Mới đây, một số cơ quan báo chí dẫn lời Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM cho biết đã tiếp nhận đơn của một số người tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng khi cho rằng bản thân bị vu khống, bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo đó, có khoảng 5 người đã gửi đơn tố cáo bà Phương Hằng, trong đó có nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Trước đó, sau khi làm thủ tục ký nhận 18.107 trang sao kê từ thiện miền Trung, Thủy Tiên - Công Vinh cũng cho biết, sẽ đâm đơn kiện dù người vu khống là doanh nhân hay một CEO.
Đáng chú ý, những nghệ sĩ tố cáo bà Phương Hằng đều từng bị đặt nghi vấn ăn chặn tiền từ thiện dù đến nay đúng sai còn chưa ngã ngũ khi chưa có một cơ quan chức năng có thẩm quyền nào kết luận.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc các nghệ sĩ tố cáo bà Hằng, nếu công an vào cuộc sẽ làm sáng tỏ cả vấn đề tiền từ thiện, khi đó các nghệ sĩ có thể sẽ được minh oan, lấy lại danh dự hoặc cũng có thể “cháy nhà ra mặt chuột”?
|
Đàm Vĩnh Hưng gửi đơn tố cáo bà Phương Hằng. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc khởi kiện, đưa vấn đề ra pháp luật là cách hành xử văn minh, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bởi nếu sự việc không được giải quyết bằng pháp luật mà những tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột xã hội chỉ lời qua tiếng lại, chửi bới xúc phạm nhau trên mạng xã hội sẽ làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và có thể tiếp tục sẽ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
Luật sư Cường cho rằng, Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Theo đó, mọi chủ thể trong xã hội đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật mà Hiến pháp là đạo luật tối cao, bộ luật gốc mang tính nền tảng; Khẳng định và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng sự bình đẳng của mọi cá nhân trong thụ hưởng và phát triển quyền, không có sự phân biệt đối xử, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội; Bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Quyền và nghĩa vụ của công dân được pháp luật thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện, thúc đẩy trong khuôn khổ luật pháp.
Trong xã hội văn minh, pháp luật là thước đo giá trị hành vi con người. Mọi tổ chức, cá nhân sống phải làm việc và hoạt động đều phải trong khuôn khổ pháp luật. Pháp luật Việt Nam ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín của mọi công dân.
Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng, mọi hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác dù là trên mạng xã hội hay trong đời thực thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, với những thông tin của nữ doanh nhân này đưa ra trong các buổi livestream trong thời gian qua và phản hồi trở lại, phủ nhận của các nghệ sĩ, dư luận không thể biết ai đúng, ai sai, chỉ có kết luận của cơ quan chức năng thì mới là cơ sở để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật. Sự việc trở thành những mâu thuẫn trong các hội nhóm trên mạng xã hội.
“Khi quan điểm, thông tin của hai bên đưa ra mâu thuẫn nhau, thậm chí tố cáo nhau sẽ có bên đúng, bên sai hoặc cả hai đều sai. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để làm rõ có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện. Nếu kết luận của cơ quan điều tra là có việc ăn chặn tiền từ thiện, có thể xử lý các nghệ sĩ về hành vi lừa đảo hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" - luật sư Cường nêu ý kiến.
Ngược lại, nếu kết quả điều tra xác minh của cơ quan điều tra cho thấy hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ hoàn toàn trong sạch, minh bạch, không có dấu hiệu thất thoát nhưng có chứng cứ cho thấy nữ doanh nhân này đã đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vu khống, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
Thời gian gần đây, trào lưu bóc phốt, tố cáo nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện lan nhanh trên mạng xã hội, thông tin từ một số cá nhân, hội nhóm đưa ra đã gây ra những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội, tạo ra những nghi ngờ đối với một số nghệ sĩ tham gia hoạt động từ thiện. Sự việc này đã đến lúc cần phải giải quyết bằng pháp luật, phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu cơ quan điều tra chậm vào cuộc, mâu thuẫn càng gia tăng, thông tin cá nhân sẽ bị tiết lộ nhiều hơn trên mạng xã hội, nhiều người bị xúc phạm danh dự nhân phẩm và tin tưởng vào lòng tốt và sự tử tế của con người ngày càng gia tăng, gây mất đoàn kết và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, việc một số nghệ sĩ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý các sai phạm là hoàn toàn có cơ sở và cần thiết. Đây là một hành xử văn minh và phù hợp với quy định của pháp luật, cũng là mong muốn của nhiều người để mạng xã hội trở nên trong sạch hơn, văn minh hơn.
Trao đổi trên Zing, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, nếu chủ tài khoản livestream không cẩn trọng với nội dung mình đưa ra thì người cảm thấy bị xúc phạm nhân phẩm, hạ thấp danh dự, uy tín hoặc vu khống do thông tin trong buổi phát livestream hoàn toàn có quyền khởi kiện.
Căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố thách đố bà Phương Hằng: