“Tôi viết tâm thư nhưng các Bộ vẫn im lặng“

Google News

Các nhà khoa học chỉ có thể tìm tòi nghiên cứu và phát hiện ra, còn việc quản lý phải là của cơ quan chức năng nhà nước.

- “Bây giờ nếu tôi có chẳng may có chết đi thì cũng chẳng có gì phải ân hận. Nhưng cứ nghĩ đến dự án trồng rau sạch vẫn còn dang dở thì tôi không thể an lòng. Một dự án có ích như thế mà không thực hiện được là có lỗi với người nông dân…”, PGS.TS Hồ Hữu An – “cha đẻ” của dự án trồng rau an toàn nằm trên giường bệnh rơi nước mắt.
[links()]
 
PGS.TS Hồ Hữu An tâm sự, trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông, sau “ca” cây súp lơ xanh thì dự án mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao mà ông dày công nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong thực tế được cho là những thành công nhưng lại cũng khiến ông phải ngậm ngùi và cay đắng nhất!

Công nghệ Trồng rau sạch không đất đã được PGS.TS Hồ Hữu An dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu nhằm mang lại nguồn ra an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình sản xuất rau an toàn không cần dùng đất này có rất nhiều ưu điểm so với mô hình sản xuất rau truyền thống như: Rau được trồng theo công nghệ này không bị nhiễm các kim loại nặng, hóa chất độc hại, vi sinh vật độc hại vốn có trong đất và phân hóa học như khi trồng rau bằng đất, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sinh trưởng của cây rau được rút ngắn trong khi năng suất lại cao hơn.

Mô hình được triển khai đưa vào sản xuất bắt đầu năm 2003, phát triển từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Bộ KH&CN đầu tư với công nghệ hiện đại theo mô hình trồng rau an toàn của Mỹ. Tuy nhiên, dù đã gần chục năm trôi qua, đến nay dự án này vẫn đang bị… "đắp chiếu"!

Mô hình công nghệ trồng rau an toàn của PGS.TS Hồ Hữu An được đánh giá là khả thi và đưa lại lợi ích cao nhưng nhiều năm vẫn bị... đắp chiếu!
 
Nói về dự án trồng rau an toàn, PGS.TS Hồ Hữu An tâm sự: “Thường thì các dự án chỉ “đắp chiếu” khi không khả thi hoặc thiếu vốn. Đằng này dự án hoàn toàn mang tính khả thi, được đánh giá mang lại lợi ích to lớn, được cấp phép, nguồn vốn cũng có nhưng vẫn không thực hiện được. Phía các Bộ có liên quan như Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp vẫn lặng im, không có hồi âm gì”.

Để có thể áp dụng mô hình trồng rau sạch vào Việt Nam, PGS.TS Hồ Hữu An đã phải tự bỏ tiền túi ra để mua các máy móc thiết bị công nghệ hiện đại từ Mỹ về. Cũng chính ông tự bỏ kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu, và cũng từ đây, mô hình trồng rau sạch công nghệ cao mới được hình thành.

“Năm 2003, công trình nghiên cứu của tôi đã vinh dự được chọn là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước với số kinh phí đầu tư ban đầu là khoảng 2 tỉ đồng. Từ đó đến nay, tại các hội chợ giới thiệu và chuyển giao công nghệ (Techmart), tôi đã ký được nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ cho đơn vị và cá nhân với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong Hội chợ Thiết bị công nghệ Việt Nam Techmart ASEAN + 3 (9/2009), công nghệ trồng rau sạch không cần dùng đất đã ký kết được với đối tác thông qua các “bản ghi nhớ” lên đến 74 tỷ đồng”, PGS.TS Hồ Hữu An cho biết.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hồ Hữu An, sau khi các hợp đồng và bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ được ký kết xong thì dự án cũng lâm vào tình trạng dậm chân tại chỗ.

“Phía đơn vị chủ đầu tư dự án trực tiếp là Bộ KH&CN và phía đơn vị liên quan đến việc ứng dụng triển khai là Bộ Nông nghiệp không hề có phản hồi gì. Tôi đã gửi đề xuất và kiến nghị khá nhiều lần, thậm chí còn viết cả tâm thư, nhưng tất cả đều im lặng”, PGS.TS Hồ Hữu An bày tỏ sự thất vọng.

Khi nói đến đây, ông không giấu được xúc động: “Bây giờ nếu tôi có chẳng may có chết đi thì cũng chẳng có gì phải ân hận. Nhưng cứ nghĩ đến dự án trồng rau sạch vẫn còn dang dở thì tôi không thể an lòng. Một dự án có ích cho như thế mà không thực hiện được là có lỗi với người nông dân. Các nhà khoa học chỉ có thể làm công việc tìm tòi nghiên cứu và phát hiện ra, còn việc quản lý và triển khai phải là của cơ quan chức năng nhà nước, nhà khoa học đâu có thể “vừa xay lúa vừa bế em”. Không thể đổ gánh nặng quản lý lên vai các nhà khoa học được”.

Hoàng Sơn
 
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)