Khóc thầm vì không sinh được con trai
Nghe tin chị Mai Lan (Hà Nội) nạo thai sau khi biết giới tính đứa con là nữ, nhiều người không khỏi xót xa. Lấy chồng là con trai duy nhất trong một gia đình có vai vế ở miền Trung, chị và không ít bạn bè, đồng nghiệp chị tự hiểu, chị phải sinh được một đứa con trai nối dõi cho gia đình chồng. Mặc dù chị là một giảng viên đại học, có trong tay bằng thạc sĩ và có 2 đứa con gái xinh như mộng, một lên 10 và một lên 5.
Việc chị có thai đứa thứ 3 tuy ít người biết, song việc chị phải nạo thai vì biết đó là con gái thì lại nhiều người biết. Tiếng dữ đồn xa mà… Ai hỏi, chị cũng phải trả lời: Tại chị lỡ dính bầu, mà cơ quan giờ ai cho đẻ 3 đứa bao giờ. Nhưng chị phải im lặng khi ai đó vô tình hỏi, sao phải đợi tới 3 tháng mới nạo? Sao phải để lâu thế, thai to thế nguy hiểm cả mẹ lẫn con?
|
Ảnh minh họa |
Hằng đêm chị khóc rất nhiều khi nghĩ tới lần phá thai này. Ở cái tuổi gần 40 rồi, chị bị áp lực phải đẻ nhanh kẻo qua cái tuổi còn sung sức, tránh cảnh cha già con cọc; Nhưng đẻ ra con gái nữa thì sao? Kiếm tiền đủ để nhờ khoa học, tăng phần trăm xác suất có con trai chị và anh cũng không lo nổi. Gánh nặng nuôi 2 đứa ở thủ đô nào có đơn giản. Chị mất ngủ nhiều khi bị áp lực từ ngàn xưa để lại, phải đẻ được đứa con trai!
Hồn nhiên hơn chị Lan, Mai Thanh (Nghệ An) mặc dù mới sinh được một đứa con gái và mang bầu đứa thứ 2 cũng là con gái, Thanh cũng đã xác định cho mình sẽ đẻ tiếp, đẻ đến khi nào có con trai thì thôi. Cũng lấy phải anh chàng con trai duy nhất trong gia đình, cũng được “tuyên án” ngay từ ngày đầu là phải đẻ con trai, Thanh đã cố gắng hết sức trong lần mang bầu thứ 2.
Thanh đi siêu âm, đo nhiệt độ, đón ngày rụng trứng, hồi hộp bắt chồng về nhà thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà bác sĩ ra lệnh “ngay và luôn” nhưng vẫn xịt. Lần thứ 2, Thanh và chồng bỏ tiền đi lọc tinh trùng, bơm tinh trùng đúng ngày rụng trứng, hi vọng xác suất có con trai cao hơn. Nhưng rồi, cuối cùng, vẫn không thành công.
Lần thứ 3, hai vợ chồng kéo nhau vào tận TP.HCM để làm. Tại đây, sau khi xét nghiệm, đo tinh dịch đồ, bác sĩ kết luận, tỉ lệ tinh trùng khỏe của ông xã kém, tỉ lệ tinh trùng XY chỉ có 4%, cơ hội có con trai là rất khó!
Khó cũng phải làm. Mặc dù đã thử nhiều cách, nhưng Thanh vẫn không đậu thai. Mất nửa năm Rồng lọ mọ, cuối cùng chồng Thanh nản, không làm theo các cách Thanh yêu cầu. Hai vợ chồng cứ hồn nhiên, cuối cùng lại đậu, nhưng lại là một bé gái.
“Em không bất ngờ lắm. Bác sĩ bảo, tinh trùng của ông xã em như thế thì cũng chỉ con gái mà thôi. Nhưng em sẽ quyết tâm đẻ bằng được con trai” – Thanh nói như đinh đóng cột.
Bản “hợp đồng hôn nhân” khó nhằn
Khác với chị Lan, Hàm Yên (Lạng Sơn) lấy chồng gốc Hà Nội và đẻ được một trai một gái đẹp như mơ. Những tưởng cô qua gánh nặng con cái, yên tâm nuôi dạy con, nào ngờ, một ngày đẹp trời, bạn bè lại thấy cái bụng Yên lùm lùm. Ai cũng ngạc nhiên vì Yên quá gầy yếu, tuổi cũng đã qua 35 mà vẫn bụng mang dạ chửa. Nhiều hôm nhìn thấy Yên đến cơ quan, mặt xanh lét vì nghén, ai cũng thương. Hỏi thì Yên bảo, em thích nhiều con.
|
Ảnh minh họa |
Nhưng nếu thân hơn, Yên tâm sự: “Gia đình chỉ có một mình anh ấy là con độc nhất. Thấm thía cảnh ít con, ông bà ra điều kiện ngay từ ngày đầu: Muốn lấy thằng Mạnh, phải đẻ ít nhất 3 đứa con. Nhà cửa, tiền bạc, osin không phải lo. Công việc cũng không quan trọng. Miễn là đẻ nhiều con. Bây giờ, ông bà giục ghê lắm, không đẻ không được”
Cái “hợp đồng tiền hôn nhân” bằng miệng đó bây giờ là áp lực cho Yên phải đẻ đứa thứ 3 và chưa biết có được dừng hay chưa. Vốn không thích ở nhà làm nội trợ, Yên bươn chải làm đúng nghề báo mà mình thích. Song áp lực công việc và áp lực con cái khiến Yên quay cuồng trong vòng quay mỗi ngày. “Con mình chứ con ai. Mình đẻ ra không thể giao phó cho osin, cho ông bà hết được. Hết đứa này đến đứa khác bám váy mẹ. Nói chung là mệt mỏi” – Yên tâm sự.
Vợ chồng hục hặc vì quý tử
Có không ít vợ chồng trẻ, vì áp lực sinh con trai mà nảy sinh tâm lý ức chế, gây vô sinh tạm thời. Dù không một biện pháp phòng vệ, không ai bị trục trặc gì đường sinh đẻ, nhưng mãi vẫn không đậu thai. Thậm chí, có chồng còn tuyên bố: Không sinh được con trai sẽ thay mái! Câu nói đó như vết hằn trong tâm trí người vợ, khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.
Bác sỹ Vũ Minh Ngọc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từng cho biết, chính áp lực phải sinh con trai đã khiến người phụ nữ khó làm được điều mình muốn. Áp lực đó khiến chu kỳ của người phụ nữ đến không đều, tháng nhanh, tháng chậm, căng thẳng khiến trứng phát triển chậm nhưng rụng rất nhanh khiến không phải bệnh nhân nào cũng trúng.
|
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, áp lực sinh con trai còn khiến dẫn tới vô sinh thứ phát. Bác sỹ Ngọc chia sẻ một câu chuyện của một bệnh nhân đến với phòng khám hiếm muộn: Nam và Linh lấy nhau cũng đã được một thời gian, gia đình hai bên đều mong đôi trẻ sớm có con nhưng phải là con trai. Chính điều này đã khiến cả hai cảm thấy không thoải mái, căng thẳng trong cuộc sống vợ chồng. Vài năm không có con, bố mẹ chồng bắt đầu bóng gió, càng làm cho tâm lý căng thẳng. Phải đến khi quá căng thẳng, hai vợ chồng ra ở riêng, Linh mới thoải mái tư tưởng, chỉ 3 tháng sau Linh có thai và sinh được một em bé kháu khỉnh.
Tư tưởng vẫn còn phong kiến
Có không ít người phụ nữ sống trong thời hiện đại, làm những công việc được xem là tri thức, sang trọng, nhưng vẫn bị gánh nặng đẻ con trai. Mặc dù họ tạm được xem là phụ nữ hiện đại, tân thời, sành điệu thuộc vanh vách những hãng thời trang này nọ, song trong tâm thế sâu thẳm nhất, họ vẫn cần một đứa con trai như để đảm bảo cho mình một giấy thông hành hanh thông trong nhà chồng. Dù có sinh được hai cô con gái xinh xắn, dù hai vợ chồng còn phải vất vả với việc chăm sóc, nuôi dạy con, nhưng họ chưa có cảm giác yên tâm về đường con cái. Một nỗi lo sợ thầm kín trong họ, luôn đeo bám họ, là có một ngày đẹp trời, họ bỗng phát hiện chồng có con riêng, một đứa con trai rơi rớt nào đó có thể lấy đi của mẹ con họ một gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Họ phải làm gì nếu không cố gắng đẻ cho chồng, cho gia đình chồng một đứa con trai nối dõi tông đường, để có người thờ phụng lúc sang thế giới bên kia? Mặc dù có không ít người chẳng tin còn có kiếp sau mà hưởng phúc thờ phụng của con cháu.
Có những ông chồng làm đến tổng giám đốc, chức này chức kia, đi nam về bắc, đi tây về đông, vẫn về nhà xúi vợ đẻ bằng được đứa con trai cho bằng anh bằng chị, cho có người nối dõi tông đường, cho yên tâm lúc tuổi già.
Nhưng có trải qua cuộc sống, nhiều người già mới nhận thấy, đứa con gái vẫn sống tình cảm, vẫn chăm sóc bố mẹ chu đáo hơn anh con trai vô tâm và cô con dâu khác máu tanh lòng!
Đó là chưa kể, hiện nay, cái tâm thế lỗi thời đó đang đẩy xã hội ta bước vào tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng.
Qua khảo sát về quan niệm sinh con trai, con gái trên gần 2.900 nam giới, có đến 46% cho biết mong muốn của họ là có ít nhất một cậu ấm; trong khi số chỉ thích con gái là 3,5%. Chính vì mong muốn này mà tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Việt Nam theo Tổng cục Dân số đã ở mức báo động. Tỉ lệ trung bình trên toàn quốc đã là 112 nam/100 nữ. Trong vài năm tới, tỉ lệ này có thể lên đến 115 nam/100 nữ. Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 2 triệu nam giới đến tuổi lập gia đình nhưng không tìm được vợ.
Điều đáng nói là những gia đình giàu có, trí thức, ở các thành phố lớn, tỷ lệ chênh lệch giới tính cao hơn ở vùng nông thôn. Điều này được lý giải là do họ có điều kiện để tiếp xúc với các dịch vụ sinh con theo ý muốn, trong đó không loại trừ việc ra nước ngoài sử dụng dịch vụ lọc rửa tinh trùng.
Vấn đề tưởng chỉ nằm trong phạm vi mỗi gia đình hiện đại, thì giờ nó đã ảnh hưởng tới toàn xã hội. Một vấn đề không nhỏ chút nào mà mỗi người vợ đang phải dằn vặt, lo âu hằng ngày.