Va chạm khiến cháy xe máy, tài xế ôtô bỏ chạy... lĩnh án gì?

Google News

Sau khi xảy ra va chạm khiến xe máy cháy, hai người bị thương, tài xế ô tô không dừng lại mà còn lái xe bỏ chạy. Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật.

Liên quan đến lái xe ô tô điều khiển phương tiện bỏ chạy sau khi va chạm giao thông khiến xe máy bốc cháy, 2 người bị thương ở hầm chui Khuất Duy Tiến (Hà Nội), Công an quận Thanh Xuân đã xác minh làm rõ chủ phương tiện và đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi trên, lái xe ô tô sẽ đối mặt với mức hình phạt như thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, hành vi gây tai nạn giao thông, không cứu giúp người bị nạn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, thậm chí nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, tài xế điều khiển chiếc ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Va cham khien chay xe may, tai xe oto bo chay... linh an gi?
 Hiện trường vụ tai nạn.
Theo luật sư Cường, với lượng camera gắn ở các ngã tư và camera an ninh ở các nhà dân sử dụng nhiều như Hà Nội, không khó khăn trong việc phát hiện ra người điều khiển chiếc xe ô tô va chạm với xe máy gây cháy trong vụ việc trên.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, xác định lỗi của các bên và hậu quả xảy ra để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Trường hợp có căn cứ cho thấy người lái xe ô tô đã có lỗi thiếu chú ý quan sát hoặc không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông nhưng đã bỏ chạy, không cấp cứu người bị nạn, người này sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp thương tích của hai nạn nhân này cộng tổng từ 61 % trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 trở lên và xác định người lái xe ô tô có lỗi, người tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Cùng với đó, tình tiết bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Do đó, trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tài xế sẽ đối mặt với hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù. Đồng thời, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân gồm tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại.
Mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào thiệt hại thực tế xảy ra đối với các bị hại. Ngoài ra thiệt hại ở đây còn bao gồm thiệt hại về tài sản là trị giá chiếc xe và tài sản đã bị cháy. Trong trường hợp số tài sản bị cháy từ 100.000.000 đồng, hậu quả được xác định là nghiêm trọng và là căn cứ để xử lý hình sự.
Trường hợp hậu quả chưa được xác định là đến mức nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản chưa đến 100.000.000 đồng hoặc thương tích của hai nạn nhân tổng cộng chưa đến 61 %, tài xế ô tô không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm giao thông. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Việc xử phạt hành chính sẽ căn cứ theo quy định của luật giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau: “Khoản 17, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe thực hiện hành vi “Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn” cũng quy định, với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng.
Vụ việc gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy là một hành vi rất đáng lên án. Bởi việc cứu giúp kịp thời người bị nạn có thể giảm bớt được hậu quả thiệt hại, phù hợp với đạo đức xã hội và trách nhiệm pháp lý. Nếu người gây ra tai nạn, nguy hiểm, việc giúp đỡ còn là trách nhiệm pháp lý. Trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại đến sức khỏe của người khác nhưng lại không giúp đỡ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức chế tài nghiêm khắc.
Ngày 4/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đang tích cực điều tra, làm rõ vụ tai nạn giao thông giữa 1 xe ô tô và xe máy khiến 2 người bị thương xảy ra gần hầm chui Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung.
Theo thông tin ban đầu, tối 3/3, trong quá trình di chuyển hướng từ Ngã Tư Sở về đường Nguyễn Trãi, khi đi đến đầu hầm chui Khuất Duy tiến, xe ô tô (chưa rõ BKS) đã xảy ra va chạm với 1 xe máy do 1 đôi nam nữ điều khiển đi cùng chiều.
Cú đâm mạnh khiến xe máy văng xa hàng chục mét rồi bất ngờ bốc cháy dữ dội. Hậu quả khiến 2 người trên xe máy bị thương. Đáng chú ý, sau khi vụ va chạm xảy ra, xe ô tô không dừng lại mà tiếp tục tăng ga rời khỏi hiện trường.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo vụ việc, Đội Cảnh sát giao thông trật tự và Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Thanh Xuân đã khẩn trương xuống hiện trường, tiến hành khám nghiệm, điều tra, làm rõ. Bước đầu, cơ quan công an đang xác minh, làm rõ chủ phương tiện liên quan đến vụ việc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy tìm tài xế gây tai nạn giao thông

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)