Liên quan việc xác minh tài sản nhân sự, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, hồ sơ nhân sự của Đại hội làm rất chặt chẽ, được xem xét kỹ lưỡng và có ý kiến của Ban Thường vụ, Uỷ ban Kiểm tra, thanh tra bằng văn bản, thậm chí có trường hợp phải có ý kiến của cơ quan công an.
Điểm thứ hai trong nhiệm kỳ là thực hiện theo quy trình 5 bước nên mở rộng tính công khai, dân chủ.
|
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo |
Theo ông Bảo, trong nhiệm kỳ này có một nội dung mới là tiến hành khảo sát nhân sự trước đại hội. Cụ thể, nhân sự được đề cử mà có đơn thư, tố cáo, phản ánh kê khai tài sản không minh bạch, bằng cấp, năng lực, tiểu sử… thì tiểu ban nhân sự có trách nhiệm khảo sát để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.
“Quy định hết sức chặt chẽ và mở rộng dân chủ để sàng lọc, lựa chọn đưa vào cấp ủy những người có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín”, ông Bảo nói.
Trong quá trình thẩm định nhân sự các cấp thì quy trình này cũng đã phát huy tác dụng trong thực tế. Những nơi nào có cá nhân có vi phạm trong hồ sơ và trong thực tế đều được kiểm tra, đánh giá khách quan.
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ thông tin, Hà Nội đã triển khai theo đúng quy định hồ sơ, tính pháp lý, người kê khai cũng như người xác nhận chịu trách nhiệm về kết luận của mình.
Trước câu hỏi trong quá trình tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở vừa qua, cũng như chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ TP sắp tới, Hà Nội có phát hiện trường hợp nào "giàu nhanh" bất thường cần phải xác minh, làm rõ?, ông Bảo cho biết chưa có phát hiện đơn thư khiếu nại, tố cáo xoay quanh nội dung này.
Ông Vũ Đức Bảo cũng nhấn mạnh, trong quá trình đại hội thì các cơ quan chuyên môn, tiểu ban nhân sự tiếp tục tiếp nhận ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên, nhân dân và tiến hành khảo sát, đánh giá theo đúng quy định, tinh thần sai phạm đến đâu xử lý đến đó.
Tình trạng bè cánh gần như không còn
Về ngăn chặn tình trạng cục bộ, bè phải, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, ông Bảo cho biết, Thành ủy Hà Nội có 83 tổ chức cơ sở đảng tạm gọi là yếu kém và 9 quận, huyện được Ban Thường vụ đưa vào diện theo dõi.
Để đại hội không còn hiện tượng bè cánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo thì cần giải quyết tận gốc những vấn đề này. Trước tiên, phải công bố công khai các sai phạm của các cán bộ có vi phạm. Đồng thời nơi nào năng lực cán bộ hạn chế, nơi nào cán bộ mất đoàn kết thì phải thay thế.
Ngoài ra, Hà Nội đã tăng cường một số giám đốc sở, ngành, các thành ủy viên trẻ xuống làm bí thư một số quận, huyện và cũng xem xét kỷ luật một số cán bộ vi phạm…
“Những vấn đề liên quan đến đơn thư tố cáo, khiếu nại đã được giải quyết từ trước, đặc biệt là vấn đề đoàn kết nội bộ”, ông Bảo thông tin.
Theo ông Bảo, trong các đại hội cấp cơ sở vừa qua, tình trạng bè cánh, mất đoàn kết, vận động đã gần như không còn. Điều này thể hiện cụ thể là ở 83 tổ chức cơ sở đảng diện yếu kém cần củng cố thì tỷ lệ trúng cử cấp ủy đều cao.
Với tình huống tại đại hội Đảng các cấp, có những nhân sự dự kiến vào các chức danh chủ chốt nhưng lại không trúng vào Ban Chấp hành, ông Bảo cho hay, quyền quyết định cao nhất là Đại hội. Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành, Ban Chấp hành bầu ra các vị trí chủ chốt.
“Các cán bộ chủ chốt không trúng cử thể hiện tín nhiệm không cao. Về nguyên tắc, chúng ta phải tôn trọng kết quả của Đại hội. Sau này, xử lý như thế nào trong sắp xếp bộ máy thì Ban Thường vụ các cấp sẽ quyết định”, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội nêu quan điểm.