TP HCM mua tin chống tham nhũng: Bảo vệ người cung cấp thông tin thế nào?

Google News

Người cung cấp thông tin sẽ được TPHCM đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin.

Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM vừa ban hành Quy định 1629 về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.
Dư luận đồng tình Quy định trên bởi vừa phát huy vai trò, khuyến khích người dân, tăng trách nhiệm người cung cấp thông tin vừa răn đe, phòng ngừa cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về việc bảo vệ người cung cấp thông tin.
TP HCM mua tin chong tham nhung: Bao ve nguoi cung cap thong tin the nao?
Một phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM 
Cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin rất rõ ràng
Trao đổi với báo chí chiều 31/10, Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, việc bảo vệ người cung cấp thông tin, Quy định 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã nêu quy trình rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, khi chưa có Quy định 1629 thì trong các quy định khác vẫn đảm bảo công tác bảo vệ những người cung cấp thông tin, người đấu tranh với các quan điểm sai trái.
Theo Quy định 1629 nêu rõ, việc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin phải đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tô giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Người cung cấp thông tin có các quyền như được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin.
Được nhận khoản tiền mua tin tối đa là 10 triệu đồng/tin (vụ việc) nếu thông tin cung cấp chính xác, giúp các cơ quan chức năng có cơ sở thẩm tra, xác minh và xử lý được hành vi tham những, tiêu cực.
Được xem xét khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Được đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo yẽu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện bị đe doạ, trả thù, trù dập.
Được cơ quan tiếp nhận, xử lý thông tin thông báo bằng hình thức phù hợp về kết quả xác minh, giải quyết, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực đối với các tổ chức, cá nhân do mình cung cấp thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra. Đồng thời có nghĩa vụ cung cấp, bổ sung các thông tin, tài liệu về các hành vi tham nhũng, tiêu cực; không được phát tán, tiết lộ, hủy hoại tin, làm sai lệch thông tin gốc trong thời gian cơ quan chức năng chưa có kết luận thẩm tra, xác minh thông tin.
Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, với mức phí 10 triệu đồng, thành phố dựa vào quy định của Trung ương, mức tối đa. Đồng thời tin tưởng, nhân dân, cán bộ, đảng viên thành phố tham gia cung cấp thông tin tố giác về tham nhũng, tiêu cực với mục tiêu lớn là đấu tranh, là cùng xây dựng thành phố chứ không phải để kiếm tiền. Bên cạnh đó, Thành ủy TPHCM cũng đề cao vai trò của nhân dân trong công tác tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Mọi việc nhân dân đều biết, nhân dân đồng thuận sẽ hiệu quả, do đó việc “mua tin” tại Quy định 1629 là một trong các hình thức để khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết.
Tác động thế nào đối với tình hình cán bộ, đảng viên?
Đại diện Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, việc ban hành Quy định 1629 không phải là "cây đũa thần" để xử lý tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu của Thành phố là đưa chủ trương của Đảng về kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực đi vào cuộc sống.
Nói về sự tác động của chủ trương trên đối với cán bộ, đảng viên, Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố mong muốn khi ban hành quy định này nhằm cảnh báo răn đe, tăng cường phòng ngừa để cán bộ làm tốt nhiệm vụ của mình.
Với một tinh thần trách nhiệm vì thành phố và với quy định này sẽ thúc đẩy cán bộ thành phố năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Cũng theo Thường trực Thành ủy, Quy định 1629 là đẩy thêm một bước để mong muốn nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân… góp phần trong công cuộc xây dựng thành phố, cụ thể là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Quy định 1629, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành với mong muốn cao nhất là phòng ngừa, răn đe, cảnh báo cán bộ, đảng viên để thực hiện chủ trương của Thành phố, cụ thể Bí thư Thành ủy TPHCM nhiều lần quán triệt “làm đúng, làm tốt” chức trách của cán bộ.
“Khi một chủ trương lớn của Ban Thường vụ đề ra, mong muốn lớn nhất là hiệu quả sau khi chủ trương được ban hành. Đây là một bước trong quy trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao vai trò người cung cấp thông tin và xử lý thông tin. Với mong muốn lớn nhất là phòng, ngừa, răn đe để cán bộ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”, đại diện Thường trực Thành ủy TP nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)