Triều Tiên thử hạt nhân có sức công phá như ở Hiroshima?

Google News

Khi Triều Tiên dọa tiến hành thử hạt nhân “cấp độ cao”, cả thế giới muốn biết công nghệ hạt nhân của Bình Nhưỡng tiến xa tới mức nào?

Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng.

Các quan chức và chuyên gia của Seoul nói rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử nghiệm dưới lòng đất, sử dụng uranium được làm giàu cao độ. Hai vụ thử năm 2006 và 2009 đã sử dụng loại nguyên liệu trên cơ sở plutonium.

Các chuyên gia này cho rằng vụ thử nghiệm tới đây của Triều Tiên có thể sẽ lớn hơn các vụ trước đó trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách chứng tỏ “khả năng răn đe hạt nhân” trước cộng đồng quốc tế và củng cố vị thế đàm phán.

"Do các vụ thử nghiệm trước đó của Triều Tiên không có ảnh hưởng chính trị lớn cùng với việc Mỹ luôn hạ thấp các vụ thử này, nên Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một vụ thử lớn nhất từ trước tới nay" - ông An Jin-soo, cố vấn cấp cao tại Học viện về Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc nói.

"Bình Nhưỡng có thể tiến hành các thử nghiệm khác nhau đồng thời như Ấn Độ và Pakistan từng làm. Nhưng cho dù là tiến hành một hay nhiều vụ thử đồng thời thì những sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế mà họ phải đối mặt cũng vẫn vậy" - ông An nói.
Các chuyên gia này nói thêm rằng Triều Tiên khó có thể tiến hành các vụ nổ hạt nhân khác nhau cùng một lúc trong những lần thử trước đó do kho dự trữ plutonium dùng cho vũ khí rất hạn chế.

Đáp trả lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với vụ phóng tên lửa hồi tháng 12, Bình Nhưỡng tuyên bố tăng cường tiềm lực hạt nhân và tên lửa. Một vụ thử hạt nhân lần thứ ba hoàn toàn có thể xảy ra.

"Với mức độ sẵn sàng cho một vụ thử nghiệm như hiện nay, chúng tôi nhận định rằng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thí nghiệm vào bất cứ lúc nào. Do đó, chúng ta có thể phát hiện ra các dấu hiệu của vụ thử hay không (vì có thể không có thay đổi gì lớn trong các hoạt động của khu vực này khi mà vụ thử diễn ra) - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói với các phóng viên.

Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc ngăn vụ nổ, các chuyên gia nói rằng vụ thử lần này có thể tập trung vào việc tăng cường sức công phá cũng như công nghệ để thu nhỏ và làm nhẹ các đầu đạn hạt nhân (sau đó lắp vào các tên lửa hoặc bom).

Một số chuyên gia còn nhận định rằng, trong vụ thử hạt nhân lần 3, Triều Tiên có thể sử dụng một thiết bị với sức nổ lên tới trên 15 kiloton, gần tương đương với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945. Mỗi một kiloton tương đương tới 1.000 tấn thuốc nổ TNT.

Trong vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, sức nổ chỉ đạt 1 kiloton. Do sức nổ yếu nên các chuyên gia đánh giá rằng vụ nổ đã thất bại. Tuy nhiên, lần thử thứ hai năm 2009, sức nổ ghi lại được là khoảng từ 2 kiloton tới 6 kiloton và được cho là “thành công một nửa”.

Còn về nguyên liệu, các chuyên gia dự đoán rằng Bình Nhưỡng có thể sử dụng uranium được làm giàu cấp độ cao hơn là plutonium.

"Vì Triều Tiên là quốc gia mà hành động của họ rất khó phán đoán, nên chúng tôi không thể dễ dàng đưa ra một kết luận" - ông An nói. "Nhưng khi tính đến việc Triều Tiên khó có thể sản xuất thêm plutonium và có thể có các cơ sở bí mật để làm giàu uranium, có thể lần thử tới đây họ sẽ sử dụng uranium làm giàu cấp độ cao (HEU)".

Khi các cuộc đàm phán về đa phương về viện trợ đổi lấy phi hạt nhân hóa tiến hành năm 2007-2008, Bình Nhưỡng đã ngưng  một phần trong các cơ sở sản xuất plutonium của mình. Các chuyên gia Seoul nói rằng kho hạt nhân của Triều Tiên có khoảng 40kg plutonium. Để sản xuất một quả bom nguyên tử cần tới khoảng 6kg plutonium.

Liên quan tới chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng họ có khoảng 2000 máy ly tâm có thể sản xuất khoảng 40 kg HEU mỗi năm. Để sản xuát một quả bom nguyên tử cần tới hơn 15kg HEU.

Để sản xuất các đầu đạn cho tên lửa tầm xa, việc thu nhỏ khối lượng đầu đạn vẫn là một nhiệm vụ then chốt cho Triều Tiên.
Kể từ năm 1980, Triều Tiên được cho là đã tiến hành hơn 100 vụ nổ thử nghiệm cũng như hai vụ thử hạt nhân nhằm tối ưu hóa công nghệ.

Để đưa số đầu đạn hạt nhân đó lên chiếc tên lửa Scud-B, Triều Tiên cần giảm trọng lượng của nó xuống còn 1000kg và đường kính xuống còn 90cm. Seoul tin rằng đầu đạn của Triều Tiên vẫn nặng khoảng 2-3 tấn.

Ví dụ như ở một số cường quốc hạt nhân, Mỹ đã phát triển đầu đạn hạt nhân nặng 110kg với sức nổ khoảng 150 kiloton. Đầu đạn của Nga nặng khoảng 225kg với sức nổ lên tới 200 kiloton. Đầu đạn của Trung Quốc nặng 600kg và sức nổ là 200 - 500 kiloton.

Các đầu đạn của Mỹ được lắp trên tên lửa hạt nhân tầm thấp trong khi các quốc gia khác lắp đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm.

Nhiều quốc gia nghi ngờ rằng để củng cố khả năng mang đầu đạn, Triều Tiên đã phát triển các tên lửa tầm xa dưới danh nghĩa phát triển công nghệ không gian. Vụ phóng tên lửa thành công của Bình Nhưỡng hồi tháng 12 cho thấy tên lửa của họ có thể bay một chặng đường dài 10.000km để tấn công vào đất liền Mỹ.

Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, Hàn Quốc và Mỹ sẽ thu thập thông tin về sức nổ của vụ thử bằng cách phân tích các đợt sóng địa chất, sóng âm và khí phóng xạ phát ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng rất khó để xác nhận trình độ công nghệ thu nhỏ đầu đạn trừ khi được nhìn thấy kích cỡ thật sự của vũ khí được thử nghiệm.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:



Theo VietnamNet

Bình luận(0)