Thiếu vật tư, thiết bị y tế ở các bệnh viện: Nhận diện “điểm nghẽn” để tháo gỡ

Google News

Các bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương sửa đổi các thông tư, nghị định thuộc lĩnh vực quản lý để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện.

Nhiều bệnh viện lớn kêu thiếu vật tư, trang thiết bị y tế
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đang đến gần nhưng nhiều cơ sở y tế đang “đau đầu” với tình trạng bệnh viện thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế.
Tại tọa đàm “Ngành y vượt khó”, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện tại bệnh viện, số người bệnh thường xuyên đến và chờ được điều trị rất nhiều, trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang hết sức vướng mắc.
Theo GS.TS. Trần Bình Giang, không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như BV Bạch Mai, BV K, BV Chợ Rẫy cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh. Tại các bệnh viện lớn, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh gần như đã hết.
Thieu vat tu, thiet bi y te o cac benh vien: Nhan dien “diem nghen” de thao go
Ảnh minh họa.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng. Các vật tư tiêu hao dành cho phẫu thuật chỉ còn đủ dùng trong một tháng. Trong khi đó, hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên bệnh viện không mua được.
Để bảo đảm hoạt động của bệnh viện trước mắt, đặc biệt để duy trì công tác khám chữa bệnh cấp cứu, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức yêu cầu từ ngày 1/3, các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, các ca mổ phiên. Việc phẫu thuật sẽ ưu tiên mổ cấp cứu. Bệnh viện sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu, hạn chế mổ phiên.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, thiết bị y tế, có thể nói đây là vấn đề vô cùng khó hiện nay. Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc, họ rất tín nhiệm BV Bạch Mai. Người dân cũng chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều. Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh Bệnh viện đang thiếu trầm trọng.
Bệnh viện Chợ Rẫy hiện cũng đang rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất để chữa trị cho bệnh nhân, có nguy cơ ngừng hoạt động. Bệnh viện buộc phải chuyển người bệnh đến cơ sở khác vì nhiều máy móc bị hư hỏng nặng nhưng không thể sửa chữa, thiếu hóa chất…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy mới đây cũng chia sẻ hàng loạt khó khăn, vướng mắc mà bệnh viện này đang đối mặt, trong đó, khó khăn nhất là xây dựng giá gói thầu.
Theo đó, việc xây dựng giá gói thầu hiện dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính. Theo đó, việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là 3 bảng báo giá, tuy nhiên, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được khi triển khai.Với sản phẩm không có đủ 3 báo giá, Thông tư 68 cũng đưa ra nhiều giải pháp như thẩm định giá, giá kê khai… Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định các biện pháp đó rất khó triển khai trong thực tế.
Bên cạnh đó, theo ông Thức, hiện nay, không có cơ quan nào kiểm định giá kê khai có đúng không. Giá này do các đơn vị tự kê khai công khai theo ý của mình, nhưng đã xảy ra tình trạng giá cao hơn rất nhiều so với thực tế. Khi xây dựng giá gói thầu, bệnh viện gặp rất nhiều rủi ro trong công tác mua sắm đấu thầu. Đây là khó khăn của cả ngành chứ không phải riêng Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn vướng không đủ 3 báo giá với gói thầu stent mạch vành nên chưa triển khai. Do đó, bệnh viện có thể gặp nguy cơ chỉ tiến hành đặt stent với bệnh nhân cấp cứu, trường hợp khác sẽ phải chờ.
Trước tình trạng trên của các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã có báo cáo về khó khăn trong mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế gửi Chính phủ.
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị… Đồng thời, Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, về quản lý giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay. Về đăng ký lưu hành thuốc, Bộ Y tế đề xuất dự thảo nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.
Về thu hồi trang thiết bị y tế, Bộ kiến nghị sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
Những vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài của ngành y tế đã được nhận diện
Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, một số bệnh viện Trung ương về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, hoá chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để thiết kế, đưa vào dự thảo Nghị định phương án hậu kiểm thay thế cho phương thức tiền kiểm, thẩm định trong quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số đăng ký lưu hành; chế định doanh nghiệp về trách nhiệm báo cáo, giải trình, công khai; làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng 2/2023.
Thieu vat tu, thiet bi y te o cac benh vien: Nhan dien “diem nghen” de thao go-Hinh-2
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà 
Cho rằng chủ trương đấu thầu tập trung là hết sức cần thiết, Phó Thủ tướng cho biết, danh mục đấu thầu thuốc tập trung cần xác định theo tiêu chí sử dụng ở mọi bệnh viện, sử dụng phổ biến, tỉ trọng thuốc sử dụng lớn so với các thuốc khác, còn những loại biệt dược chỉ sử dụng tại một số đơn vị thì thực hiện đấu thầu chuyên ngành, phù hợp với thực tế của từng đơn vị.
Trước phản ánh của các bệnh viện về khó khăn trong thực hiện đấu thầu một số hoá chất, vật tư tiêu hao chỉ có 1 nhà cung cấp do theo quy định phải có báo giá của 3 nhà cung cấp để làm căn cứ xác định giá đấu thầu, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trao đổi, đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những loại hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có 1 nhà cung cấp.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến khi các văn bản pháp luật liên quan được ban hành, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đưa vào Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 144/NQ-CP về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi); thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với máy móc, trang thiết bị xã hội hóa trong bệnh viện công lập; phương thức lập gói thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc thực hiện xét nghiệm; …
"Những vấn đề cá biệt, có tính chuyên môn cao thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm quy định, hướng dẫn khả thi để thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trách nhiệm, thẩm quyền của mình", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương sửa đổi các thông tư, nghị định thuộc lĩnh vực quản lý để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt, "trong tình huống cấp cứu thì phải rất kịp thời" bởi tình trạng văn bản còn có nhiều vướng mắc, bất cập.
Phó Thủ tướng nêu rõ những vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài của ngành y tế đã được nhận diện, làm rõ nguyên nhân, vướng mắc về thể chế để tháo gỡ, khơi thông; đồng thời đưa ra danh mục cụ thể các văn bản, điều khoản cần sửa đổi, kèm theo thời hạn hoàn thành.
"Các bộ, ngành phải nhận thức được tinh thần, trách nhiệm cùng với Bộ Y tế giải quyết những điểm nghẽn, bức xúc liên quan đến bảo đảm thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết bị y tế. Đây không phải là việc của riêng ngành y tế, mà rất sát sườn với từng người dân", Phó Thủ tướng nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nữ nhân viên y tế nhảy múa để giải lao trong ca trực Tết
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)