TS Nguyễn Quân: Làm khoa học cũng lắm cay đắng!

Google News

(Kiến Thức) - "Xin đừng trách, đừng chửi nhà khoa học. Làm khoa học nhiều khi cũng cay đắng lắm...", TS Nguyễn Quân chia sẻ.

"Xin đừng trách, đừng chửi nhà khoa học. Làm khoa học nhiều khi cũng cay đắng lắm. Biết làm thế nào là tốt nhưng vì khó, vì cơ chế, vì đủ thứ khác mà không thể làm được", TS Nguyễn Quân chia sẻ.
Đầu tư ít, đòi hỏi cao
Thời gian gần đây, nhiều người phàn nàn về việc nền KH&CN kém phát triển. Đến làm cái ốc vít cho Samsung không làm nổi, chẳng có sản phẩm khoa học nào tầm cỡ, ông có chia sẻ gì?
Đầu tư cho KH&CN ở Việt Nam thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước, trong khi đó ngân sách Nhà nước rất khó khăn. Trong 2% chi cho KH&CN thì chỉ có 10% dành chi hoạt động nghiên cứu, còn lại 90% là chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, duy trì bộ máy. Nghĩa là chỉ có khoảng 2 phần nghìn tổng chi ngân sách dành cho các nhà khoa học nghiên cứu, trong khi chúng ta lại luôn đòi hỏi rất cao. Rằng chúng ta là một nước lớn trong khu vực, có đội ngũ các nhà khoa học rất đông đảo, tại sao chúng ta lại có ít sáng chế, ít công bố quốc tế so với các nước láng giềng?  
Nhưng rõ ràng chúng ta chưa có sản phẩm khoa học có tầm cỡ?
Chúng ta không có những sản phẩm KH&CN tương xứng với tiềm năng và đội ngũ. Đó là một điểm bất cập và hy vọng KH&CN sẽ dần được coi là một lĩnh vực quan trọng để đầu tư. Riêng tiền dành cho đầu tư nghiên cứu của Tập đoàn Samsung đã cao hơn nhiều so với toàn bộ ngân sách chi cho KH&CN ở Việt Nam, khoảng hơn 1 tỷ USD. Hàn Quốc đầu tư phát triển KH&CN cho khối doanh nghiệp nhiều gấp 10 lần với đầu tư của khối nhà nước, tổng đầu tư này chiếm khoảng 4,5% GDP quốc gia trong khi chúng ta đang phấn đấu đạt 1,5% GDP quốc gia. Nói thế để thấy chúng ta nghèo như thế nào trong lĩnh vực KHCN.
Một trong những bất cập hiện nay là sản phẩm nghiên cứu ra không đi được vào thị trường, Bộ KH&CN làm gì để khắc phục tình trạng này?
Nghị định đã có nhưng còn vướng mắc chính là do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật không đồng bộ. Gần đây, Bộ KH&CN đã có những tác động mạnh để đưa những cơ chế về tự chủ, tự chịu trách nhiệm vào cuộc sống. Bộ cũng đã xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho sản phẩm của Việt Nam cũng như hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, cốt lõi là đưa tiến bộ KH&CN vào doanh nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính cạnh tranh.
Có người nói nói đội ngũ giáo sư tiến sĩ đông nhất Đông Nam Á nhưng công bố quốc tế, sáng chế ở Việt Nam quá ít?
Bên cạnh sự đầu tư khiêm tốn của Nhà nước, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ đông về số lượng nhưng chưa cao về chất lượng thì một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta chưa tạo được môi trường thực sự hấp dẫn đối với người làm khoa học. Họ phải có phòng thí nghiệm đầy đủ, có đồng nghiệp giỏi, tự do sáng tạo, làm việc xã hội cần... Nhưng chúng ta chưa làm được điều này.
TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. 
Không thể tái cơ cấu bằng con người cũ
Năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trong khu vực khiến không ít người cảm thấy buồn. Có ý kiến cho rằng, chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng rất kém. Là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu mà hiện nay, đa phần các giống lúa lai đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ý kiến của ông thế nào?
Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường thì mọi thứ phải bị quy luật thị trường chi phối. Chúng ta làm ra sản phẩm, cho  dù ta có tự khen mình tốt đến mấy thì thị trường vẫn là người quyết định sản phẩm đó sống hay không. Đã từng có lúc bia Vạn Lực của Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, lúc đó bia Hà Nội, bia 333 vừa đắt vừa không cạnh tranh được. Nhưng bây giờ thì chắc không thể tìm ra bia Vạn Lực trên thị trường Việt Nam. 
Tại sao chúng ta sử dụng phổ biến giống lúa lai Trung Quốc trong khi đó các nhà khoa học Việt Nam tạo ra hàng trăm giống lúa còn tốt hơn? Các giống lúa lai của Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với giống lúa lai Trung Quốc do giống lúa Trung Quốc rất rẻ. Giá trị gia tăng của sản phẩm gạo rất thấp, thậm chí là âm. Vì thế, người nông dân không có phương án lựa chọn nào tốt hơn là chọn giống lúa lai giá rẻ hơn, có hệ thống dịch vụ tốt hơn.
Vậy tình trạng này sẽ diễn ra trong bao lâu nữa?
Việt Nam trở thành nước công nghiệp thì có lẽ sẽ khắc phục được tình trạng này. Còn ở góc độ trách nhiệm của Bộ KH&CN thì sẽ phải đổi mới, cả hệ thống cùng đổi mới về tư duy đổi mới, áp dụng công nghệ thị trường một cách đồng bộ. Chúng ta sống quá lâu trong thời kỳ bao cấp rồi nên một vài đổi mới chưa giải quyết được căn nguyên. Khi đã thực hiện được đồng bộ thì sẽ giải quyết được tình trạng này.
Dự án thành lập Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là V-KIST) mới đây được dư luận khá quan tâm với những chính sách ưu đãi như lương viện trưởng 120 triệu đồng, người thân của nhà khoa học được hưởng trợ cấp... Khả năng hiện thực hóa dự án đó như thế nào?
Hiện nay, chính sách đãi ngộ với nhà khoa học còn rất hạn chế. Tất cả những người làm công ăn lương như giáo viên, bác sỹ, thanh tra, kiểm toán, kiểm lâm, tòa án... đều có phụ cấp như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên... riêng các nhà khoa học thì chưa có. Trong khi đó, ở Viện Kist của Hàn Quốc, họ có môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học, không thanh tra kiểm toán quá nhiều, không bị hạn chế bởi các quy định, có phòng thí nghiệm tốt, có thư viện, có tiền lương hấp dẫn để thu hút được những người giỏi nhất... 
Áp dụng bài học ấy vào Việt Nam như thế nào thưa ông?
Tôi nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta không thể tái cơ cấu nền kinh tế bằng con người cũ. Hệ thống các viện nghiên cứu của chúng ta được thành lập từ nhiều năm nay nhưng tư duy quản lý đang rất cũ, không tiếp cận với nền kinh tế thị trường. Chúng tôi xây dựng một viện KH&CN theo mô hình Kist, nhưng có những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Tới đây thì Thủ tướng Chính phủ sẽ thông qua cơ chế đặc biệt cho Vkist.
Nhiều nhà khoa học cũng băn khoăn, viện này làm sao thu hút được người giỏi, Việt Nam có người giỏi không...?
Tôi nghĩ chắc chắn chúng ta có người giỏi. Nếu có một môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định, đảm bảo đủ cuộc sống, có một viện nghiên cứu với trang thiết bị tốt, thư viện tốt, tự chủ cao, muốn đi dự hội nghị quốc tế không phải xin phép ông bộ trưởng, muốn mua tài liệu khoa học không phải xin tiền ông thủ trưởng, muốn mời giáo sư nước ngoài đến thuyết trình không phải xin phép ông nào cả... thì mới hấp dẫn người làm khoa học. 
Ông thấy bức tranh KH&CN Việt Nam có tươi sáng không?
Dù còn nhiều khó khăn thì tôi phải nói rằng bức tranh về KH&CN không quá xám xịt như nhiều người nghĩ đâu. Nó có những điểm sáng và có những thành tựu nhất định. So với kinh tế và môi trường đầu tư, thu nhập mà thứ hạng KH&CN đứng thứ 71/143 thì không phải là thấp. 
Xin cảm ơn ông!
Ta đang sửa luật khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nghĩa là giúp các nhà khoa học không bị lệ thuộc quá nhiều vào trình tự thủ tục, hóa đơn chứng từ đá qua đá lại. Nhà nước thẩm định kỹ đầu vào, khi đã thông qua kinh phí là khoán cho nhà khoa học. Nhà khoa học chỉ cần bàn giao cho Nhà nước sản phẩm cuối cùng đúng với hợp đồng, đúng với thuyết minh của nhà khoa học là hợp lý. Mọi hóa đơn chứng từ không còn có ý nghĩa nữa. Còn hiện nay chúng ta biết các nhà khoa học phải "nói dối" nhưng vẫn mặc nhiên chấp nhận và thanh quyết toán cho họ. 
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)