Người phụ nữ vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Google News

Nguyệt cùng chồng cấu kết cùng Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh) và các bị can khác hợp thức hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng.

Ngày 11/6, VKSND TP Hà Nội cho biết vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 13 bị can trong vụ án vận chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng qua biên giới. Theo đó, VKSND TP Hà Nội truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (37 tuổi, trú ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng 12 đồng phạm về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Ngoài các bị can này, VKSND còn xác định một số cán bộ, nhân viên thuộc 3 ngân hàng liên quan vụ án.
Nguoi phu nu van chuyen trai phep hon 30.000 ty dong ra nuoc ngoai
Ảnh minh hoạ. 
Theo cơ quan chức năng, giai đoạn 2016-2020, Nguyễn Thị Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn cấu kết cùng Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh) và các bị can khác hợp thức hồ sơ tạm nhập, tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua pháp nhân của 11 công ty.
Trong 11 doanh nghiệp trên, 8 công ty do vợ chồng Nguyệt mượn giấy tờ của những người thân lập ra nhằm phục vụ việc chuyển tiền. Quá trình điều hành, vợ chồng nữ bị can này lôi kéo dì, chị, em, cháu trong gia tộc tham gia đường dây phạm pháp.
Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, vợ chồng Nguyệt đã liên hệ với các ngân hàng ở Quảng Ninh, Lào Cai để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế. Các nhân viên ngân hàng thuộc chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh) bị cáo buộc liên quan hành vi của các bị can gồm: Phạm Thị Minh Ngân (Ngân hàng TMCP Quân Đội - MB Bank), Nguyễn Ngọc Sơn và Phan Ngọc Duy, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa (Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank).
Cáo trạng xác định: ông Phan Ngọc Duy là Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng, còn Nguyễn Ngọc Sơn phụ trách khách hàng doanh nghiệp. Thông qua chi nhánh này, bị can Nguyệt đã chuyển trót lọt 6.400 tỷ đồng ra nước ngoài.
Năm 2017, ông Sơn biết Nguyễn Thị Nguyệt lấy pháp nhân các công ty "ma" để chuyển tiền ra nước ngoài qua nhà băng này. Tuy nhiên, Sơn và bà Nguyệt vẫn thỏa thuận làm giấy tờ khống. Sơn được trả thù lao từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/1 triệu USD khi mỗi giao dịch thanh toán quốc tế thành công. Qua đó, ông Sơn đã hưởng lợi khoảng 70 triệu đồng.
Phan Ngọc Duy là người phê duyệt các hồ sơ thanh toán quốc tế do bà Nguyệt chuẩn bị. Theo cáo buộc, Duy đã hưởng lợi khoảng 200 triệu đồng. Ngày 11/11/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử và tuyên bị cáo Duy 4 năm 6 tháng tù, Sơn 5 năm tù về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Tại MB Bank Móng Cái, VKSND Hà Nội xác định nhân viên Phạm Thị Minh Ngân được giao thực hiện thanh toán quốc tế cho 6 công ty do Nguyệt thành lập. Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố bị can đối với Phạm Thị Minh Ngân về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Còn tại Sacombank Móng Cái, Nguyễn Thị Nguyệt và các bị can đã nhiều lần chuyển hồ sơ thanh toán quốc tế của 4 công ty cho chi nhánh ngân hàng. Sau đó, các nhân viên Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thu Hoa đã tiếp nhận. VKSND xác định bị can Nguyệt nhiều lần bồi dưỡng cho 2 nhân viên này khoảng 80 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, Nguyệt đã chuyển trái phép ra nước ngoài hơn 30.498 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, Nguyệt khai, số tiền hưởng lợi được chi trả cho hoạt động công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết.
>>> Xem thêm video: Bắt đối tượng vận chuyển thuê 33.000 gói thuốc lá ở Tiền Giang

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)