Giám đốc Trung tâm giáo dục nhận án 5 năm tù, Bộ GD&ĐT nói gì?

Google News

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện...

Báo Vietnamnet dẫn lời ông Vũ Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho hay, qua các nguồn thông tin, Bộ GD&ĐT được biết Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã mở phiên tòa xét xử bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 45 triệu đồng.
"Lãnh đạo Bộ GD&ĐT rất quan tâm tới vụ việc này và đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng; đồng thời thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa", ông Minh nói.
Giam doc Trung tam giao duc nhan an 5 nam tu, Bo GD&DT noi gi?
Cơ quan chức năng thi hành lệnh khám xét phòng làm việc của bà Lê Thị Dung. Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống đưa tin, bà Lê Thị Dung (51 tuổi, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm số 17 ngày 24/4 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên.
Bản án ở phiên tòa sơ thẩm này tuyên phạt bà Dung 5 năm tù đồng thời buộc truy thu số tiền gần 45 triệu đồng để trả lại cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Ngoài ra, tòa cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hương, nguyên kế toán Trung tâm, mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên, trong quá trình công tác, bà Dung với vai trò là giám đốc trung tâm đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.
Quy chế này chưa được Sở GD&ĐT Nghệ An thông qua theo quy định và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền gần 45 triệu đồng.
Cụ thể, tuy đã được thanh toán những nội dung như vị trí bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm 2015 với số tiền hơn 30,9 triệu đồng; năm 2016 hơn 13,8 triệu đồng.
Căn cứ trên các bảng tổng hợp của bà Dung và các cán bộ, giáo viên khác kê khai và ký xác nhận thì bà Hương đã tiến hành đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên thanh toán.
Số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Dung. Việc này gây thiệt hại cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Đến năm học 2017 - 2018, bà Hương không làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ cho bà Dung và có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên đồng thời có đơn tố giác.
Bà Dung bị khởi tố bị can, bắt tạm giam từ ngày 28/3/2022 đến nay.
Sau phiên tòa sơ thẩm, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nội dung cho rằng số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt quá cao và đặt câu hỏi về tính khách quan của hội đồng xét xử.

>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đầu xét xử Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền (Nguồn: Kienthucnet):

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)