Hung thủ sát hại nữ nhân viên ngân hàng gây rúng động đối mặt mức án nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, chỉ vì mâu thuẫn trong việc níu kéo tình cảm, đối tượng đã sử dụng hung khí đâm nạn nhân gây tử vong, hành vi phạm tội này đã cấu thành tội giết người.

Vụ việc nữ nhân viên ngân hàng bị bạn trai sát hại giữa đường ở Ninh Bình đang thu hút sự chú ý từ dư luận.
Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình, cô gái bị thanh niên ngồi lên người, đâm nhiều nhát dẫn tới tử vong là Trần Thị Thu Huyền (25 tuổi, ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình), làm việc tại một ngân hàng ở thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Sự việc xảy ra vào sáng 1/4 tại đường Tôn Đức Thắng (phường Đông Thành, TP Ninh Bình).
Nghi phạm là Phạm Văn Nghị (31 tuổi, cùng trú huyện Kim Sơn, hành nghề tài xế). Sau khi ra tay sát hại Huyền, Nghị cũng tự dùng kéo đâm vào cổ mình và gục trên người cô gái.
Hung thu sat hai nu nhan vien ngan hang gay rung dong doi mat muc an nao?
 Hiện trường vụ án mạng.
Liên quan vụ án trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã cho biết quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhìn nhận, vụ án xảy ra rất có thể liên quan đến mâu thuẫn tình cảm giữa đối tượng gây án và nạn nhân?
Đối tượng đã lên kế hoạch điều khiển xe ô tô chặn ép xe mô tô của cô gái trên đoạn đường vắng. Giữa hai bên xảy ra lời qua tiếng lại, do bực tức, đối tượng đã sử dụng chiếc kéo mang theo đâm nhiều nhát vào các vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân gây tử vong ngay tại chỗ. Sau đó, đối tượng đã dùng chiếc kéo này tự sát bất thành do được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Chỉ vì mâu thuẫn trong việc níu kéo tình cảm, đối tượng đã sử dụng hung khí đâm nạn nhân gây tử vong, hành vi phạm tội này đã cấu thành tội giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS 2015.
Hành vi phạm tội của đối tượng gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, tước đi quyền sống của người khác được pháp luật bảo vệ, gây tang thương mất mát cho gia đình nạn nhân và gây bức xúc trong dư luận xã hội... cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu đối tượng đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất đến tử hình.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)