Việt Nam. Hơn nữa, nhiều ngân hàng thương mại hiện có hoạt động cho vay, đầu tư bất động sản. Nếu Ngân hàng Xây dựng Việt Nam ra đời với mục đích chính là kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản cũng cần thiết hay không? Ngoài ra, những đại gia bất động sản nắm giữ lượng lớn cổ phần của ngân hàng có tên mới này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề lợi ích nhóm.

Theo Điều 29 Luật Các Tổ chức tín dụng, việc đổi tên hay thay đổi về nội dung hay phạm vi hoạt đông của một NHTM cần có sự đồng ý của NHNN. Hiện, NHNN chưa có ý kiến chính thức về việc có một ngân hàng mang tên Ngân hàng Xây dựng Việt Nam theo thông tin từ VNREA. Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng – NHNN cho  biết sẽ xác minh sự việc trên.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:







Linh Anh

Bình luận(0)