Đại án Việt Á đến nay đã khởi tố bao nhiêu bị can?

Google News

Đến nay, các cơ quan điều tra đã khởi tố 29 vụ án, 102 bị can vụ Việt Á. Trong đó, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an khởi tố 29 bị can, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng khởi tố 5 bị can.

Chiều 19/12, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2022.
Khởi tố 29 vụ án, 102 bị can trong Đại án Việt Á
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ Việt Á, đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, đến nay, các cơ quan điều tra đã khởi tố 29 vụ án, 102 bị can.
Trong đó, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an khởi tố 29 bị can, Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng khởi tố 5 bị can và Cơ quan CSĐT Công an 24 tỉnh đã khởi tố 27 vụ, 68 bị can.
Dai an Viet A den nay da khoi to bao nhieu bi can?
 Đại tá Vũ Như Hà
Hiện nay các vụ án đang được điều tra triệt để, xoay quanh các tội danh: Vi phạm các quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ, Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng...
"Về một số bị can giữ chức vụ trong vụ án này, như bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì Cơ quan CSĐT đang tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ và thu thập tài liệu liên quan để đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật", Đại tá Vũ Như Hà thông tin.
Thông tin về vụ án AIC, có các bị can bỏ trốn, đại tá Vũ Như Hà cho biết, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phối hợp khẩn trương truy bắt. Ngày 9/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra, chuyển VKSND tối cao đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có một số bị can bỏ trốn.
“Việc kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can bỏ trốn đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự. Việc kết luận điều tra, truy tố này cũng cho thấy, chất lượng điều tra hiện nay đã được nâng lên, việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ không chỉ phụ thuộc vào lời khai bị can mà phải đảm bảo quy định pháp luật, dù bị can bỏ trốn nhưng cơ quan điều tra sẽ đảm bảo thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ”, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết.
Về vụ án liên quan Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông, theo đại tá Hà, đến nay đã khởi tố 2 vụ án, 27 bị can, còn lại CQĐT đang tập trung xem xét, xử lý triệt để trên tinh thần thượng tôn pháp luật, "không có ngoại lệ, không có vùng cấm".
“Đặc biệt là áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tiền, tài sản, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước và các nhà đầu tư, quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại trong các vụ án này", Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu khẳng định.
Vụ án Tập đoàn Mường Thanh, ông Lê Thanh Thản diễn tiến thế nào?
Trả lời câu hỏi liên quan Tập đoàn Mường Thanh và ông Lê Thanh Thản, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 5/7/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Tổng Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên về tội "Lừa dối khách hàng", quy định tại khoản 2, Điều 198, Bộ luật Hình sự năm 2015. Vụ án này liên quan dự án CT6 Kiến Hưng.
"Có hai nhóm hành vi vi phạm: Nhóm hành vi lừa dối khách hàng, làm giả, vi phạm quy định về quy hoạch xây dựng, riêng cá thể hoá trách nhiệm của ông Thản thì rõ rồi, không phải bàn cãi gì nữa. Tuy nhiên, trong cùng một vụ án này lại có thêm nhóm hành vi về thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, thuộc về trách nhiệm của các cán bộ Thanh tra phường Kiến Hưng, Thanh tra xây dựng, lãnh đạo quận Hà Đông thời điểm đó...", Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết.
Dai an Viet A den nay da khoi to bao nhieu bi can?-Hinh-2
Trung tướng Nguyễn Hải Trung 
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, với nhóm hành vi về thiếu tinh thần trách nhiệm, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, chuyển sang Viện KSND, tuy nhiên Viện lại trả lại hồ sơ để bổ sung. Vụ án này liên quan đến cán bộ, đảng viên, do vậy, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã báo cáo Thường vụ Thành uỷ trước đây để đưa vào diện vụ án do Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo.
"Cách đây 2 tuần, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố vừa họp chỉ đạo các cơ quan điều tra, về quan điểm, đường lối xử lý. Thời gian tới chúng tôi sẽ khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo, đưa vụ án ra truy tố, xét xử...", ông Trung cho biết thêm.
Trả lời về về tiến độ điều tra giải quyết vụ ôtô Ferrari biển ngoại giao, gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại đường Lê Quang Đạo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, vụ việc đã được Phòng Cảnh sát hình sự thụ lý điều tra dưới sự giám sát của Viện KSND thành phố.
Hiện, Cơ quan CSĐT đã gửi trưng cầu giám định nồng độ cồn, ma túy đối với người liên quan. Ngoài ra, CQĐT cũng trưng cầu giám định dấu vết hình thành tai nạn, trưng cầu hội đồng định giá thiệt hại về tài sản.
"Vụ việc đang trong quá trình điều tra, căn cứ kết quả điều tra nếu vi phạm hình sự sẽ xử lý hình sự, vi phạm hành chính thì xử lý hành chính", Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh.
Giám đốc Công an Hà Nội nói về thông tin 4.700 công an xin nghỉ việc
Trả lời câu hỏi về thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng thời gian qua có tới 4.700 cán bộ công an xin nghỉ việc vì không chịu được "sức ép kỷ luật", Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, vừa qua trên mạng xã hội có thông tin Giám đốc Công an Hà Nội kỷ luật cán bộ khắt khe quá, dẫn đến 4.700 người xin ra khỏi ngành, trong đó có 2 cán bộ là Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm và Trưởng Công an quận Đống Đa xin nghỉ hưu sớm.
Trung tướng Trung nhấn mạnh, chủ trương siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác là việc làm thường xuyên, đây cũng là yêu cầu của Đảng. Từ khi ông về công tác tại Công an Hà Nội (từ tháng 8/2020) đã đưa ra rất nhiều giải pháp tăng cường quản lý kỷ cương, kỷ luật có tình có lý. Trong 2 năm qua, Công an Hà Nội đã kỷ luật khoảng 170 cán bộ, chiến sĩ.
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, hàng năm số lượng cán bộ công an xuất ngũ duy trì khoảng 150-160 người, đây là con số không có gì đột biến.
"Phần lớn số cán bộ, chiến sĩ công an xin xuất ngũ là rơi vào các trường hợp trình độ, năng lực kém. Những người này nếu tiếp tục ở lại cũng sẽ phải ra khỏi ngành", ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, ngoài lý do trên, số cán bộ, chiến sĩ xin xuất ngũ còn vì điều kiện gia đình neo người,… xin ra ngoài để có điều kiện thời gian lo cho gia đình. Một lý do nữa là các cán bộ, chiến sĩ xin xuất ngũ là gia đình có doanh nghiệp, có cửa hàng, muốn ra ngoài để có điều kiện làm ăn kinh tế.
"Các cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ xin ra khỏi ngành và ra khỏi ngành vì kỷ luật không có liên quan đến nhau. Trưởng Công an quận Đống Đa làm đơn xin nghỉ là vì lý do sức khỏe; còn Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm vẫn làm việc, công tác bình thường. Ai xin xuất ngũ tôi đều xin số điện thoại, tôi hỏi trực tiếp để biết lý do", Giám đốc Công an Hà Nội cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định trao đổi về vụ việc Việt Á
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)