Vụ sập nhà 4 tầng ở Hà Nội: Ai phải chịu trách nhiệm?

Google News

Luật sư cho rằng, ngoài xem xét trách nhiệm chủ căn hộ đang đào móng trên phố Cửa Bắc (số 41) cũng phải làm rõ căn nhà số 43 có vi phạm xây dựng trái phép hay không.

Liên quan đến vụ sập nhà 4 tầng ở Hà Nội trên phố Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội), luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này chưa thể quy kết trách nhiệm hình sự cho ai. Trong khi đó, Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
“Khi nào cơ quan chức năng có kết luận về nguyên nhân gây sập nhà, lúc đó mới biết ai phải chịu trách nhiệm. Bởi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm, phải có đủ căn cứ chứng minh, đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009)”, ông Hòe nói.
 Các lực lượng tham gia cứu người gặp nạn. Ảnh: Huy Nguyễn.
Theo đó, người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình… gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 8 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 3 năm.
Luật sư Hòe phân tích, trong trường hợp xác định nhà 43 Cửa Bắc sập do lỗi của nhà bên cạnh đang thi công thì chủ sở hữu căn nhà đó phải ngừng việc thi công. Họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự cố do công trình của mình gây ra theo Điều 15 Nghị định 180 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị quy định về việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận.
Về mức độ bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra.
Trong trường hợp này, chủ nhân căn nhà đang xây dựng có thể bị xử phạt theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ Xây dựng. Theo đó, chủ nhân căn nhà đang thi công có thể bị xử phạt vi phạm hành chính cao nhất đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này còn phải xem xét thêm trách nhiệm của chủ sở hữu căn nhà số 43. Giả thiết ngôi nhà số 43 chỉ được cấp phép xây dựng ít hơn so với thực tế xây dựng thì vi phạm quy định của pháp luật “xây dựng trái phép”. Tuy nhiên trong trường hợp này phải xác định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính còn hay không.
Các khối bê tông lớn được cắt, chia tách để giải phóng hiện trường. Ảnh: Huy Nguyễn. 
Trường hợp chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì xử lý theo Điều 13 Nghị định 121 của Chính phủ. Tuy nhiên, để bị xử lý vi phạm theo quy định này, thì chúng ta cần xác định việc xây dựng phần không có giấy phép là sửa chữa, cải tạo hay xây mới để áp dụng khoản 3 hay khoản 5, có thể phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng.
Trước đó, rạng sáng 4/8, căn nhà 4 tầng rộng 30 m2 ở địa chỉ số 43 phố Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội) đổ sập. Thời điểm đó, bên trong nhà có 8 người (6 nam, 2 nữ). 150 cảnh sát cùng lực lượng quân đội Hà Nội được huy động đến để tìm kiếm người bị mắc kẹt.
Hai người tử vong sau sự cố được xác định là anh Nguyễn Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Hằng.
Theo Zing News

Bình luận(0)