Hai dự án trên 1.100 tỷ làm trước xin duyệt sau ở Thái Bình: Hỏi trách nhiệm Chủ tịch tỉnh?

Google News

(Kiến Thức) - Cho triển khai thực hiện hai dự án trên 1.100 tỷ đồng khi chưa được Thủ tướng cho phép chuyển đổi 149,14 ha rừng phòng hộ; chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất …Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh thế nào?

Ngày 31/12, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình sẽ phải báo cáo thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cũng như kết quả xử lý, khắc phục những vi phạm đã trong quá trình thực hiện các dự án, xử lý triệt để các vi phạm về đất đai đã được TTCP chỉ rõ trong kết luận thanh tra 1137/KL-TTCP.
Đáng chú ý, trong kết luận thanh tra 1137 về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (thời kỳ từ năm 2011-2016) và đất đai, môi trường (thời kỳ từ năm 2006-2016) đã chỉ rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng của tỉnh còn để xảy ra nhiều tồn tại, sai phạm.
Hai du an tren 1.100 ty lam truoc xin duyet sau o Thai Binh: Hoi trach nhiem Chu tich tinh?
Dự án nâng bãi ổn định đoạn tuyến đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km31+700 huyện Thái Thụy. Ảnh: Thaibinhtv 
Trong đó, tại một số dự án, UBND tỉnh Thái Bình cho triển khai và ứng hàng trăm tỷ đồng trong khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định.
Đáng chú ý, có dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ, chưa có quyết định thu hồi đất, quyết định thực hiện dự án... cho thấy trách nhiệm của UBND tỉnh, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan.
Cụ thể, trong kết luận thanh tra, TTCP đã chỉ ra 2 dự án điển hình cho sai phạm trong quản lý đầu tư tại Thái Bình.
Đó là dự án Nâng bãi ổn định Đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km31+700 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp và dịch vụ; Dự án Nắn tuyến Đê biển số 8 từ Km26+700 đến Km31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thụy.
Hai dự án trên có mức đầu tư là 1.139,8 tỷ đồng (725,7 tỷ đồng + 414,1 tỷ đồng), trên diện tích đất 320,1 ha, trong đó có 149,14 ha rừng phòng hộ.
Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Thái Bình cho triển khai thực hiện các dự án, thậm chí ứng vốn lên đến 299 tỷ đồng cho các nhà thầu thi công, trong khi đó, 2 dự án này chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai theo quy định.
Cụ thể chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 149,14 ha rừng phòng hộ; chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án; chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với đất nuôi trồng thủy sản của các hộ dân với diện tích hơn 170 ha.
Dù đối với các dự án này, UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động khắc phục trước thời điểm thanh tra, tạm dừng thực hiện các dự án để hoàn thiện thủ tục về môi trường, đất đai theo quy định, đồng thời cho thu hồi số tiền 299 tỷ đồng đã ứng cho nhà thầu thi công về ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh Thái Bình.
Đồng thời Thanh tra Chính phủ yêu cầu, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo khắc phục triệt để thiếu sót, vi phạm và kiểm điểm liên quan quá trình thực hiện các dự án này. Trường hợp các dự án tiếp tục được thực hiện, UBND tỉnh Thái Bình cần thực hiện nghiêm túc về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, giai đoạn tháng 01/2011 đến tháng 02/2015, ông Phạm Văn Sinh giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Còn từ tháng 3/2015 đến tháng 7/2018, ông Nguyễn Hồng Diên giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hồng Diên đang là Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình.
Việc UBND tỉnh Thái Bình cho triển khai thực hiện các dự án khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 149,14 ha rừng phòng hộ; chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án; chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường… rõ là sự bấp chấp các quy định pháp luật,gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của nhiều hộ dân có diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi.
Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thế nào? Trong bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tới đây, lãnh đạo tỉnh Thái Bình có thẳng thắn nhận trách nhiệm?

Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã ký công văn số 1934-CV/TU, ngày 24/9/2019 về việc thực hiện kết luận thanh tra của TTCP. Ngày 30/9/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU về việc nghiêm túc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ban Thường vụ kết luận, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vi phạm được nêu tại Kết luận thanh tra số 1137/KL-TTCP, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm theo các kiến nghị của TTCP; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 25/12/2019. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các ngành liên quan theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra và báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ngày 25/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đã ban hành Văn bản số 4050/UBND-BTCD, chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các kiến nghị của TTCP tại Kết luận thanh tra số 1137/KL-TTCP.

Ngày 7/10, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch số 99 thực hiện Kết luận thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện pháp lý về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Trong kế hoạch này, UBND tỉnh Thái Bình chỉ rõ 3 nội dung: Xử lý trách nhiệm; Khắc phục tồn tại, hạn chế và xử lý về kinh tế.

Đối với phần xử lí trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan qua các thời kì để xảy ra sai phạm trên địa bàn, 19 cơ quan bao gồm cả UBND tỉnh Thái Bình phải kiểm điểm trách nhiệm.

Sở TN&MT tỉnh Thái Bình phải kiểm điểm trách nhiệm với vai trò đơn vị tham mưu UBND tỉnh, để xảy ra các sai phạm trong việc quản lý về đất đai, môi trường. Kiểm điểm các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các dự án. Trong đó có dự án nâng bãi ổn định Đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp và dịch vụ và Dự án nắn tuyến Đê biển số 8 từ Km 26+700 đến Km 31+700 kết hợp giao thông huyện Thái Thụy.

UBND các huyện Thái Thụy kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân để xảy ra một số tồn tại, vi phạm về đất đai như chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

>>> Mời độc giả xem thêm video Sẽ tiếp tục xử lý cán bộ cấp cao vi phạm:

Nguồn VTC 1.

PV Kiến Thức tiếp tục thông tin vụ việc trên…
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)