Tình hình biển Đông phức tạp, Luật Cảnh sát biển cấp bách vô cùng

Google News

(Kiến Thức) - Hầu hết các đại biểu đều thống nhất rằng, Luật Cảnh sát biển là rất cấp thiết khi mà tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tình huống liên quan tới an ninh, quốc phòng liên tiếp xảy ra.

Hôm nay (8/6), tham gia thảo luận dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các đại biểu bày tỏ đồng tình với việc cần thiết phải ra đời Luật Cảnh sát biển.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven biển Đông mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc, hải dương trên thế giới.
“Các tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển Đông vẫn diễn biến phức tạp do chiến lược tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực, như vụ giàn khoan HD 981 năm 2014, HD 760 năm 2017, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển”, đại biểu Cúc nói.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Cúc cho rằng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng nặng nề hơn, để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cảnh sát biển hoạt động phù hợp với thực tiễn lập pháp trên thế giới, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 được ban hành. Do vậy, việc xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cần thiết và cấp bách.
Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) nhận định, việc ra đời luật về cảnh biến cũng một phần đáp ứng đặc điểm của vùng biển của Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng.
“Tình trạng tranh chấp chủ quyền các vùng biển trong khu vực ngày càng gay gắt. Các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, thủy sản trái pháp luật, các tàu thuyền của nước ngoài diễn ra hết sức phức tạp. Lợi dụng vùng biển của chúng ta rộng trên 1 triệu km2, chiếm trên 30% diện tích biển Đông và 30% diện tích của đất liền và lực lượng chức năng hoạt động của cảnh sát biển còn mỏng, các loại tội phạm, cướp biển, buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn bán vũ khí, chất nổ,... hoạt động ngày càng tình vi, manh động và có chiều hướng ngày càng gia tăng”, đại biểu Hải nói.
Trong khi đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho biết, tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tình huống xảy ra liên quan đến quốc phòng, an ninh xảy ra liên tiếp.
“Tôi thống nhất với đại biểu Nguyễn Văn Khánh, đoàn Bình Dương cũng nói điều này xuất phát từ chiến lược và tham vọng kiểm soát biển của một số nước trong khu vực. Đại biểu Phạm Đình Cúc cũng đã chia sẻ hết sức đúng đắn về câu chuyện về giàn khoan 981 hay là 760, tình hình tội phạm xuyên quốc gia, về các vấn đề như ma túy, đặc biệt hơn nữa là vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, rồi vấn đề các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Sở dĩ, tôi liệt kê lại để chứng minh rằng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam chúng ta hết sức nặng nề. Tôi khẳng định việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết”, đại biểu Giao nói.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)