Cành quả mang lại may mắn được bán sau Tết: Quả ủ rũ héo quắt vẫn hét tiền triệu, chủ quyết không giảm giá

Google News

Rất nhiều bình hồng nhìn xơ xác, thậm chí quả hồng đã héo úa nhưng vẫn được bán với giá 20.000 đồng/quả, có bình còn được phát giá tiền triệu.

Sau Tết Nguyên đán, ngoài hoa lê, hoa mận rừng, tại Hà Nội còn có một số điểm bán cành và quả hồng chín cắm bình để chơi trong dịp đầu Xuân. Thực tế, trào lưu cắm cành quả hồng không phải là mới, nó đã từng gây sốt vào dịp tháng 8 âm lịch năm ngoái. Tuy nhiên, những hồng cành có quả bán thời điểm này giá "chát" hơn nhiều so với hồi tháng 8. Theo quan niệm dân gian, quả hồng mang lại sự may mắn bởi hình dáng tròn trịa và những quả hồng lúc lỉu trên cành gợi đến sự sung túc.

Theo đó, với những cành hồng có quả chín vàng vào mùa thu rất dễ bắt gặp, vì thế giá cả cũng mềm hơn thời điểm sau Tết Nguyên đán rất nhiều. Cụ thể, thời điểm đó, một cành hồng chỉ có giá khoảng 120.000-150.000 đồng, quả sai lúc lỉu.

Những điểm bán hồng rất nổi bật với màu sắc đỏ rực một góc phố. 

Còn thời điểm hiện tại, chủ một điểm bán cành hồng không lá, quả chín mọng trên đường Lạc Long Quân cho biết họ không bán theo cành như đợt mùa thu, mà bán theo từng quả. Cụ thể, mỗi quả hồng khi vẫn còn trên cành, kể cả căng mọng hay đã có hiện tượng héo, tóp vỏ vẫn được bán với giá 20.000 đồng/quả. Như vậy, một cành hồng với khoảng 10 quả sẽ có giá là 200.000 đồng. Trong khi có những bình đã cắm sẵn số lượng khoảng 20-30 quả thì giá lên đến 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Anh Mạnh Quân (người bán hồng) cho biết giá trên mới chỉ là tính riêng số quả hồng, chưa tính các phụ kiện đi kèm. Cụ thể, với những bình gốm cắm hồng, nếu khách hàng có thiện chí muốn mua sẽ được bán với giá 400.000/bình, tùy mẫu mã.

Những bình hồng được cắm dày dặn, quả sum suê có giá tiền triệu/bình.

Ngoài ra, nếu mua cả bình cả quả hồng, người bán sẽ tính thêm phí công cắm, tính thêm các phụ kiện đi kèm là hoa lê trắng hoặc một số loại hoa trang trí khác. Chỉ vào bình hồng có quả sum suê nhất, anh Quân cho biết bình đó không có giá dưới 1,5 triệu đồng.

Theo lý giải, sở dĩ những bình hồng trên có giá cao như vậy bởi đây là hồng được chuyển từ vùng núi cao xuống, không phải giống hồng mùa thu. Quả hồng to và tròn hơn nhiều so với hồng thu hoạch vào mùa tháng 8. "Điều đặc biệt nhất là quả hồng màu rất đẹp, sặc sỡ khi trưng trong không gian phòng sẽ vô cùng bắt mắt. Theo quan niệm dân gian, quả hồng đỏ để trong nhà dịp đầu năm sẽ mang lại điều may mắn cho gia chủ”, người chủ bán hồng cho hay.

Những bình hồng có quả đã héo quắt, nhìn xơ xác, rụng chỉ còn núm nhưng vẫn không được chủ hạ giá. 

Theo quan sát của chúng tôi, những người bán hồng nói giá để bán chứ không mặc cả. Một số khách hàng khi chê đắt và mặc cả giá, chủ những bình hồng đều trả lời: “Nếu quả rụng thì bỏ, chứ không bán giảm giá”.

Theo những người bán hàng, loại quả này thường được các chủ vườn vận chuyển cùng đào rừng, lê rừng từ vùng Tây Bắc xuống Hà Nội để bán dịp sau Tết. Đa số là hàng "của nhà trồng được", nếu để trên bản quả chín không ai ăn nên họ tranh thủ mang theo xe để bán kiếm lời. Do không phải nhập nguồn đầu vào nên người bán không quan trọng việc có lời hay không.

Các chủ cơ sở bán hồng cho biết, ngoài quả hồng có giá 20.000/quả thì bình cắm hồng có giá thấp nhất 400.000 đồng. 

Khi khách hàng thắc mắc những quả hồng chín mọng, bắt mắt kia có ăn đươc hay không, chủ cửa hàng chia sẻ không nên sử dụng để ăn bởi để có được quả hồng đẹp chơi sau Tết, thường sẽ phải dùng chất bảo quản giúp hồng tươi lâu, ít bị rụng. Vì thế, loại quả này chỉ dùng để trưng, để ngắm chứ không nên ăn.

Chia sẻ về cách trưng cành hồng đẹp mắt, những người bán hồng cho rằng điều này phải tùy thuộc vào không gian phòng và chọn bình phù hợp với cành. Tốt nhất nên chọn những cành sai quả, quả đã chín hoặc ngả màu vàng, có ít lá bởi như vậy sẽ không phải tỉa nhiều.

THU HIỀN

Bình luận(0)