Những chuyện hài hước về vợ bộ đội

Google News

Dù là thời bình, vợ lính vẫn có cuộc sống khác biệt với những người vợ bình thường. Nhiều tình huống có vẻ "đáng sợ" nhưng trong con mắt người vợ yêu chồng lại trở nên hài hước đáng yêu.

Vừa ra mắt đã bị "dọa dẫm" 

Nhớ lại hồi mới yêu anh xã bây giờ, Hoài Thi, 31 tuổi, cười bảo: "Không hiểu sao loại người như mình cũng làm vợ lính được. Chả biết một cái gì về lính hết. Bố chồng đã bắt được bệnh mình ngay từ lần đầu ra mắt".

Hồi đó Thi đã 24 tuổi nhưng vẫn hoàn toàn mơ hồ về cuộc sống thực. Dù không phải tiểu thư nhà giàu nhưng cô vẫn sống trong tháp ngà của sự bao bọc, yêu chiều, nên tâm hồn cực kỳ trong sáng, lãng mạn, tình tình trẻ con. Khi biết Thi yêu mà muốn lấy anh bộ đội tên Tân, nhiều người can, bảo cô sao đóng nổi vai trò vợ lính. 

Nhưng Thi chẳng để lời nào vào tai. Chẳng phải có tình yêu sẽ vượt qua tất cả hay sao? Khi về nhà Tân ra mắt, Thi rất tự tin, nghĩ một cô gái xinh xắn, nề nếp như mình chắc phải được quý như vàng khi dám lấy bộ đội. Ai ngờ, bố Tân nhìn cô với vẻ thiếu tin tưởng rồi hỏi thẳng: "Cháu nghĩ cháu có khả năng làm vợ nó à?". 

 Ảnh minh họa.

Hơi tự ái, Thi chỉ vâng. "Cháu thấy tình yêu với bộ đội thế nào?", ông hỏi tiếp, rồi gợi ý khi thấy Thi chưa tìm ra từ để trả lời: "Lãng mạn, phải không?". Mắt Thi sáng lên: "Vâng, đúng thế", để rồi bị dội ngay một gáo nước lạnh: "Biết ngay mà, yêu bộ đội là chủ nghĩa lãng mạn, còn lấy bộ đội là chủ nghĩa hiện thực đấy. Nhìn cháu là tôi biết, đến việc làm vợ một người bình thường cháu còn chưa hình dung được, đừng nói là vợ bộ đội. Cháu không hợp với nó đâu. Tìm người khác là hơn".

Thi òa lên khóc vì bị tổn thương quá mức. Cô đã làm gì nên tội mà bị đối xử như vậy chứ? Thế nhưng được Tân nịnh nọt, dỗ dành, cô vẫn tiếp tục tình yêu, hy vọng một ngày nào đó bố chàng nghĩ lại. Trong lần gặp thứ hai sau gần một năm, cô nói ý đó với bố Tân khi ông cụ hỏi: "Cháu vẫn chưa chịu bỏ cuộc à? Sao ngoan cố thế nhỉ?". Và nghe xong câu trả lời, ông nói: "Vấn đề không phải là tôi có nghĩ lại hay không, mà là ở cháu thôi".

Rồi với giọng đã ôn tồn hơn rất nhiều, bố Tân lôi ra một lô một lốc những sự "khủng khiếp" mà vợ lính phải chịu. Thi nghe đến đâu, mặt tái xanh đi đến đó. "Bác cố ý dọa cho cháu sợ để cháu bỏ chạy phải không?". "Ừ, đúng thế đấy, nhưng những điều tôi nói với cháu đều là thật đấy. Cháu tiểu thư thế này, lấy nó thì khổ cả đời". Thi sợ hãi thật, nhưng trước vẻ coi thường của bố người yêu, cô làm như cô biết hết từ lâu rồi, bày tỏ quyết tâm lấy Tân.

Khi Thi đã là con cái trong nhà, bố chồng đổi hẳn thái độ, yêu thương, nương nhẹ cô hết mực. Dù vậy, cô vẫn phải thầm nhủ, quả thật trước đây mình điếc không sợ súng, hóa ra làm vợ bộ đội chỉ có 1 phần lãng mạn, 9 phần gian nan, mà nếu chỉ dựa vào tình yêu thôi thì không thể vượt qua. "Mình đã bao nhiêu lần khóc vì cảm thấy không chịu nổi sự xa cách, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, cái gì cũng tự mình bươn chải. Nhưng rồi mình nghĩ, mình chẳng có cách nào khác là phải cố gắng thích nghi. Có phải chưa có ai cảnh báo mình đâu", Thi chia sẻ.

 Ảnh minh họa.

Bây giờ thì chẳng ai nhận ra cô tiểu thư yếu ớt ngày trước. Thi đã là một người đàn bà mạnh mẽ, xốc vác, chẳng việc gì không biết làm, và quan trọng nhất là đủ mạnh mẽ để làm trụ cột gia đình những lúc vắng chồng. 

Có chồng mà như gái còn son 

Nguyệt nói đùa rằng, cô là gái có chồng hẳn hoi đấy, thế mà tự thấy mình chẳng khác gì thời son rỗi: "Là vì thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm, chả ai quản lý, làm gì đi đâu cũng một mình. Chồng đóng quân tận biên giới, bố mẹ hai bên đều ở quê, mình tha hồ tự tung tự tác". 

Ngay cả tuần trăng mật của Nguyệt cũng bị cắt ngang bởi chú rể bị gọi về đơn vị gấp. Vừa oán chồng vừa tủi thân quá sức, Nguyệt bắt xe về nhà, khóc với bố mẹ đẻ. Ông bố, vốn trước đây phản đối chuyện con gái lấy bộ đội, nay lại bênh con rể mắng con gái: "Nó là bộ đội, có công tác đột xuất là chuyện thường, khóc khóc cái gì? Đã bảo trước rồi không nghe, giờ đã là vợ nó rồi thì phải thông cảm, chấp nhận, đồng hành với nó, cấm kêu ca". 

Thế là ở nhà thêm hai hôm, Nguyệt lóc cóc quay lại Hà Nội, nơi cô may mắn có việc làm và được mượn nhà một người bà con đã chuyển vào định cư tại TP HCM. Chồng mấy tháng may ra mới được về một lần, Nguyệt nhớ chồng thì phải chờ dịp cuối tuần lên thăm anh, nhưng tiền nong eo hẹp nên cũng phải lâu lâu mới thu xếp được một chuyến. Lấy nhau được 2 năm, cô đã quen với sự xa cách nhưng lại bắt đầu tủi thân vì bạn bè cưới cùng đợt không con bế con bồng thì cũng đã bầu bí. Mỗi lần nhìn ai đó kêu mệt vì nghén ngẩm, cô lại chạnh lòng.

Đến khi có bầu rồi, Nguyệt lại càng chạnh lòng nhiều hơn khi nhìn những bà bầu khác được chồng đưa đi làm, đưa đi khám, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, hơi tí thì làm nũng, ăn vạ chồng, trong khi cô thì bụng chửa vượt mặt vẫn nghễu nghện một mình vượt 10 km đến cơ quan, tối hùng hục đẩy cái xe máy nặng trịch vào nhà. Tủi nhất là hôm vượt cạn, đã định gọi hai mẹ lên phục vụ nhưng vì Nguyệt đẻ sớm hơn dự định đến 2 tuần nên khi lên cơn đau rồi vỡ ối, cô chỉ kịp vơ vội vài thứ rồi bắt xe vào bệnh viện lúc 3 giờ sáng.

Nhìn sản phụ bụng như cái trống, mặt méo xẹo vì đau vào khoa cấp cứu một mình vào giờ đó, y bác sĩ ngạc nhiên. "Họ không hỏi, nhưng nhìn vẻ ái ngại của họ, tôi hiểu ý nên phải nói luôn em là vợ bộ đội đấy, không phải chửa hoang đâu. Tôi nói khá gắt, thế mà thái độ của họ lại trở nên quan tâm, chăm sóc hơn hẳn. Lạ thật, tôi cứ nghe nói y bác sĩ như hung thần, quát mắng này nọ, nhưng họ dịu dàng với tôi lắm, cũng đỡ tủi thân", Nguyệt nói.

Nguyệt mẹ tròn con vuông được nửa ngày, ông bà nội ngoại mới lên đến nơi, và mấy hôm sau chồng mới được về. Thế rồi trong suốt quá trình nuôi con nhỏ, cô vẫn gần như cứ phải vừa làm bố vừa làm mẹ, tiền chồng gửi về chẳng đủ mua sữa cho con. Những lần con ốm con đau, vẫn chỉ một mình cô đưa bé đến bệnh viện. Nhưng dù sao, đứa con cũng lấp đầy khoảng trống, cô chẳng có thời gian để vật vã vì nhớ chồng. 

Thiệt thòi là vậy nhưng Nguyệt bảo, vợ lính cũng có những cái sướng mà người khác ít có: "Các anh bộ đội là nhất vợ nhì giời nhé. Viết thư, gọi điện lúc nào cũng ngọt ngào, nịnh nọt đủ kiểu. Về nhà được lúc nào là coi vợ như bà hoàng. Hồi chưa có con, hễ chồng về là mình chẳng phải làm gì hết, chỉ việc ngồi chờ anh ấy phục vụ thôi. Có con rồi thì chẳng ngồi không được, nhưng hễ có chồng thì việc gì vất vả nhất anh làm hết, từ thức trông con đến giặt giũ, cho con ăn, lau nhà, rửa bát, chả nề hà tí gì. Lại còn vừa làm vừa hát, vừa nịnh vợ, thật cũng bõ cho những lúc mình cắn răng chịu cực".

Chồng là bộ đội, theo Nguyệt, lại có thêm một ưu điểm nữa là anh nào cũng tháo vát nhanh nhẹn, đảm đang: "Chồng là bộ đội có thể nấu một bữa cơm tươm tất trong vòng nửa giờ, những việc khác cũng nhoáng cái là xong, mà vẫn đâu ra đấy. Chồng bộ đội cũng không có thói quen ngồi khểnh ra đó bắt người khác hầu hạ, phục vụ, dù ở nhà với vợ hay khi tham gia các buổi họp mặt khác đều xông vào làm".

Nguyệt nói thêm: "Bảo là AQ cũng được, nhưng cái sự vợ chồng xa cách cũng có cái hay, lần nào gặp nhau cũng nồng nhiệt đắm say như hồi mới yêu vậy, không cần phải nhọc công nghĩ cách hâm nóng tình yêu khi nó lúc nào cũng sôi sùng sục lên rồi". 

Ở tuổi 28, trông Nguyệt già dặn như đã 33 - 34 tuổi, gương mặt chưa từng biết đến son phấn, đôi chân thẳng khá dài chưa từng biết đến váy vóc, cũng chưa bao giờ dám mua cho mình một món gì quá 200.000 đồng. So với những phụ nữ khác đang sống ở thủ đô, Nguyệt biết mình quá thiệt thòi, nhưng từ lâu đã không than thở hay so bì nữa. "Đã dám yêu, dám lấy bộ đội thì phải dám chấp nhận chứ", Nguyệt nói với nụ cười.
Theo Xzone

Bình luận(0)