Bên hành lang Quốc hội chiều 3/6, đề cập về 2 phương án quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông chưa đạt quá 50% ý kiến tán thành, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM) chia sẻ, ông không bất ngờ với 2 nội dung không quá bán bởi vì nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ngay từ khi thảo luận, về mặt nhận thức, có nhiều người cho rằng, dự thảo Luật can thiệp vào việc sản xuất rượu bia, nhưng thực chất dự thảo Luật nhằm mục đích xây dựng để mọi người vẫn sử dụng rượu bia nhưng có chừng mực, đảm bảo sức khoẻ bản thân và mọi hoạt động đều phải an toàn cho bản thân và xã hội.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM). |
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng với “quy định đã uống rượu bia thì không lái xe” bao gồm cả xe máy và ô tô, xe đạp điện. Thực tế, trong Luật giao thông đường bộ đã quy định rất rõ, đối với lái xe ô tô đã cấm tuyệt đối kể cả uống 1 giọt rượu cũng không được lái xe. Vì thế, có thể các đại biểu chưa hiểu đầy đủ các phương án đưa ra trong dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia cho nên dẫn đến việc phương án đưa ra không đạt quá bán.
Với nội dung quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, đại biểu đoàn TP HCM cho rằng nếu quy định cấm không bán vào khung giờ cố định, người muốn uống họ mua trước và để ở nhà hoặc chỗ nhậu thì việc cấm hay không cấm không có tác dụng. “Có thể nhiều người nghĩ như vậy nên mới không thông qua” - ông Đức cho biết.
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắc Lắk) cho rằng, từng phương án đưa ra đòi hỏi phải xây dựng làm sao để đại biểu nắm sát với ý định của người soạn thảo, tránh sự hiểu nhầm. “Lúc đầu nhiều đại biểu tưởng có sự hiểu nhầm nhưng khi biểu quyết lại kết quả không có gì thay đổi, như vậy đại biểu nghiên cứu rất kĩ và rất trách nhiệm với quyết định của mình”- ông Thành nói.
Trả lời câu hỏi: “2 phương án không quá bán là do hoạt động soạn thảo không tốt?”, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng không hoàn toàn như vậy, bởi giữa 2 quy định khác nhau sẽ có 2 ý kiến khác nhau, có sự “giằng xé” trong việc cân đối giữa lợi ích từng phương án nên có sự chênh lệch.
“Một phương án nhận được sự thống nhất, tỷ lệ biểu quyết rất cao thì càng tốt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có thể tỷ lệ biểu quyết không cao nhưng quá trình triển khai lại sớm đi vào cuộc sống”, ông Thành nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) thẳng thắn chia sẻ, vấn đề rượu bia rất khó nhận thức, nếu dễ thì đã làm từ lâu. Theo đại biểu, việc Quốc hội đưa ra thêm các phương án nhằm thể hiện cụ thể, rõ ràng hơn.
|
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM). (Ảnh: KT) |
“Việc cấm tuyệt đối khi đã uống rượu bia thì không lái xe là động thái thể hiện sự quyết liệt nhưng khi đi vào thực tế, tôi e là chưa khả thi trong tình hình hiện nay. Hiện nay, theo nghị định 46 của Luật giao thông đường bộ, nếu đã uống rượu bia là không được lái xe ô tô, đó là chắc chắn. Chúng ta đưa thêm điều khoản này để luật hóa vào trong luật phòng chống tác hại của rượu bia là khi đã điều khiển phương tiện giao thông thì không uống rượu bia. Như vậy mở rộng đối tượng, cả những đối tượng đi xe gắn máy, tôi nghĩ chưa thuyết phục” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Đại biểu này cũng đồng tình với việc tăng nặng kiểm soát uống rượu bia khi lái xe.
“Khi đã tham gia giao thông thì nồng độ cồn không vượt ngưỡng cho phép và sẽ phải hạ mức ngưỡng đó xuống. Ví dụ hiện giờ có thể tương ứng với 2 li rượu, thì bây giờ hạ xuống dần và đến thời điểm nào đó, khi chúng ta có những điều tra trong xã hội về thói quen, hành vi thay đổi thì chúng ta sẽ mạnh dạn đưa vào phương án là đã tham gia giao thông thì không uống rượu bia, như thế sẽ khả thi hơn và cũng sẽ thuyết phục hơn” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Liên quan đến phương án “cấm bán rượu bia sau 22h cũng không quá bán”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần phải thực hiện theo lộ trình. “Chuyện cấm bán, liệu trên thực tế có khả thi hay không. Có người lí luận, cấm bán từ 10 giờ đêm, thì từ 9 rưỡi họ mua thật nhiều thì cũng làm sao. Bên cạnh đó, người ta có thể sửa hóa đơn”- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu thực tế.
Theo đại biểu, một vấn đề quan trọng là để bảo đảm thực hiện được vấn đề này, cơ quan nào, lực lượng nào sẽ đi thanh tra, kiểm tra. Đại biểu Lan cho rằng, nên hạn chế từng bước một. Cần phải có số iệu, thống kê, đánh giá đi kèm. “Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là làm sao để thay đổi văn hóa, đừng cho rằng uống rượu là bản lĩnh của đàn ông, đừng cho rằng phải có rượu mới vui và bước đầu tiên nếu chúng ta cấm được, chúng ta kiểm soát được việc ép nhau uống rượu, tôi nghĩ đã là thành công. Các lãnh đạo, các cơ quan công sở, công chức viên chức, cán bộ phải làm gương trước”- bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.