Hồ sơ Acecook Việt Nam xây nhà máy 200 triệu USD tại Vĩnh Long

Google News

Đây là nhà máy thứ 12 của Acecook được xây dựng tại Việt Nam, được xây dựng trên diện tích 11ha, bao gồm 2 hạng mục là xưởng sản xuất và văn phòng làm việc, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.

Theo thông tin truyền thông, Công ty CP Acecook Việt Nam mới đây vừa động thổ dự án xây dựng nhà máy Acecook Vĩnh Long mới tại Khu công nghiệp Hòa Phú thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Nhà máy mới này sẽ sản xuất các sản phẩm ăn liền như mì, miến, phở, bún, hủ tiếu với tổng quy mô 17 dây chuyền và dự kiến thu hút trên 3.000 lao động địa phương. Giai đoạn đầu đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung ứng 1,2 tỷ gói sản phẩm/năm với 9 dây chuyền. Cùng đó, nhà máy được lắp đặt pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, lò hơi cung cấp nhiệt cho nhà máy cũng được sử dụng nhiên liệu biomass.
Đây là nhà máy thứ 12 của Acecook được xây dựng tại Việt Nam, được xây dựng trên diện tích 11ha, gồm 2 hạng mục là xưởng sản xuất và văn phòng làm việc. Quy mô đầu tư 200 triệu USD.
Được biết, trước khi khởi công nhà máy mới tại Vĩnh Long, Acecook Việt Nam sở hữu 11 nhà máy trên toàn Việt Nam, với tổng sản lượng phục vụ mỗi năm cho người tiêu dùng hơn 3,4 tỷ sản phẩm, có hơn 6.000 lao động.
Chân dung “ông lớn” mì ăn liền
Trên trang website của Acecook Việt Nam (acecookvietnam.vn) giới thiệu, Công ty CP Acecook Việt Nam được thành lập vào ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Sau nhiều năm hoạt động, Acecook Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh trở thành công ty thực phẩm tổng hợp hàng đầu tại Việt Nam với vị trí vững chắc trên thị trường, chuyên cung cấp các sản phẩm ăn liền có chất lượng và dinh dưỡng cao.
Công ty này ban đầu là liên doanh Vifon - một doanh nghiệp Việt và Acecook - một doanh nghiệp Nhật Bản, với tỷ lệ góp vốn 40% và 60%. Vifon khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp.
Hai năm sau khi sản phẩm mì tôm Hảo Hảo ra mắt thị trường, Vifon đã thoái vốn. Vifon Acecook trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Năm 2004, Công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Đến năm 2008, Acecook Việt Nam chuyển thành dạng Công ty cổ phần.
Acecook được biết đến là ông lớn trên thị trường mì ăn liền Việt Nam, với sản phẩm “mì quốc dân” Hảo Hảo nổi tiếng. Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Acecook đã đưa gói mì Hảo Hảo đến hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2018, mì Hảo Hảo lập kỷ lục “sản phẩm mì gói có số lượng tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong 18 năm” với hơn 20 tỷ gói mì đến tay người tiêu dùng Việt (giai đoạn 2000 - 2018).
Ho so Acecook Viet Nam xay nha may 200 trieu USD tai Vinh Long
Hồ sơ Acecook Việt Nam xây nhà máy 200 triệu USD tại Vĩnh Long. Ảnh minh họa: Acecook Việt Nam. 
Ngoài Hảo Hảo, những năm gần đây, Acecook Việt Nam đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình, doanh nghiệp còn tung ra thị trường mì Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ, Doraemon, Hoành Thánh, Mikochi hay miến Phú Hương... phủ sóng các phân khúc từ mì gói, phở, hủ tiếu, bún tới miến, muối chấm, snack,… Những danh mục sản phẩm này đã giúp Acecook Việt Nam kiếm lợi khủng hàng năm.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần của Acecook Việt Nam tăng trưởng liên tục từ 8.413 tỷ đồng (năm 2016) lên 8.878 tỷ đồng (năm 2017) rồi 9.829 tỷ đồng (năm 2018) và cán mốc 10.648 tỷ đồng (2019).
Lợi nhuận cũng tăng với tốc độ bình quân khoảng 20%/năm, từ 920 tỷ đồng (năm 2016) lên 1.115 tỷ đồng (năm 2017), lên tiếp 1.383 tỷ đồng (năm 2018) sau đó đạt 1.660 tỷ đồng (năm 2019). Với quy mô này, nếu so sánh với những doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh (FCMG) với định giá P/E 15-17 lần, giá trị của Acecook có thể xấp xỉ 1 tỷ USD.
Đại diện Acecook Việt Nam chia sẻ với truyền thông rằng, tần suất sản xuất mỳ gói của đơn vị này vẫn luôn tăng mỗi ngày. Doanh thu tháng 3/2020 của Acecook tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng 10% so với tháng 2/2020. Đặc biệt, thời điểm giãn cách xã hội, Acecook đã tăng cường sản xuất với mức tăng khoảng 30% để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi ngày, doanh nghiệp này có thể sản xuất 400.000 - 450.000 thùng sản phẩm, tương đương 12 - 13 triệu gói mì.
“Lùm xùm” sản phẩm bị nước ngoài thu hồi
Thông tin trên báo chí, ngày 7/2/2022, Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết có văn bản tới Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương liên quan đến việc Liên minh Châu Âu thông tin về sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, ngày 24/1, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục nhận được từ hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (Rasff) của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm "De Nhat Beef Ball & Herb" tức "Đệ nhất mì gia" - hương vị bò viên rau thơm.
Cụ thể, quốc gia thông báo về thông tin sản phẩm là Cộng hòa liên bang Đức. Sản phẩm bị thông báo là mì ăn liền nhãn hiệu "Đệ nhất mì gia", hương vị bò viên rau thơm do Công ty CP Acecook Việt Nam, địa chỉ quận Phú Nhuận, TPHCM sản xuất. Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu cảnh báo sản phẩm có mối nguy là chứa 2-CE ở mức 1,6mg/kg. Theo quy định của Châu Âu, 2-CE chỉ được phép tồn dư dưới 0,05mg/kg.
Thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam, như vậy, sản phẩm “Đệ nhất mì gia” hương vị bò viên rau thơm của Acecook Việt Nam tại thị trường EU có chứa 2-CE vượt ngưỡng cho phép lên tới 32 lần. Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu Công ty CP Acecook Việt Nam báo cáo theo quy định.
Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Acecook Việt Nam bị cảnh báo. Trước đó, hồi đầu tháng 12/2021, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin cơ quan chức năng của Pháp có văn bản thu hồi một số lô sản phẩm mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam. Theo thông báo, mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Acecook Việt Nam có chứa 2-chloroetanol (2-CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.
Khoảng thời gian trên, đại diện Acecook Việt Nam xác nhận thông tin trên và cho biết doanh nghiệp chủ động thực hiện động thái trên sau khi bị cơ quan quản lý Châu Âu thu hồi các sản phẩm vì có chứa chất ethylene oxide hồi tháng 8. Đơn vị này đang cùng các đại lý phân phối tại Pháp thu hồi sản phẩm.
Trước đó ngày 9/8/2021, Liên minh Châu Âu đã cảnh báo đối với sản phẩm mì tôm chua cay nhãn hiệu "Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish" của Acecook Việt Nam.
Nội dung cảnh báo nêu rõ, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm nói trên của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tại các thị trường: Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Ireland, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Nguyên nhân là do sản phẩm chứa trái phép chất 2-chlorethanol berechnet als ethylenoxid, 2-chloroethanol calculated dưới dạng ethylene oxide.
Đến ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đưa ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền do có chứa chất ethylene oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g - hạn sử dụng tới ngày 24/9/2022) và miến Good hương vị sườn heo (loại 56g - hạn sử dụng tới ngày 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.
Thời điểm đó, Acecook đã đem sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Trung tâm phân tích Eurofins. Kết quả thử nghiệm cho thấy mì Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất ethylene oxide và có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol (2- CE) với hàm lượng 1,17 ppm.
Lý giải việc sản phẩm bị thu hồi tại EU, đại diện Acecook cho biết do có sự hiện diện của chất 2-CE. “Do quy định có tính đặc thù riêng của Liên Minh Châu Âu (EU) về cách tính hàm lượng của EO là giá trị gộp của cả EO và 2-CE, nên sự có mặt của chất 2-CE được EU nhận định là không phù hợp với quy định của họ”, đại diện Acecook lý giải.
Tháng 8/2021, Bộ Công Thương đã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ danh mục sản phẩm của Acecook Việt Nam và quy trình sản xuất sản phẩm đang phân phối trong nước của doanh nghiệp này. Kết quả cho thấy các sản phẩm bán trong nước của Acecook Việt Nam không có EO.
Trước nữa, năm 2020, sản phẩm phở ăn liền Peacock do Acecook Việt Nam sản xuất cũng bị thu hồi tại Hàn Quốc vì được cho là chứa chất Benzopyrene (một chất gây ung thư).
Liên Hà Thái (t/h)

>> xem thêm

Bình luận(0)