Dân thiệt, Nhà nước thất thu nếu tăng giá điện

Google News

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải: "Việc tăng giá điện kéo theo hàng loạt sự tăng giá nếu Nhà nước điều chỉnh không tốt".

- Từ 1/7, giá điện tăng bình quân khoảng 5%. Trò chuyện về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Ông EVN đang nắm độc quyền cung ứng điện và khoảng 50% thị phần sản xuất. Thử hỏi, với con số đó, ngành điện tìm đâu được sự cạnh tranh minh bạch, hợp lý để giảm giá".

Sao anh lại ủng hộ việc tăng giá điện?

Từ ngày 1/7, giá điện bình quân tăng từ 1.304đ/kWh lên 1.369đ/kWh (tăng 65đ/kWh, khoảng 5%). Đối với giá điện sinh hoạt bậc thang tăng từ 42 - 132đ/kWh tùy mỗi bậc thang, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 993đ/kWh. Giá bán lẻ điện cho sản xuất (cấp điện áp dưới 6 - 110kV trở lên) tăng thấp nhất 35đ/kWh, tăng cao nhất 121đ/kWh tùy theo cấp điện áp và tùy giờ cao điểm hay thấp điểm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện phải tăng là do giá các loại than cho sản xuất điện và các chi phí đầu vào khác đều tăng. Với việc tăng giá bán điện 5%, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.
Ông đã từng "tiên đoán" trong một lần cách đây một năm, rằng giá điện sẽ tăng và đến nay nó đã thành hiện thực?

Tôi không tiên đoán. Đó là quy luật chung ở hầu hết các nền kinh tế thế giới, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm. Tôi khẳng định giá điện vẫn còn tăng nữa. Sau lần phát biểu đó, vợ tôi đã giận dỗi: Sao anh lại ủng hộ việc tăng giá điện?

Còn bây giờ, khi giá điện đã tăng, vợ ông ứng xử thế nào?

Có lẽ quen rồi nên tôi chỉ nghe một câu: Lại tăng giá điện! Phải học cách tiết kiệm điện và chấp nhận.

Theo ông, khi giá điện tăng có dẫn đến nguy cơ lạm phát?

Tôi không phải là chuyên gia kinh tế, nhưng tôi e ngại việc tăng giá điện kéo theo hàng loạt sự tăng giá nếu Nhà nước điều chỉnh không tốt.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Các doanh nghiệp sản xuất có liên quan đến điện nhiều sẽ lợi dụng để "tát nước theo mưa" như hồi tăng giá xăng. Khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp ô tô đua nhau tăng giá. Nhưng nay giá xăng xuống, họ vẫn để nguyên giá. Tôi nghĩ, đó là do quản lý Nhà nước không kiểm soát triệt để.

Lương cô nhân viên cao hơn lương giáo sư

Theo ông, thời điểm này thả nổi giá điện có hợp lý?

Giá điện cũng như giá xăng, muốn giảm giá, các đầu mối xăng dầu chủ yếu chờ ý kiến ông Petrolimex, vì đơn vị này chiếm thị phần chính. Còn với điện, ông EVN đang nắm độc quyền cung ứng điện và khoảng 50% thị phần sản xuất. Phần còn lại là các đơn vị khác như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Than và Khoáng sản, một số công ty tư nhân. Thử hỏi, với con số đó, ngành điện tìm đâu được sự cạnh tranh minh bạch, hợp lý. Thả nổi nhưng phải tránh độc quyền.

Một số ngành sau khi được "thả nổi" đã có cuộc đua về giá cả và giảm giá rất nhiều như ngành viễn thông là ví dụ. Ngành điện vừa "thả nổi" đã tăng giá. Liệu có uẩn khúc gì bên trong không?

Cơ sở hạ tầng của ngành viễn thông không đòi hỏi như ngành điện. Viễn thông di động chỉ cần trạm phát sóng, không cần kéo dây ra đường. Nhưng đường điện thì không thể 3 - 4 doanh nghiệp cùng kéo một hay nhiều đường dây đến người tiêu dùng. Vì không thể bỏ cơ sở hạ tầng này nên vẫn còn độc quyền. Chính vì yếu tố này nên tôi đề xuất tách khâu sản xuất điện và kinh doanh mua bán điện ra hai "khối" độc lập, trong đó kinh doanh mua bán điện sẽ do "doanh nghiệp công". Làm được điều này mới mong có thị trường cạnh tranh bình đẳng và huy động được vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khác tham gia sản xuất điện đáp ứng nhu cầu xã hội.

Người dân lo lắng, tiền tăng giá điện lại được EVN dùng vào các mục đích bù lỗ các khoản kinh doanh trước đây hoặc để chi trả lương cao?

Ở một số nước như Mỹ, Singapore giá xăng tăng rất cao do Nhà nước đánh thuế vào giá đó. Thuế là nguồn thu của ngân sách Nhà nước, dân được hưởng gián tiếp từ tiền thuế. Không như Việt Nam, giá xăng tăng thì tiền đút vào túi doanh nghiệp. Với trường hợp của EVN, tôi tin chắc ngành điện sẽ lấy tiền tăng giá điện để bù vào các khoản thất thoát.

Nên hiện nay cần minh bạch đâu là tiền tổn thất do giá điện thấp, phí môi trường... cần hỗ trợ lại doanh nghiệp, còn tiền thất thoát do kinh doanh kém, lương thưởng cao phải tính riêng. Cần làm ngay từ những ngày đầu này và công khai để người dân an tâm.

Lương bình quân của ngành điện đang cao hơn nhiều so với lương bình quân của doanh nghiệp nhà nước. Có ý kiến cho rằng họ nên giảm quỹ lương để bù vào tiền tăng giá điện?

Bản thân việc lương cao không chỉ có ngành điện. Như cô nhân viên ngân hàng mới ra trường lương còn cao hơn lương giáo sư. Tiền kinh doanh ở ngân hàng phần lớn do Nhà nước cấp, tư cách pháp nhân của việc kinh doanh do Nhà nước tạo nên, sao vẫn tồn tại sự phi lý đó. Nhưng không thể có chuyện: Lương cô nhân viên thu tiền điện cao hơn nhiều lần cô nhân viên thu tiền nước. Lương là vấn đề nhạy cảm và được các bộ ngành chức năng tính toán và giám sát trong tương lai. Sai đâu Nhà nước phải sửa đó.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ai có quyền hưởng lợi từ việc tăng giá?

Trở lại câu chuyện ông cho rằng giá điện nước ta hiện nay đang thấp. Ông căn cứ vào đâu để nói điều đó?

Điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng sơ cấp khác nhau, như than, dầu, thủy năng... Hiện nay, giá thành đầu vào của điện là giá than do Tập đoàn Than và Khoáng sản bán cho EVN thấp hơn giá thị trường và xuất khẩu. Trong khi đó, mỗi kW giờ điện mất 0,5kg than. Rõ ràng, nếu giá than tăng khi bỏ ưu đãi, giá điện sẽ tiếp tục tăng.

Yếu tố khác làm cho giá điện phải tăng chính là hiện nay chúng ta chưa tính đầy đủ tổn thất môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy điện. Nhà nước đang hỗ trợ các dự án thủy điện trong vấn đề di dân, chi trả dịch vụ rừng còn rất nhỏ (khoảng 20đ/KWh). Tính sơ qua, mỗi dự án thủy điện tầm trung (công suất khoảng vài trăm MW) ra đời, chúng ta mất hàng nghìn hecta rừng. Nếu tính đủ các chi phí đó, giá điện phải tăng. Điều này sẽ diễn ra trong tương lai không xa.

Giá điện thấp thì dân được nhờ đấy thôi, thưa ông?

Giá điện thấp dân được nhờ rất ít, còn lợi ích quốc gia giảm từ đó dân cũng chịu phần thiệt thòi lớn hơn nhiều. Giá điện thấp, các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lợi dụng để sản xuất kiếm lời trên tiền điện.

Những tổn thất tài nguyên thiên nhiên, chênh lệch giá than... từ trước đến nay quốc gia phải chịu. Vì thế, nếu tăng giá điện thì quốc gia phải được chứ không phải EVN hay các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Nếu tiền tăng giá điện không mang lại lợi ích cho người dân và quốc gia thì dân thiệt, Nhà nước thất thu.

Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có những tỉnh EVN nợ tiền chi trả dịch vụ rừng thông qua tài nguyên nước tại các nhà máy thủy điện lên tới vài trăm tỷ đồng. Phí này được tính với giá ưu đãi, rất thấp là 20đ/KW.
Thu Hiền (Thực hiện)

Bình luận(0)