Sau "phê bình", Cục Đường bộ vẫn đề nghị tách sửa cầu Sỏi 8,4 tỷ đồng

Google News

Cục Đường bộ Việt Nam tự tách riêng cầu Sỏi ra khỏi danh mục 6 cầu đã được phê duyệt và nâng chi phí khi sửa chữa khi chưa được sự chấp thuận của Bộ GTVT.

Tách gói ra khỏi kế hoạch bảo trì đã duyệt
Tháng 2/2023, Bộ GTVT có văn bản trả lời Cục Đường bộ Việt Nam về đề nghị sửa chữa đột xuất cầu Sỏi tại Km464+283 trên đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình.
Trong văn bản, Bộ GTVT đã thẳng thắn phê bình và đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam rút kinh nghiệm vì “Tự tách riêng cầu Sỏi ra khỏi danh mục 6 cầu đã được phê duyệt, khi chưa được sự chấp thuận của Bộ, dẫn đến chia nhỏ gói thầu không đảm bảo theo các quy định về đấu thầu”.
Sau
 Cầu Sỏi được Cục Đường bộ Việt Nam tự ý tách ra khỏi danh mục 6 cầu sửa chữa khi chưa được Bộ GTVT phê duyệt.
Nêu rõ lý do Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam phải “rút kinh nghiệm” là bởi trong văn bản đề nghị sửa chữa đột xuất cầu Sỏi tại Km464+283 trên đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình, Cục Đường bộ Việt Nam đã tách riêng cầu Sỏi khỏi danh mục 6 cầu trên đường Hồ Chí Minh thuộc kế hoạch bảo trì năm 2023 đã được Bộ GTVT phê duyệt để sửa chữa riêng.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện lỗi và phê bình Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT lại “đẩy thuyền” cho cấp dưới với ý kiến: “Trường hợp cần thiết điều chỉnh dự án sửa chữa nêu trên, Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ điều chỉnh danh mục dự án sửa chữa 6 cầu theo quy định làm cơ sở triển khai”. Đồng thời, chỉ đạo: "Trên cơ sở hiện trạng hư hỏng cầu, tổng hợp các số liệu về lưu lượng xe, kết hợp với khảo sát địa chất, thủy văn khu vực cầu, Cục Đường bộ đề xuất phương án sửa chữa cầu Sỏi trên nguyên tắc phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo ATGT và an toàn công trình để trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho phép tách cầu Sỏi ra thành 1 danh mục sửa chữa độc lập đáp ứng triển khai theo mục tiêu đột xuất".
Cầu Sỏi vượt xa tổng chi phí 6 cầu
Trong văn bản đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện trạng cầu Sỏi được nhận định là hư hỏng nặng so với thời điểm xây dựng kế hoạch, cụ thể:
Tại mố M1, M2: Vết nứt trên hai mố phát triển nhanh, độ mở rộng ở mức nguy hiểm; các vết nứt tiếp tục phát triển dưới tác dụng của hoạt tải, dẫn tới mạch vữa bị phá hủy theo thời gian.
Dầm chủ: Xuất hiện các vết nứt theo phương thẳng đứng, chiều dài vết nứt từ 0,2 – 0,6m, phát triển từ đáy dầm lên sườn dầm, độ rộng vết nứt từ 0,5 – 0,15mm; bê tông mối nối dọc xuất hiện vết nứt phân tách bê tông mối nối.
Khe co giãn: Khe co giãn cao su có bu lông liên kết kém, rách mép cao su...
Đường đầu cầu bị lún do tường cánh bị đẩy ra phía sông, hiện đã được đơn vị BDTX bù lún nhiều lần; mặt cầu xuất hiện vết nứt dọc rộng 5mm tại phạm tim cầu trùng với vị trí mối nối dọc.
Sau
 Kinh phí sửa chữa cầu Sỏi nâng lên 8,2 - 8,4 tỷ đồng. Trong khi cầu Sỏi nằm trong danh mục 6 cầu chỉ có tổng kinh phí sửa chữa 5,9 tỷ đồng.
Từ nhận định hư hỏng trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất 4 phương án sửa chữa lần lượt theo các kinh phí dự kiến: 8,2 tỷ đồng; 8,4 tỷ đồng 8,5 tỷ đồng, cao nhất là 9,2 tỷ đồng.
“Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT chấp thuận danh mục chuẩn bị đầu tư ‘Sửa chữa đột xuất, đảm bảo an toàn cầu Sỏi Km464+283 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình" (thuộc danh mục ‘Sửa chữa cầu Sỏi Km464+283; cầu Trâm Km469+855; cầu Bông Bạc I Km474+671; cầu Xóm Bún Km482+473; cầu Bãi Đa II Km483+865; cầu Yên Nghiệp Km497+676, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình” đã được Bộ GTVT chấp thuận cho phép chuẩn bị đầu tư để sửa chữa ngay theo phương án 1 – 8,2 tỷ đồng (sửa chữa, thay thế mố; sửa chữa hư hỏng dầm cầu); Trong quá trình khảo sát, lập phê duyệt BCKTKT, trường hợp không thể tận dụng được dầm cũ, cần thiết xem xét thay thế dầm cầu mới (phương án 4), kinh phí khoảng 8,4 tỷ đồng”, Cục Đường bộ Việt Nam chốt phương án đề xuất Bộ GTVT.
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, trước khi Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT cho phép sửa chữa đột xuất, đảm bảo giao thông cầu Sỏi với kinh phí dự kiến là 8,2 tỷ đồng, Bộ GTVT chỉ chấp thuận danh sách chuẩn bị đầu tư công trình sửa chữa 6 cầu, trong đó có cầu Sỏi với tổng giá trị 5,9 tỷ đồng. Tức chỉ riêng cầu Sỏi khi bị tách ra đã vượt xa kinh phí tổng đầu tư 6 cầu khiến dư luận lo lắng về việc tách nhỏ gói thầu để đội thêm vốn đầu tư.
Nguồn vốn để sửa chữa cầu Sỏi được lấy từ Vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ.
Sau
 Phiếu kiểm tra thường xuyên cầu Sỏi không có thông tin và dán chồng lấn bên thành cầu.
Thực địa tại hiện trạng cầu Sỏi, PV Báo Tri thức và Cuộc sống phát hiện các phiếu kiểm tra thường xuyên cầu Sỏi của Văn phòng Quản lý đường bộ L6 không có nội dung ghi chép và dán chồng lấn vào nhau bên thành cầu gây ra nhiều nghi vấn về thông tin công khai, khách quan đến tình trạng xuống cấp của cầu Sỏi.
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhận định: Tình trạng chia nhỏ gói thầu đã xảy ra rất nhiều trong thời gian qua và cũng không ít trường hợp bị phát hiện nhưng lại không bị xử lý. Đây là lần đầu tiên một cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT phát hiện và thẳng thắn xử lý hành vi chia nhỏ gói thầu của cơ quan cấp dưới của mình.
“Trước đây có thể họ đã phát hiện ra nhiều lần nhưng không xử lý. Thế nên việc làm của Bộ GTVT lần này rất hoan nghênh”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Bà Bùi Thị An khẳng định, hành vi chia nhỏ gói thầu cần phải cấm triệt để vì đây là nguồn gốc gây ra rất nhiều hệ lụy cho các dự án, nhất là các dự án giao thông.
“Chia nhỏ gói thầu sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình và làm xuất hiện tiêu cực”, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ quan điểm.
Theo bà Bùi Thị An, điều quan trọng nhất trong sự việc này là phải theo dõi, giám sát xem chỉ đạo của Bộ GTVT có được thực hiện đến cùng hay không, hay rồi lại “đánh bùn sang ao”?. Bởi nếu trên chỉ đạo mà dưới không làm thì cũng chịu. Và như vậy sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và nhiều hậu quả khác nữa mà cuối cùng Bộ GTVT sẽ lại là người phải đứng ra xử lý.
Trước đó, Bộ GTVT cũng phê bình Cục Đường bộ Việt Nam liên quan tới việc thu phí, dừng thu phí Dự án BOT Quốc lộ 51 đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện vai trò ủy quyền quyết định.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Ngày 13/2/2023, Bộ GTVT phát đi văn bản số 123/BGTVT-TTr do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ký về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dưng do Bộ GTVT quyết định đầu tư. Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện các dự án tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 23/5/2022 Bộ trưởng Bộ GTVT về việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Bộ GTVT.

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)