“Sống liêm chính” có khó?

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề "liêm chính" không phải mới, vậy mà nó lại trở thành thời sự nóng trong xã hội ta hiện nay và việc thực hiện lại không dễ. 

 
Vừa qua, Tổ chức Hướng tới Minh bạch Việt Nam (TT) kết hợp với Học viện Thương hiệu và Truyền thông Sage (Hà Nội) công bố cuộc thi truyền thông Intergity Me - Sống liêm chính, dành cho thanh niên độ tuổi từ 18 - 28, nhằm khuyến khích thế hệ trẻ, sống liêm chính, trung thực và trách nhiệm, bằng những hành vi cá nhân cụ thể, thông qua sản phẩm truyền thông. 
Tham gia hội đồng ban giám khảo, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đặt vấn đề: Liệu có quá khó liêm chính trong xã hội hiện đại? Bà cho rằng, vấn đề "liêm chính" không phải mới, vậy mà nó lại trở thành thời sự nóng trong xã hội ta hiện nay và việc thực hiện lại không dễ. Tại sao? Bởi nguy cơ "tham nhũng cường độ thấp" trở thành lối sống quen thuộc, bị tầm thường hóa, "bệnh" khó cưỡng lại, xã hội chấp nhận nó như "dầu bôi trơn động cơ máy". 
"Hằng ngày, những thông tin diễn ra trên các kênh truyền thông từ gian lận trong thi cử, bằng cấp, cầu thủ bóng đá bán độ... khiến ai cũng cảm nhận những giá trị liêm chính, trung thực và trách nhiệm không còn ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, không phải là hết thuốc chữa, mỗi cá nhân ý thức hai chữ "liêm chính" thì không gì là không thể. Khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi từng phân tích mình có thể lên án một số công chức, cán bộ tiêu cực, nhưng bản thân mình đừng tạo điều kiện cho họ tiêu cực. Tránh sự dễ dãi. Tránh hành vi nuôi dưỡng tham ô, tham nhũng cường độ thấp thì không thể thành thói quen", bà Ninh cho hay.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức TT, hầu hết thanh niên cho rằng, tính liêm chính, trung thực và tuân thủ pháp luật quan trọng hơn tài sản và thành công có được bằng những cách thiếu đạo đức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể như khi tiếp cận dịch vụ y tế, giải quyết thủ tục hành chính, mong muốn đạt điểm cao hoặc thi đỗ đại học... thì việc giữ vững các nguyên tắc đạo đức trở nên khó khăn. Trước một cánh cửa khó, nhiều người sẽ nghĩ đến giải pháp đi cửa sau, văn hóa phong bì. Những quyết định thiếu liêm chính có thể mang lại lợi ích trước mắt nhanh chóng, nhưng về lâu dài, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và cộng đồng.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng cho rằng, cuộc thi về "Sống liêm chính" rất cần thiết và ý nghĩa khi sự xói mòn về các giá trị sống, tiêu cực trong xã hội hiện chưa thuyên giảm. Nên hướng đến đối tượng thanh niên, vì họ là chìa khóa của vấn đề. Đầu tư xây dựng nhận thức ở thanh niên là đầu tư cho tương lai, họ sẽ trở thành những cán bộ, công nhân viên, nhà khoa học, công chức có tư cách đạo đức, năng lực và có thể tự hào là người Việt Nam. 
Quỳnh Hương

Bình luận(1)

Minh Hiền

tran duc

Thời nay, sống Liêm Chính rất khó ! Đơn giản là vì những cái mà thế giới cho là lạ thì đã trở thành bình thường ở VN, như là "văn hóa phong bì"... Khi mà những người dù có nhân cách nhưng cũng quen với tình trạng tham nhũng thì giữ mìn Liêm Chính không phải dễ, đôi khi trở thành lập dị giữa XH ngày nay. Chỉ khi nào XH (mà bắt đầu từ những vị lãnh đạo cao cấp) ghê tởm những thói hư tật xấu như bệnh HIV-AID, quyết liệt chống nó thì may ra người Liêm Chính mới có đất sống !