Khách VIP “sốc” nặng khi bay với VietJetAir

Google News

Không được "cơm bưng nước rót" miễn phí, đến cái khăn lau tay cũng là khăn giấy chứ không phải khăn ướt ướp lạnh...

Không được “cơm bưng nước rót” miễn phí, đến cái khăn lau tay cũng là khăn giấy chứ không phải khăn ướt ướp lạnh, khách VIP “sốc” nặng khi bay với VietJetAir

Anh Nguyễn T., một quan chức thuộc một đơn vị có trụ sở tại Hà Nội, một hôm kêu mấy nhà báo tới uống cà phê để xả nỗi ấm ức có tên “hàng không giá rẻ”.

Không có suất ăn miễn phí

Số là anh có công chuyện ở TPHCM, nhân viên đặt vé VietJetAir cho anh với lời cam kết “hãng này bay an toàn, đúng giờ và dễ thương lắm sếp ạ”. Quen với nếp của khách VIP là ra máy bay bằng xe riêng và trễ hơn khách thường. Do đó khi tới quầy làm thủ tục, anh bị chậm giờ, nhân viên đã đóng quầy. Đập bàn đập ghế không ăn thua, cuối cùng phải nhờ sếp sân bay đứng ra xử lý, anh T. mới được bay.

Khách hàng được phục vụ dừa tươi trên máy bay
Khách hàng được phục vụ dừa tươi trên máy bay

Ấm ức vì không được đối xử đặc biệt, anh “đóng vai” mẹ chồng, đi xét nét các “nàng dâu” tiếp viên VietJetAir… Đỉnh điểm là khi chờ đợi được mang khăn lạnh để lau mặt thì tiếp viên trả lời chỉ có khăn giấy. Muốn uống cốc nước mát thì phải bỏ ra 10.000 đồng mua chai nước suối. Khi đói, anh phải chọn món ăn theo thực đơn và trả tiền chứ không được phục vụ ăn miễn phí. “Tôi mà biết là hàng không giá rẻ thì tôi đã không đi. Siêu tiết kiệm đến cái giấy ướt cũng không có” - anh T. nói.

Vì quá bực dọc, anh T. quên mất sự an toàn và đúng giờ của VietJetAir, cũng quên biết là tiền vé chỉ bằng 1/4 chiếc vé VIP anh vẫn thường đi. Thậm chí, anh cũng chẳng có nhu cầu tìm hiểu những nguyên tắc của hàng không theo mô hình giá rẻ mà thế giới rất quen thuộc (Low Cost Carrier) với chức năng cung cấp sản phẩm cốt lõi là đưa hành khách tới nơi đúng giờ với các mức giá vé thấp và linh hoạt.

Tiết kiệm có khoa học

Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, sự tiết kiệm của các hãng hàng không thế hệ mới như VietJet  Air không phải là tiết kiệm tới mức… bần tiện mà đều có cơ sở khoa học.

Ví dụ như sử dụng khăn giấy khô, tiếp viên chỉ cần một động tác là xong, nhờ thế có thể tiết kiệm nhân công, giảm được giá vé cho “mọi người cùng bay”. Còn nếu dùng khăn ướt thì khi dọn dẹp, tiếp viên phải thêm một số động tác như gom lại, phân loại để cho vào túi rác. Hơn nữa, khăn ướt là sản phẩm không tự hủy, không khuyến khích trong xu hướng bảo vệ môi trường.

VietJetAir không bán vé kèm suất ăn miễn phí vì như vậy, hành khách không có nhu cầu ăn uống mà vẫn phải trả tiền, còn khách muốn ăn lại phải dùng suất ăn có sẵn, không được lựa chọn. Để tiết kiệm tuyệt đối, ngay cả tấm thẻ lên máy bay cũng được VietJetAir in bằng giấy A4 thông thường thay vì in bằng bìa cứng sang trọng…

Nhưng trong số những người nghe anh T. giãi bày lại suy nghĩ khác. Một nhà báo nghe chuyện xong nói rằng có hàng ngàn yếu tố để cấu thành được chiếc vé máy bay giá rẻ cho mọi người cùng bay. Từ người có tiền đến người ít tiền, thậm chí người nghèo khó cũng có thể bay nếu may mắn “săn” được vé khuyến mãi.

“Tôi không quá nghèo, từng là khách VIP trên nhiều chuyến bay nhưng tôi vẫn thường xuyên bay của VietJetAir vì cảm nhận được sự thoải mái và thân thiện trên mỗi chuyến bay. Trên thế giới, hàng không giá rẻ rất phổ biến và thành công. Nhiều doanh nhân, chính trị gia, người nổi tiếng cũng lựa chọn hàng không giá rẻ làm phương tiện di chuyển chính” - một doanh nhân cho biết.

Anh T. có chiều suy ngẫm khi tiễn chúng tôi ra về. Không biết anh có thay đổi quan niệm không, bởi để làm quen với một phong cách tiêu dùng mới, làm thượng đế của một hãng hàng không mà người giàu, nghèo bình đẳng như nhau cũng cần có sự trải nghiệm thực sự sâu sắc.

(Theo Người Lao Động)

[links()]

Bình luận(4)

Minh Hiền

Hoàng Hà

Tôi rất đồng ý với bạn Trần Bình. Đa phần đi VNA là doanh nhân công ty lớn hay đi bằng tiền ngân sách. Thật lãng phí, và thể hiện thói trưởng giả học làm sang của dân ta, muốn thể hiện đẳng cấp. Hãy xem Thủ tướng Anh đi xem Olympic 2012 bằng metro!

Minh Hiền

Hoàng Bảo Minh

Không đồng tình với ông Nguyễn T.

Nếu muốn hoành tráng, cơm bưng nước rót, gái hầu thì ông làm ơn đi hãng HK nào xịn ý, hay mua máy bay riêng để bay như bầu Đức ý. Đừng soi vặt như vậy sẽ không đáng mang tiếng VIP đâu. Người ta nói tiền nào của nấy. Hãng HK giá rẻ là phục vụ cả người bình dân cũng được bay. Ông có biết không có các hãng HK như Jetstar, VJA hay .... tôi hơn 30 tuổi cũng chưa được ngồi máy bay !!!

Ông quen ăn ngon, mặc đẹp, xài tiền chùa thì bay chỗ khác, đừng ngồi cùng dân nghèo để chê này chê nọ. Bảo sao đất nước luôn đi xuống, chênh lệch đời sống cao là do kiểu "ông nọ, bà kia", sai tiền chùa, hách dịch cửa quyền như ông đấy. Hãy để dân nghèo có quyền hưởng lợi, có quyền bay. Họ tính phí đồ ăn uống là đúng để giảm chi phí, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp. ông nên suy nghĩ kỹ rồi hãy phát biểu nghe...

Minh Hiền

Tường Minh

Tôi thấy Vietjet Air phục vụ tốt, tiếp viên có trang phục đẹp, hiện đại, tươi mưởi ân cần, máy bay mới, đội lái chuyên nghiệp và giá cả phù hợp so với các hãng khác.Tất nhiên ở đây không có sự khệnh khạng, cửa quyền và thiếu những bữa ăn nhiều khi là hơi phí và không phải là ai cũng có nhu cầu.

Minh Hiền

Trần Bình

Tôi làm việc lâu năm trong DNNN nên thường bay với Vietnam Airlines (VNA). Gần đây tôi vừa bay với VietJetAir, nên có những suy nghĩ như sau: "Quan chức" trong giới lãnh đạo chính quyền và khối DNNN hiện nay thường thích bay VNA vì thể hiện "đẳng cấp" của mình, không thích mang tiếng đi hàng không giá rẻ, vì người VN có thành kiến "của rẻ là của ôi" (?). Mặt khác, họ thường là khách có thể vàng, thẻ platinum của VNA, nên có những ưu đãi hơn hẳn khách hạng economy. Nhưng cái gốc của vấn đề vẫn là ở chỗ họ bay bằng tiền của công, không phải tiền túi họ bỏ ra nên họ không bao giờ "áy náy" về giá vé máy bay cùng tuyến bay của VNA thường đắt khoảng gấp đôi vé của VietJetAir, AirMekong, Pacific....Đây cũng là một vấn nạn của sự xa hoa lãng phí của VN ta hiện nay. Còn so sánh giữa VNA với VietJetAir hoặc AirMekong chẳng hạn, hành khách bay bằng tiền của mình cảm thấy vui sướng vì đã tiết kiệm được gần nửa tháng lương chỉ 1 lần bay tuyến TP.HCM - Hà Nội. Hãy nhìn nhận kỹ dịch vụ trên các hảng HK giá rẻ này: các chuyến bay của AirMekong trùng vào giờ ăn trưa và chiều vẫn có xuất ăn và nước uống miễn phí cho tất cả các hành khách. Giá ăn uống của VietJetAir trên máy bay rất "dễ chịu" so với giá kiểu cửa quyền của VNA bán trong các nhà ga hàng không của VNA. Ví dụ: các lon nước ngọt hoặc chai nước suối có giá chỉ 10.000 đồng, so với giá khoảng 30.000 đồng của VNA. Các hộp đồ ăn nóng như miến, cơm gà, mì Ý cũng chỉ 50.000 đồng/hộp. Còn nhân viên hàng không thì càng dễ chịu hơn, vì các em hầu hết đều đẹp như mơ, dễ thương, chu đáo, nụ cười lúc nào cũng nỡ tươi rói trên môi. So với VNA, lại với giá rẻ hơn hẳn, vậy thì còn "sốc" cái nỗi gì nữa hỡi các vị chuyên tiêu xài tiền thuế của dân?