Giả bác sĩ làm việc tại khu điều trị F0: Đối mặt nhiều tội danh?

Google News

Với hành vi giả bác sĩ làm việc tại khu điều trị F0, Nguyễn Quốc Khiêm có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh.

Thông tin mới nhất vụ giả bác sĩ vào khu điều trị ở TP HCM chữa cho F0, hiện nhiều cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Trường ĐH Y Dược TP HCM, Công an TP HCM…đã vào cuộc xác minh hành vi của Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996) - người bị tình nghi mạo danh là bác sĩ nội trú của trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.
Có thể đối mặt nhiều tội danh
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, câu chuyện như đùa nhưng lại có thật khiến dư luận bức xúc. Hành vi này có thể gây ra nguy hiểm cho người bệnh và những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. 
 Bởi vậy, Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ quá trình thực hiện các thủ tục tuyển tình nguyện viên, quá trình tham gia tình nguyện và việc mạo danh bác sĩ để thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh của Nguyễn Quốc Khiêm.
Gia bac si lam viec tai khu dieu tri F0: Doi mat nhieu toi danh?
"Bác sĩ giả" Nguyễn Quốc Khiêm. 
Theo luật sư Cường, việc mạo danh bác sĩ, quyết định trong việc đưa ra các y lệnh, thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, liên quan trực tiếp đến người bệnh đang nguy kịch là một sự việc nghiêm trọng, vi phạm pháp luật và là hành vi giả mạo trong công tác. Để giả mạo bác sĩ, người này còn có thể sẽ làm giả các giấy tờ, tài liệu…nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ tất cả các hành vi này để xử lý theo quy định pháp luật.
Khám chữa bệnh đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tương ứng. Khám chữa bệnh là ngành nghề có điều kiện, hoạt động khám chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Bởi vậy, việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải theo quy định của luật khám chữa bệnh, người thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn.
Người nào thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi giả mạo trong công tác,làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong vụ việc này, nhân vật giả mạo thạc sĩ bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.
Nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ này mà người này làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định tại điều 315 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy trong quá trình người này mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản thì hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 bộ luật hình sự năm 2015 và tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo điều 341 bộ luật hình sự năm 2015.
Với nhiều hành vi vi phạm liên tục, kéo dài như vậy, mỗi hành vi vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau. Cơ quan chức năng sẽ trưng cầu giám định Thẻ sinh viên và các văn bản giấy tờ mà người này đã ký vào trong quá trình thực hiện hoạt động thiện nguyện để đánh giá yếu tố pháp lý, làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Ai chịu trách nhiệm?
Thông tin về vụ việc, Sở Y tế TP HCM cho biết, Nguyễn Quốc Khiêm là tên của một tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch qua Trường ĐH Y Dược TP HCM, Nguyễn Quốc Khiêm không có tên trong danh sách sinh viên khóa 2012 đến 2020 của trường ĐH Y Dược TP HCM ở tất cả các ngành học.
Ngày 9/7/2021, UBND quận 12 có công văn số 4515 gửi đến Trường Đại học Y Dược TP HCM đề nghị hỗ trợ tình nguyện viên tham gia chống dịch. Sau đó, Trường Đại học Y Dược TP HCM đã tạo đường link kêu gọi các tình nguyện tham gia, và đã đăng tải nhóm zalo đợt 03 - TNV Y Dược chống COVID-19.
Trường tuyển được 8 tình nguyện viên đăng ký tham gia và có công văn cử sinh viên, học viên tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM, gửi Sở Y tế TP HCM và UBND Quận 12, đính kèm danh sách của 8 sinh viên trong đó có tên sinh viên Nguyễn Quốc Khiêm.
Căn cứ công văn trên và các công văn cử sinh viên, học sinh tham gia chống dịch, Sở Y tế ra Quyết định số 385 về việc tiếp nhận 346 sinh viên, học viên của Trường Đại học Y Dược TP HCM về các khu cách ly, điều trị các ca bệnh liên quan đến COVID trên địa bàn TP HCM, trong đó, ông Nguyễn Quốc Khiêm được phân bổ về khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TP HCM.
Ngày 16/8/2021, UBND Quận 12 có Quyết định số 4084 về việc thành lập khu cách ly tập trung cho đối tượng F0 trên địa bàn quận 12 tại trường Cao đẳng điện lực TPHCM, Trung tâm Y tế Quận 12 ban hành Quyết định số 129 điều động phân công nhân sự hỗ trợ công tác phòng, chống dịch khu cách ly tập trung cho đối tượng F0 tại trường Cao đẳng Điện lực TP HCM, trong đó có phân công ông Nguyễn Quốc Khiêm làm nhiệm vụ nhận bệnh, hậu cần.
Điều đáng lưu ý là vào thời điểm tháng 9/2021, Trung tâm y tế Quận 12 có yêu cầu Trường Đại học Y Dược xác minh ông Nguyễn Quốc Khiêm có phải là là thạc sĩ, bác sĩ của Trường ĐH Y Dược TPHCM, trao đổi qua điện thoại, trường trả lời ông Khiêm không phải là sinh viên của trường và thẻ sinh viên không do trường cấp.
Tuy nhiên, ngày 1/10/2021, UBND Quận 12 vẫn ban hành Quyết định số 4561 về việc tiếp nhận phân công tình nguyện viên trường Đại học Y dược TPHCM tham gia các khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Quận 12. Theo Quyết định này ông nguyễn Quốc Khiêm được phân công làm việc tại khu cách ly tập trung trường Cao đẳng Điện lực TPHCM.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh bác sĩ có lẽ bắt đầu từ quá trình tuyển dụng cộng tác viên, tình nguyện viên từ các sinh viên chuyên ngành y và quá trình quản lý những người này để phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Do đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ quy trình thủ tục tuyển cộng tác viên, tuyển bác sĩ, về việc quản lý cán bộ bác sĩ tại các cơ sở y tế điều trị F0, các khu cách ly mà bác sĩ giả này đã làm việc để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
“Có thể lúc đầu chỉ là nhiệt tình tham gia phòng dịch như một sinh viên nhưng do sơ hở trong công tác quản lý, thiếu giám sát của cơ quan chức năng nên người này đã liên tục mạo danh, mà ở vị trí công tác để trở thành thạc sĩ, bác sĩ, thực hiện hoạt động khám chữa bệnh mà không ai phát hiện ra”, luật sư Cường nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:

Nguồn: PLO

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)