Khu đất Phú Yên định nắn đường làm lợi cho doanh nghiệp hay ai?

Google News

Phú Yên cần thực hiện tổng hợp các đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của việc “nắn đường” nếu có ảnh hưởng đến quy hoạch, xây dựng, không gian kiến trúc của tỉnh...

Mới đây, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên cho biết đơn vị này đã cập nhật, tích hợp việc điều chỉnh nắn đường Hùng Vương vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040. Đồ án đang được tỉnh Phú Yên xem xét để trình bộ, ngành Trung ương thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Theo đó, đường Hùng Vương ven biển từ TP Tuy Hòa đến thị xã Đông Hòa sẽ được nắn một đoạn về phía tây, cách tim đường hiện hữu 221m. Đoạn nắn này dài 4,2 km, từ phía nam sân bay Tuy Hòa đến khu dân cư phục vụ khu công nghiệp Hòa Hiệp.
Khu dat Phu Yen dinh nan duong lam loi cho doanh nghiep hay ai?
Đường Hùng Vương. (Ảnh: Dân trí) 
Đáng chú ý, báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, việc nắn đường Hùng Vương là theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland. Doanh nghiệp này đã tài trợ lập quy hoạch và đề xuất thực hiện dự án khu đô thị dịch vụ ven biển Nam Phú Yên tại vị trí nắn đường. Mục đích của việc nắn đường là tạo ra khu đất đủ rộng sát bờ biển để phát triển một khu đô thị, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, tầm cỡ; đưa giao thông tốc độ cao ra khỏi khu vực phát triển du lịch, đô thị…Đặc biệt, đường đề xuất mới trùng với ranh giới phía tây của dự án khu đô thị dịch vụ ven biển Nam Phú Yên.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Lê Thu Hằng - Công ty Luật TAT Law Firm cho rằng, đối với dự án khu đô thị ven biển Nam Phú Yên hiện đang được cho là gần với vị trí “nắn đường” Hùng Vương theo kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, việc “nắn đường” có lợi cho doanh nghiệp này hay không cần phải xác minh làm rõ.
Tuy nhiên hiện nay, theo thông tin Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên vừa cập nhật, tích hợp việc điều chỉnh nắn đường Hùng Vương đang được tỉnh Phú Yên xem xét để trình bộ, ngành Trung ương thẩm định trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Điều này cho thấy, các cơ quan quản lý địa phương đang thận trọng xem xét đề xuất “nắn đường” của doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước tại Phú Yên và các bên có liên quan tại tỉnh Phú Yên cần thực hiện tổng hợp các đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của việc “nắn đường” nếu có ảnh hưởng đến quy hoạch, xây dựng, không gian kiến trúc của tỉnh cũng như quản lý đất đai và đời sống kinh tế xã hội, an sinh của người dân.
Theo Luật sư Lê Thu Hằng, các dự án trùng hợp gần các khu đất vàng nơi thực hiện các dự án mở đường có phạm vi quốc gia cần được các bên có liên quan đánh giá, báo cáo tác động bằng văn bản cụ thể để có căn cứ xác định trách nhiệm nếu sau này xảy ra hậu quả. Việc “nắn đường” phải được đánh giá và so sánh với việc “không nắn đường” tức đi đường thẳng có đảm bảo hơn an toàn giao thông, tiết kiệm ngân sách đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Nếu việc nắn đường đi qua khu dân cư cần xem xét kỹ lưỡng để kịp thời để có thể rà soát và ngăn chặn các lỗ hổng và vi phạm pháp luật (nếu có) trong quá trình thanh tra, kiểm tra dự án, đặc biệt dự án này nằm trong khu đất vàng, tránh để lại hệ luỵ thất thoát tài sản của Nhà nước khi thu hồi lại đất.
Một số ý kiến đề cập đến việc trước đây, Hà Nội từng dậy sóng nắn đường Trường Chinh và cho rằng Phú Yên không cẩn thận sẽ gây nóng dư luận, luật sư Lê Thu Hằng cho rằng, hiện nay đất đai luôn là nguồn đầu tư lâu dài và sinh lợi đặc biệt là ở những khu đất vàng. Các chủ đầu tư tư nhân có nhiều cách để tiếp cận và chuyển hoá nguồn lợi khổng lồ này bằng nhiều cách khác nhau như thành lập pháp nhân góp vốn liên doanh đầu tư dự án, đặc biệt thường thông qua các Dự án BT (xây dựng, chuyển giao) với hình thức sử dụng quỹ đất công, đất vàng làm đất đối ứng để đổi lấy cơ sở hạ tầng. Sự thiếu minh bạch thông tin về đất đai cần được loại trừ trong hoạt động chuyển giao mục đích sử dụng đất nhất là việc chuyển giao khu đất vàng cho tư nhân lại càng cần phải rõ ràng.
Khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào quản lý, sử dụng, buộc phải tiến hành hoạt động đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật. Khi đấu giá công khai, chúng ta có thể tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án khai thác, quản lý, sử dụng đất công hợp lý nhất để giao, cho thuê đất công trong quá trình thực hiện dự án.Việc đấu giá phải được kiểm soát bởi một cơ quan độc lập, tránh sự “thông thầu” giữa các nhóm lợi ích để thấu tóm đất vàng bán đất vàng.
Do đó, để hạn chế các vướng mắc phức tạp pháp lý xảy ra thì chính quyền địa phương cần phải minh bạch thông tin và có các phương án kịp thời tránh các sai phạm nếu có ở các khu đất vàng trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chỉnh trang đô thị, quy hoạch nếu không đúng quy định của pháp luật sẽ biến những khu đất vàng từ của công đã vô tư bị “tư nhân hoá”. Trong một thời gian dài, nguồn lực đất đai của Nhà nước bị rơi vào "túi" tư nhân và lợi ích nhóm, gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
4,2km đường Hùng Vương định nắn lại
Đường Hùng Vương chạy dọc biển Phú Yên, được Thủ tướng phê duyệt năm 2010, vốn đầu tư từ ngân sách (chia thành nhiều gói thầu), đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Đây là tuyến giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Trả lời trên báo PLO về việc nắn đường Hùng Vương- tuyến giao thông ven biển quan trọng của tỉnh Phú Yên để phục vụ cho dự án mà doanh nghiệp tài trợ quy hoạch đang đề xuất thực hiện, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi quy hoạch được duyệt, tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định. Khi thực hiện đấu thầu, điều kiện đưa ra là giao thông phải dùng chung chứ không được rào chắn của riêng dự án. Doanh nghiệp tài trợ quy hoạch cũng phải đấu thầu như các nhà đầu tư khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm

Nguồn: VTV4

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)