Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Khi đồng tiền quay tít

Google News

"Ngân hàng có lời là đúng rồi. Đó là vấn đề của chính sách. Chính sách làm mất cân đối phát triển kinh tế"-Chuyên gia KT cao cấp Bùi Kiến Thành.

- Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm đầy khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn đạt siêu lợi nhuận. Trò chuyện với PV, chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng, đó là chuyện  đương nhiên bởi nó là lỗ hổng của chính sách.

Đi xin thành... tỷ phú

Theo ông thì những người làm ngân hàng thời kỳ khủng hoảng vừa qua họ  có giỏi không?

Tôi không đánh giá nhân sự. Tôi chỉ đánh giá chính sách. Tôi thấy việc chống lạm phát bằng cách đưa lãi suất lên cao và hạn chế  tín dụng tăng trưởng là sai sách. Đưa lãi suất lên cao đã dẫn tới hậu quả doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, tăng giá bán ra thị trường và tăng chỉ số giá tiêu dùng, vì thế lãi suất cao là phản tác dụng.

Nếu chính sách sai thì tại sao mấy năm qua nền kinh tế dù rất khó khăn, các doanh nghiệp điêu đứng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn lãi lớn?

Hơn 30% lượng tiền tệ không chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà chảy vào bất động sản. Trong khi đó, bất động sản của Việt Nam là anh đi xin dự án. Có thông tin rồi đến xem chỗ nào có đất tốt, anh xin vài chục ha đất ruộng, đền bù cho nông dân vài trăm ngàn. Được dự án đó là anh thành đại tỷ phú.

Tất nhiên là muốn được dự án thì không loại trừ anh phải phong bì  phong bao cho cấp này bao nhiêu, cấp kia bao nhiêu. Nhưng trong khi một lĩnh vực anh có thể lời đến vài nghìn phần trăm thì anh sẵn sàng trả lãi suất cao cho ngân hàng. Có ngân hàng cho vay đến 60 - 70% bất động sản. Cũng chính vì vậy mà có nhiều ngân hàng không cho vay sản xuất kinh doanh.

Như vậy thì ngân hàng có lời là đúng rồi. Đó là vấn đề của chính sách. Chính sách làm mất cân đối phát triển kinh tế.

Quản lý không tốt...

Theo ông, tại sao người ta lại  để việc đó xảy ra?

Trước đây, các ngân hàng đều tuân thủ quy định không được cho vay trên 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng bây giờ thì không ít ngân hàng làm ăn lách luật, đi đêm. Để xảy ra tình trạng này là vì nhà nước quản lý không nghiêm, gây ra sự hỗn loạn nguy hiểm.

Theo ông thì có người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này không?

Có chứ. Ai chịu trách nhiệm thì phải thường xuyên đi thanh tra kiểm tra chứ. Nếu thanh kiểm tra phát hiện sai phạm đến đâu thì  xử lý đến đó.

Vậy họ có không kiểm tra không hay có kiểm tra nhưng không phát hiện?

Cái đó thì anh phải hỏi những người quản lý ấy. Tại sao các ông ấy để tình hình lách luật, phạm luật như thế mà các ông không can thiệp. Phải chăng các ông ấy là lãnh đạo nhưng không có thực quyền? Cái ghế các ông ấy cũng chỉ có quyền lực đến mức nào đó thôi. Một đất nước là pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh thì loạn. Quan pháp bất vị thân.

Nhưng đâu phải tất cả các quan đều "vị thân" mà bỏ qua pháp luật?

Đúng là không phải không có người nghiêm. Nhưng nghiêm tới đâu và thực hiện cái nghiêm ấy thế nào thì vẫn phải xem lại.

Có thể vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng không nhiều người sẵn sàng "hy sinh" người thân vì đại cục!

Điều ấy không sai. Nhưng muốn đất nước phát triển đi lên thì cần phải có người sẵn sàng hy sinh thân thế của mình.

Thế giới có 2 phần. Một phần làm việc chính trực như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan. Phần còn lại hầu hết luôn bị tiêu cực đè nặng. 

Lấy anh lái taxi làm cơ trưởng lái máy bay

Quay trở lại vấn đề của nền kinh tế, ông đánh giá sao về việc có thời gian người ta đẩy ra thị trường một lượng tín dụng lớn để cứu các doanh nghiệp?

Đó là một lỗi lớn vì đã đẩy ra nền kinh tế một lượng tiền  lớn nhưng không được định hướng. Doanh nghiệp cầm tiền rồi muốn làm gì thì làm. Tôi cho rằng không việc gì phải lấy ngân sách nhà nước làm việc đó, muốn doanh nghiệp có lãi suất thấp thì đó là việc của ngân hàng trung ương để cho vay lãi suất thấp thay vì ngân sách trung ương phải bỏ ra 4% ngân sách.

Thế nhưng vì sao người ta lại làm vậy?

Sở dĩ có tư  duy đó phần lớn là các vị hoạch định chính sách chưa thực sự thông hiểu nguyên lý nền kinh tế thị trường và quán triệt vai trò  của Ngân hàng Trung ương.

Căn cứ vào đâu ông cho rằng "phần lớn các vị hoạch định chính sách chưa thực sự thông hiểu nguyên lý nền kinh tế thị trường"?

Tôi nghe họ phát biểu tôi thấy họ không hiểu.

Cũng có thể như vậy. Nhưng cũng có thể người ta cho rằng người đó là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm đó?

Chúng ta nhập về một chiếc máy bay chở mỗi chuyến hàng trăm hành khách. Thế nhưng chúng ta không có phi công. Vậy là chúng ta lấy một anh lái xe taxi làm cơ trưởng. Như vậy có hợp lý hay không?

Những việc ảnh hưởng cả  dân tộc thì không thể nói tôi bố trí  như vậy vì không có ai. Đó là điều không thể chấp nhận được. Trong trường hợp cần lái chiếc máy bay, nếu ta không có thì ta nên thuê cơ trưởng người nước ngoài.

bai so 6.zip
Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành

 

Như vậy, chắc hẳn các doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế đó sẽ  rất khó khăn?

Trước đổi mới, doanh nghiệp chỉ là con ghẻ. Sau đổi mới có khá hơn một tí nhưng các doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ như con ngoài giá thú. Ngay đến cả thời điểm này thì doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu tiên.

Doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 50% tỷ lệ tín dụng nhưng làm ăn không hiệu quả nên nó mới đẩy chỉ số  giá tiêu dùng. Anh phải đầu tư bao nhiêu tiền để tạo ra một đơn vị sản phẩm, nước ngoài thì 3 - 4 đơn vị, doanh nghiệp tư nhân khoảng 5 đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thì 7 - 8 đơn vị, còn các tập đoàn nhà nước phải là 14 đơn vị đầu tư mới ra sản phẩm.

Vì sao họ vẫn giữ?

Thì vẫn cái kiểu quản lý theo tư duy cũ, không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tức là trong định hướng chính sách đổi mới thì rõ ràng nhà nước không có trách nhiệm kinh doanh mà tạo điều kiện và môi trường cho nhân dân làm giàu.

Định hướng đó mình đã làm bao nhiêu phần trăm?

Cũng được dăm sáu chục phần trăm rồi. Từ chỗ ăn con gà xong phải  đi giấu lông đi không người ta phát hiện ra sẽ phạt  đến như hiện nay, phải nói là đã tiến triển rất nhiều.

Lãnh đạo thiếu sót thì nhân dân sẽ khắc phục

Ông thấy mức lương hiện nay có nói lên điều gì về sức khoẻ nền kinh tế không?

Lương tối thiểu của công chức nhà nước hiện nay chẳng thể sống nổi. Theo khung thì lương ông bộ trưởng hiện nay được khoảng bảy đến tám triệu đồng. Xin hỏi với mức lương đó ông ấy có sống được không? Chính khung lương không hợp lý mới xảy ra tình trạng hối lộ! Anh em cảnh sát giao thông lương chỉ có 1,5 triệu đồng thì làm sao họ sống được! Thế thì làm gì mà các anh ấy không tích cực "thổi còi".

Tức là chỉ cần nâng mức lương lên để đủ sống thì sẽ tránh được tiêu cực?

Ở rất nhiều nước, người dân là khách, công chức phục vụ cho nhân dân. Tức anh cảnh sát giao thông là dịch vụ, bộ trưởng cũng là dịch vụ. Cơ quan quản lý là cơ quan dịch vụ để đất nước có hệ thống hoạt động hiệu quả. Phải có tinh thần thế mới làm được. Không thể lấy lương bỏ túi rồi đối xử với dân như con đen là không được.

Ông có niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam những năm tới?

Tôi tin tưởng. Người dân Việt Nam rất tài giỏi, có bản lĩnh kinh khủng, đánh du kích giỏi. Mình có rất nhiều đội quân du kích. Theo tôi đạo quân du kích của mình làm tốt trong nền kinh tế thị trường. Tôi tin dù lãnh đạo có thiếu sót thì nhân dân vẫn vươn lên khắc phục thiếu sót của lãnh đạo. Chính vì vậy mà tôi rất tin tưởng sự phát triển của đất nước mình.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ những suy nghĩ của mình với độc giả.

Nguyên Thủy (thực hiện)

Bình luận(1)

Minh Hiền

khánh

chuyên gia là một con người giỏi , bố cháu muốn liên hệ với chuyên gia , thì làm cách nào a. ai biết giúp cháu, xin cảm ơn