Theo quan sát, trên thành hầm đã xuất hiện các vết nứt bắt đầu từ 2km đầu tiên theo hướng từ TP. Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế. Đây không phải là lần đầu tiên hầm Hải Vân xảy ra hiện tượng nứt. Tuy nhiên, sự việc càng khiến các phương tiện lưu thông qua hầm hoang mang hơn kể từ khi dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 tiến hành nổ mìn phá đá, đào hầm.
Theo lịch do chủ đầu tư thông báo, việc đóng cửa hầm Hải Vân 1 bắt đầu từ 13h15 đến 13h45 hàng ngày, triển khai từ 11/7/2016 để thực hiện thi công dự án.
|
Các vết nứt tại hầm đường bộ Hải Vân |
Qua quan sát thì các vết nứt trong hầm xuất hiện cửa phía nam hầm Hải Vân 1 kéo dài về hướng Bắc. Thực tế này khiến các chủ phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân lo ngại có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông.
Công tác quản lý khai thác hầm đường bộ Hải Vân 1 do Công ty CP Đèo Cả khai thác từ năm 2016. Nhiều người băn khoăn: Liệu công tác duy tu bảo dưỡng tuyến hầm Hải Vân 1 sẽ được xử lý ra sao khi đồng loạt vừa khai thác, vừa thi công hầm Hải Vân 2 để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông qua hầm?
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPĐT Đèo Cả, cho biết đơn vị nhận bàn giao quản lý vận hành hầm đường bộ hải Vân 1 vào tháng 1/2016 từ Bộ GTVT. Đến tháng 5/2016 Công ty CPĐT Đèo Cả thực hiện khảo sát toàn bộ các vết nứt trong hầm, xác định có 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi, cần sửa chữa để tránh rủi ro về an toàn kết cấu.
Đến tháng 12/2016 đã sửa chữa xong 8 vết nứt được đánh giá là có rủi ro về an toàn, đã được Bộ GTVT và Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Ông Mai khẳng định: Những vết nứt còn lại như dư luận phản ánh là chủ yếu dựa vào hình ảnh phần sơn epoxy bị bong sau 12 năm sử dụng (tuổi thọ loại sơn này chỉ khoảng 5 năm) chứ chưa ai thực sự quan sát chỗ mà họ cho rằng đó là vết nứt. Tại các vị trí sơn epoxy bị bong thường tồn tại vết nứt rất nhỏ, và ảnh hưởng của vết nứt này đến an toàn kết cấu là không đáng kể, do đó không ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong hầm Hải Vân 1.
“Đặc tính của phần vỏ hầm bị nứt là phần không chịu lực, mà là phần để lắp đặt đèn, tạo thẩm mỹ cho hầm. Các vết nứt hiện nay trên vỏ hầm Hải Vân 1 đã xuất hiện từ trước khi thi công nổ mìn và trong quá trình thi công nổ mìn từ tháng 12/2016 đến nay, chúng tôi đều theo dõi hàng ngày và không thấy xuất hiện bất kỳ vết nứt nào mới. Do đó, việc các chuyên gia nêu là không có cơ sở.” - ông Mai nói.
Theo ông Mai, quá trình thi công hầm Hải Vân 2, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thường xuyên tổ chức việc giám sát chặt chẽ các vết nứt hiện nay, nếu có bất cứ vấn đề gì sẽ tiến hành sửa chữa kịp thời.
“Sau gần 1 năm thi công nổ mìn đào mở rộng hầm Hải Vân 2 (phía nam đào được khoảng 200m, phía bắc đào được khoảng 800m), chưa có bất kỳ vấn đề nào đối với các vết nứt hiện hữu trong hầm Hải Vân 1 và không có thêm vết nứt mới ở đây. Như vậy có thể khẳng định rằng biện pháp thi công đào mở rộng hiện nay cũng như hiện trạng kết cấu vỏ hầm Hải Vân 1 là đảm bảo an toàn cho việc sử dụng liên tục công trình này” - ông Mai khẳng định.