Yêu cầu Chùa Ba Vàng gỡ bỏ tất cả nội dung xá lợi tóc Đức Phật

Google News

GHPGVN yêu cầu chùa Ba Vàng gỡ bỏ ngay những giới thiệu về xá lợi tóc Đức Phật trên trang thông tin của chùa và các trang mạng xã hội, nhưng đến sáng 31/12, việc này chưa được thực hiện.

Liên quan chùa Ba Vàng trưng bày “Xá lợi tóc Đức Phật”, ngày 28/12, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn bản số 895 do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ký.
Văn bản nêu, nhiều ngày qua, báo chí và dư luận phản ánh thông tin chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) trưng bày và quảng bá xá lợi tóc Đức Phật có từ 2.600 năm trước, được cho là rước từ tu viện Parami, Myanmar về, gây xôn xao dư luận.
Yeu cau Chua Ba Vang go bo tat ca noi dung xa loi toc Duc Phat
Thông tin Xá lợi tóc Đức Phật trưng bày tại chùa Ba Vàng thu hút sự quan tâm từ dư luận.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng gửi gấp báo cáo giải trình về nguồn gốc xá lợi tóc Đức Phật và việc tổ chức sự kiện này.
Đồng thời, Giáo hội cũng yêu cầu chùa Ba Vàng và Đại đức trụ trì gỡ bỏ ngay những giới thiệu về xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng trên trang thông tin của chùa và của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, cũng như các trang mạng xã hội liên hệ đến sự việc trên.
Ngày 30/12, Chùa Ba Vàng đã có báo cáo gửi Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc trưng bày “Xá lợi tóc Đức Phật” như yêu cầu. Tuy nhiên, đến sáng 31/12, trên các trang Fanpage: Chùa Ba Vàng, website: chuabavang.com và trang facebook: Thầy Thích Trúc Thái Minh... các thông tin liên quan đến giới thiệu về xá lợi tóc Đức Phật vẫn chưa được gỡ bỏ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu.
Theo báo cáo của chùa Ba Vàng, vào tháng 12/2023, nhân chuyến tham quan các thánh tích Phật giáo tại đất nước Myanmar, đoàn chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đã đến chiêm bái Xá lợi tóc của Đức Phật tôn trí tại tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami.
Theo truyền thừa của tu viện Parami, đây là 1 trong 8 sợi tóc của Đức Phật để lại cho hai người Phật tử tại gia đầu tiên sau khi ngài đắc đạo, được truyền lại qua nhiều đời tăng sĩ và hiện đang tôn trí tại tu viện Parami và Bảo tàng xá lợi Phật quốc tế Parami.
Nội dung giải trình cũng nêu rõ, nơi đây còn lưu giữ hình ảnh nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cũng như trên thế giới đến chiêm bái Xá lợi tóc của Đức Phật.
"Với tâm nguyện tăng cường quan hệ Phật giáo quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đoàn chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đã trân trọng thỉnh mời Hòa Thượng U Wepulla - trụ trì tu viện Parami cùng các cao Tăng Phật giáo Myanmar tham dự Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh", báo cáo nêu.
Hòa thượng U Wepulla đã nhận lời và với lòng tôn kính Phật hoàng Trần Nhân Tông, với lòng yêu mến đất nước và con người Việt Nam, Hòa Thượng U Wepulla hứa sẽ cung rước xá lợi tóc của Đức Phật đến chùa Ba Vàng cho nhân dân, phật tử Việt Nam chiêm bái. Đây là lần đầu tiên, Xá lợi tóc của Đức Phật được cung rước ra nước ngoài.
Yeu cau Chua Ba Vang go bo tat ca noi dung xa loi toc Duc Phat-Hinh-2
Đến sáng 31/12, các thông tin này chưa được gỡ bỏ. 
Báo cáo cũng nêu rõ, lễ kỷ niệm ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông trong đó có việc cung rước và chiêm bái xá lợi Phật đã được chùa Ba Vàng thông báo bổ sung với UBND thành phố Uông Bí và các cơ quan hữu quan tại Văn bản số 83/TB-CBV ngày 18/12.
Đại lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh đã diễn ra long trọng, trang nghiêm tại chùa Ba Vàng vào ngày 22 và 23/12. Đến tối 27/12, kết thúc chuyến tham quan Việt Nam, đoàn chư Tăng Myanmar đã cung rước xá lợi tóc của Đức Phật trở lại tu viện Parami.
Đáng chú ý theo chùa Ba Vàng, trong và sau thời gian diễn ra sự kiện nói trên, có những thông tin trái chiều cho rằng, “Xá lợi tóc của Đức Phật” do chư Tăng Myanmar cung rước đến chùa Ba Vàng là Xá lợi giả được làm từ cỏ Pili rao bán công khai trên mạng xã hội, hoặc chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm Xá lợi giả để lừa đảo Nhân dân, Phật tử.
Trước những thông tin trên, chùa Ba Vàng khẳng định, “Xá lợi của Đức Phật là biểu tượng tôn giáo cao quý và thiêng liêng của đạo Phật. Việc tôn kính Xá lợi của Đức Phật là lễ nghi và niềm tin tôn giáo của đạo Phật. Trong Nhà nước pháp quyền, biểu tượng, lễ nghi và niềm tin tôn giáo đó cần được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ.
“Việc làm giả, buôn bán Xá lợi giả của Đức Phật ở Việt Nam cần bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc đưa tin chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm Xá lợi giả để lừa đảo Nhân dân, Phật tử là hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của chùa Ba Vàng”, báo cáo cho biết.
Đồng thời, việc đưa tin chư Tăng Myanmar cung rước Xá lợi giả đến chùa Ba Vàng cho Nhân dân, Phật tử Việt Nam chiêm bái là hành vi gây tổn thương đến biểu tượng, lễ nghi và niềm tin tôn giáo của chư Tăng, Phật tử Myanmar, gây tổn thương đến tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp của chư Tăng, Phật tử Myanmar đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam.
Về sự việc trên, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh lại sự việc.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và việc tổ chức trưng bày cho phật tử và Nhân dân đến chiêm bái “Xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng của sư trụ trì, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền nếu có vi phạm.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trao đổi và có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc “Xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc.
Đồng thời, đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mê tín dị đoan, tiền mất tật mang và câu chuyện Vợ hạ sát Chồng tại Đồng Tháp

Nguồn: STV

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)