Chè loạn giống, chất lượng khó đảm bảo

Google News

(Kiến Thức) - Ba, bốn, thậm chí là năm giống chè trên một cánh đồng, thực trạng "loạn" giống kiểu này đã khiến cho chè Việt không đồng nhất, chất lượng kém.

Che loan giong, chat luong kho dam bao
 Ảnh minh họa.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Khoa học & Công nghệ Chè Việt Nam cho hay: Chất lượng của chè phụ thuộc vào nguyên liệu chè và khâu chế biến. Riêng về khâu nguyên liệu, phải nói ngay rằng, Việt Nam hiện nay đã có những giống chè năng suất cao, chất lượng tốt (chất hòa tan, tanin, protein, vitamin... có trong chè đều có chất lượng cao). 
Tuy nhiên, có một thực tế là trong nhiều năm qua, ở nước ta, việc trồng chè thiếu quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng loạn giống, người dân thích giống gì thì trồng giống đấy, thậm chí là trồng giống chè gì cũng không biết. Trong một vùng nguyên liệu, thậm chí là trên một quả đồi trồng chè nhưng "hỗn độn" từ giống chè Trung du, chè PH1, chè Shan thường; Shan tuyết; chè LT1, LT2... Việc nguyên liệu bị "tạp" khiến chất lượng chè không đồng nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, để thay đổi, phải quy hoạch lại vùng chè, trong đó phải quản lý được nguồn gốc giống chè và lựa chọn giống có chất lượng cao đưa vào vùng nguyên liệu. Ví dụ, hiện nay nhiều giống chè ở đất trung du đã bắt đầu già cỗi, vì thế, với những diện tích chè đã cũ, già và xuống cấp cần phải có kế hoạch đưa các giống chè mới có chất lượng cao vào thay thế. Để làm được điều này cần có phương án hỗ trợ cho nông dân như hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón...
Ngoài ra, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, cùng với khâu cải tạo giống, cũng cần "chấn chỉnh" khâu thu mua và chế biến chè. Thời gian qua, chúng ta đã để xảy ra hiện tượng cấp phép ồ ạt cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè, trong khi công nghệ lạc hậu và đặc biệt là không đảm bảo vùng nguyên liệu bền vững. Điều này dẫn đến tình trạng tranh mua, tận thu khiến năng suất và chất lượng chè giảm mạnh, làm cho chè xuất khẩu bị giảm giá trị, giá bán thấp và khó cạnh tranh (không những khó xâm nhập được vào những thị trường tiềm năng mà còn có nguy cơ mất cả các thị trường truyền thống do chất lượng chè thấp, không ổn định, thiếu đồng đều...). 
Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, phải phát triển ngành chè theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp phải phát triển vùng nguyên liệu chè trước khi xây dựng nhà máy chế biến; công suất chế biến phải cân đối với nguồn nguyên liệu, cùng với đó là đổi mới công nghệ. Có như thế, chè Việt mới không bị mất giá trị.
M.Châu

Bình luận(0)