Năm Nhâm Dần nghĩ về việc nuôi nhốt, buôn bán Hổ

Google News

Điểm nóng nuôi nhốt, buôn bán hổ được xác định chủ yếu tại khu vực Miền Trung. Ngoài ra, người Việt Nam còn sang tận Nam Phi, Cộng hòa Séc… để mua bán hổ.

Theo UNODC, cá thể hổ nuôi nhốt ở Việt Nam được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp. Rất cần có giải pháp mạnh trong xử lý các đối tượng buôn bán hổ.
Dính líu đến các mạng lưới buôn lậu
Năm 2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam".
Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp tại các trang trại, cơ sở nuôi nhốt và hộ gia đình. Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể bị gây nuôi bất hợp pháp. Điều đáng chú ý là không ít nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ dính líu mật thiết đến các mạng lưới buôn lậu.
Nam Nham Dan nghi ve viec nuoi nhot, buon ban Ho
Cá thể hổ được phát hiện tại Nghệ An khi đang bị nuôi nhốt trái phép. 
Báo cáo tội phạm động vật hoang dã 2020 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định “hổ nuôi nhốt ở Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp”.
Báo cáo nghiên cứu của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) trong năm 2019 cũng cho thấy có đến 58% số hổ bị thu giữ ở Thái Lan và 30% số hổ bị thu giữ ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2000 – 2018 được xác định từ nguồn nuôi nhốt.
Điều này cho thấy, nguy cơ hổ nuôi nhốt đi vào thị trường bất hợp pháp là hoàn toàn thực tế. Cũng chính vì mối lo ngại rằng hổ nuôi nhốt có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực bảo tồn cũng như dung dưỡng cho tội phạm động vật hoang dã mà từ năm 2007, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm nuôi hổ vì mục đích thương mại.
Tuy nhiên, nhiều trang trại tại các châu lục, đặc biệt là châu Á, trong đó có Việt Nam vẫn vi phạm lệnh cấm này nhằm thu lợi bất chính. Vụ việc tịch thu con số lượng kỷ lục các cá thể hổ tại Nghê ̣An mới đây vì vậy có thể coi là tâm điểm để nhìn nhận và thảo luận lại rất nhiều vấn đề xung quanh.
TS. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho biết, tình trạng nuôi nhốt, mua bán cá thể hổ bất hợp pháp ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp.
"10 năm gần đây cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ các vụ việc nuôi nhốt, mua bán hổ và các sản phẩm từ hổ trong nước. Điểm nóng nuôi nhốt, buôn bán hổ được xác định chủ yếu tại khu vực Miền Trung. Ngoài ra, người Việt Nam còn sang tận Nam Phi, Cộng hòa Séc,… để mua bán hổ" - TS. Mạnh thông tin thêm.
Nhiều chuyên gia động vật, thiên nhiên cho rằng, vụ việc tịch thu số lượng kỷ lục các cá thể hổ tại Nghệ An mới đây đặt ra rất nhiều câu hỏi cần thảo luận lại rất nhiều vấn đề xung quanh, bao gồm: Tình trạng gây nuôi hổ tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Hoạt động nuôi hổ tại Việt Nam đóng góp và tác động như thế nào đến công tác bảo tồn hổ trong khu vực? Việt Nam đã và đang làm gì để bảo tồn hổ? Thực tế hoạt động cứu hộ hổ ở Việt Nam và viễn cảnh trong tương lai? Công tác xử lý vi phạm, xử lý tang vật các vụ tịch thu ĐVHD quý hiếm nên thực hiện như thế nào?.
Theo tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF) nếu như mất đi loài hổ chúng ta sẽ mất đi về mặt sinh thái, văn hóa, khoa học… việc bảo tồn hổ sẽ bảo tồn luôn được sinh cảnh của chúng trong tự nhiên, đặc biệt là rừng đầu nguồn, hành lang tiếp nối các khu bảo tồn với nhau, đó là mục tiêu kép trong bảo tồn chứ không riêng gì bảo tồn loài.
Năm 2020 số lượng nuôi nhốt hổ ở Việt Nam có khoảng 24 cơ sở, việc nuôi nhốt các quần thể hổ đó làm suy yếu nỗ lực bảo tồn, làm tăng cầu của thị trường, việc săn bắt hổ hoang dã cùng tăng theo…dẫn đến nhiều vi phạm liên quan đến nuôi nhốt, buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ trái phép.
Cần có giải pháp mạnh mẽ
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm về Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết, gần đây số vụ vi phạm về buôn bán động vật hoang dã là 1.033 vụ, số vụ giảm theo từng năm.
Hiện cả nước có 200 loài động vật hoang dã đang nuôi nhốt, với 2,5 triệu cá thể, trên 20.000 cơ sở nuôi nhốt, chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, hiện nay có hàng trăm cá thể hổ đang được nuôi nhốt ở các tầng hầm ở ba huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An. Ngoài ra các vi phạm về hổ diễn ra rất nhiều trên mạng xã hội, tuy nhiên những năm gần đây các vụ việc xét xử rất ít.
Theo bà Hà, năm 2020 có 4 vụ, 2 vụ đưa ra xét xử các đối tượng hưởng án treo; năm 2019 có 14 vụ việc thì 13 vụ việc đã đưa ra xét xử, 9 vụ có các đối tượng áp dụng tù giam; năm 2018 có đối tượng Hoàng Đình Quân ở Yên Thành (Nghệ An) vận chuyển 5 cá thể hổ con đông lạnh bị phạt 10 năm tù, là mức cao nhất đối với buôn bán hổ thời điểm này.
Tại Tọa đàm, các chuyên ra đều cho rằng cần phải tìm ra giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để xử lý được đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán mới có tác động mạnh mẽ, tích cực, mới có được kết quả của nỗ lực xử lý các vi phạm buôn bán, nuôi nhốt hổ nói riêng và buôn bán động vật hoang dã nói chung.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Công khai rao bán Hổ ngay tại Thủ đô
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)