Dư luận trong và ngoài nước đang đặc biệt quan tâm đến tình hình Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam và những diễn biến tiếp theo. Vì thế, chuyên mục Cafe đầu tuần của Kiến Thức bắt đầu bằng cuộc đối thoại với thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.
- Thưa Thiếu tướng, ông nhìn nhận như thế nào về những gì đang diễn ra ở biển Đông khi mà Trung Quốc ngang ngược gây hấn?
- Tình hình biển Đông đang leo thang căng thẳng hơn so với những ngày vừa qua. Tới hôm qua (18/5), Trung Quốc tập trung gia tăng lực lượng lên con số 134 tàu, trong đó có tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám, tàu phục vụ, tàu kéo, tàu cá vỏ sắt cùng các máy bay tuần thám để bảo vệ giàn khoan và liên tiếp gây hấn với lực lượng chấp pháp của ta khi cho tàu chủ động đâm, phun vòi rồng...
Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn tỉnh táo, tuân thủ đúng chỉ đạo về chiến thuật để đối phó. Chúng ta đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
|
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. |
- Ông có thể phân tích rõ hơn nhận định: Việt Nam đủ sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo?
- Điều này tôi chắc chắn khẳng định. Thời gian qua, Việt Nam đã bổ sung các phương tiện, trang bị chiến đấu rất mạnh, đặc biệt là những đầu tư nhằm nâng cao sức chiến đấu cho hải quân, không quân. Hiện nay, chúng ta đang đầu tư khá mạnh vào những khu vực phòng thủ dọc tuyến biển đảo. Với những phương tiện hiện đại ấy, với sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam hoàn toàn đủ sức đánh bại bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc.
Dù lực lượng tàu ngầm của Việt Nam chưa nhiều, nhưng những tàu ngầm Kilo vẫn đủ sức phòng thủ dọc tuyến biển đảo Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn có những tàu chiến được trang bị rất hiện đại. Có thể nói, chúng ta đang làm chủ một lực lượng máy bay Su 30 MK2 - loại máy bay có thể đối chọi ngang ngửa với những loại máy bay hiện đại nhất hiện nay.
Hải quân Việt Nam đã và đang có những hành động cụ thể, biểu hiện ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là lực lượng thủy quân đánh bộ, đặc công nước hay những tàu chiến như tàu pháo, tàu tên lửa. Không quân hải quân và không quân trực chiến 24/24 và đã có những tàu chiến đang giữ những khoảng cách nhất định đối với giàn khoan của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam. Thời điểm hiện tại, Việt Nam luôn đề cao giữ hòa khí và tinh thần hòa bình.
|
Thiếu tướng Lê Mã Lương. |
- Ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Washington D.C, Mỹ có nói: “Tôi đánh giá cao phản ứng của Việt Nam, chưa rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Việt Nam mới chỉ đưa tàu thuộc lực lượng cảnh sát biển ra. Nếu Việt Nam đưa tàu quân sự ra, Trung Quốc sẽ chỉ cho thế giới thấy kìa, Việt Nam đang khiêu khích, đang quân sự hóa khu vực tranh chấp và sẽ lợi dụng sai lầm đó. Tôi cho rằng, tới nay, phản ứng của Việt Nam là chuẩn xác". Thiếu tướng có thể lý giải rõ hơn điều này?
- Việc này nằm đúng trong tính toán của chúng ta từ trước. Để Trung Quốc rút giàn khoan khỏi biển Đông không đơn giản. Trung Quốc coi mình là nước lớn nên có tính sĩ diện. Việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép lên lực lượng chấp pháp của ta, cốt để thử thách lòng kiên trì, khả năng chịu đựng của người Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng chịu đựng và nhẫn nại của người Việt Nam hơn người Trung Quốc rất nhiều lần. Bằng chứng là chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Ngay cả trong cuộc chiến chống Mỹ, dù Mỹ mạnh nhưng chúng ta vẫn chiến thắng khiến cả thế giới thán phục. Hiện giờ, chúng ta vẫn luôn tỉnh táo để phát hiện những đòn mới của Trung Quốc.
- Trước tình hình căng thẳng như hiện nay, liệu Trung Quốc có gây ra một cuộc chiến tranh với Việt Nam?
- Tôi cho rằng, vào thời điểm này, Trung Quốc không thể gây ra một cuộc chiến tranh với Việt Nam. Nếu để xảy ra chiến tranh, rất bất lợi cho tình hình của Trung Quốc hiện nay.
|
Người dân xuống đường tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
- Hiện nay, ngoài tiềm lực quân sự đủ để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng ta còn có thêm những sức mạnh nào khiến Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan về nước?
- Thời điểm này, Đảng và Nhà nước đang có được tinh thần đoàn kết cao của toàn dân. Hơn nữa, chúng ta còn được sự ủng hộ của các nước khác. Ngày trước Việt Nam một mình chống chọi với đế quốc xâm lược thì nay có Mỹ, Nhật và các nước ASEAN lên tiếng về hành động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam.
Hơn nữa chúng ta còn có sức mạnh từ lòng dân. Lần đầu tiên Việt Nam rầm rộ tuần hành ôn hòa ở nhiều tỉnh thành và trên thế giới. Tuy nhiên, để phát huy sức mạnh ấy, tôi cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đứng ra làm lực lượng tổ chức nhân dân, chúng ta biểu tình một cách ôn hòa trong khuôn khổ của luật pháp. Để có một Việt Nam thống nhất và hùng mạnh như ngày nay, các thế hệ người Việt đã phải trả giá rất đắt. Vì thế, hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang gánh trọng trách với lịch sử: giữ vững đất nước, chủ quyền, biên giới, biển đảo.
- Việt Nam sẽ phải làm gì trong thời gian tiếp theo?
- Trong thời điểm này, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc chiến đấu mới bằng sức mạnh tổng hợp, tinh thần độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc. Ngoài ra, phải làm cho nhân dân hiểu rõ bản chất, tính phi nghĩa của kẻ thù xâm lược và cần phải làm gì trước một cuộc xâm lăng để bảo vệ trọn vẹn biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của chúng ta.
Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Mã Lương trong cuộc đối thoại này!