Thu hẹp khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: Không nên đánh đổi

Google News

Việc UBND tỉnh Thái Bình quyết định gần như “xóa sổ” khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải khi thu hẹp gần 90% diện tích là không hợp lý và nên dừng lại.

GS.TSKH, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Và Môi trường Việt Nam Đặng Huy Huỳnh (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, việc UBND tỉnh Thái Bình quyết định gần như “xóa sổ” khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải khi thu hẹp gần 90% diện tích từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, là không hợp lý và nên dừng lại.
Thu hep khu Bao ton thien nhien Tien Hai: Khong nen danh doi
 GS.TSKH, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Và Môi trường Việt Nam Đặng Huy Huỳnh.
Thay vào đó, hãy tập trung bảo vệ, phát triển khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, bởi đây không chỉ là khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, mà còn có ý nghĩa toàn cầu trong việc phát triển đa dạng hệ sinh thái, nhất là sinh vật biển.
Việc thu hẹp khu bảo tồn để xây dựng sân golf hay công trình dịch vụ kinh tế là không đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trên tinh thần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.
Hiện nay, thời tiết đang dần khắc nghiệt và cực đoan do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản, cũng như sinh kế của người dân ven biển. Đồng thời, các hệ sinh thái ven biển cũng là nơi cung cấp dinh dưỡng, sinh cư, sinh sản của các loài sinh vật để phát triển ra vùng diện rộng, đặc biệt là vùng biển, làm phong phú đa dạng sinh học biển.
Rừng, đất ngập nước không những là nơi bảo vệ biển, làng xã, dân cư, mà còn là nơi tích tụ carbon, thải oxy, có lợi cho sức khỏe cộng đồng và sinh vật. Việc bảo vệ rừng ngập mặn là một trong những cách thức để góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Đã có rừng thì phải bảo vệ, nếu đã phá thì phải phục hồi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chặt phá gỗ lim rừng ở huyện Tam Đảo:

(Nguồn: VTV24)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)